Chỉ số P/B cũng là một chỉ số rất phổ biến và thường xuyên được áp dụng khi đánh giá, định giá một cổ phiếu. Trong bài viết này, Hoài Phong sẽ gửi tới bạn các vận dụng P/B để đưa ra định giá về một công ty.
Nội dung
Chỉ số P/B là gì, tính như thế nào
Một công ty có tổng nguồn vốn trên báo cáo tài chính là 500 tỷ, công ty đang có 10 triệu cp. Vậy theo sổ sách (BCTC), 1 CP có giá trị: 500 tỷ / 10 triệu cp = 50.000.
- Giá trị sổ sách 1 cp (Tức BVPS) = 50K.
- Giá thị trường của CP là 120K.
Lúc này ta có P/B = 120K/50K = 2.4.
Như vậy ta có giá thị trường của CP trong ví dụ trên cao gấp 2.4 lần giá trị trong sổ sách của doanh nghiệp. P/B cũng có thể tính là vốn hóa thị trường / Vốn ròng chủ sở hữu. Trong ví dụ trên là : 1200 tỷ / 500 tỷ = 2.4.

Ví dụ đơn giản
Một quán phở đang kinh doanh. Tổng tiền mặt, vật dụng, tài sản cố định khác trừ đi các khoản chi như tiền thuê nhà, tiền nguyên liệu v.v thì còn 5 tỷ. 5 tỷ này chính là số tiền mà nếu nghỉ bán, và thanh lý tất cả thì cầm về được. Nó chính là tài sản ròng hay tổng nguồn vốn ghi trong BCTC.
Minh họa dễ hiểu về chỉ số P/B
Quán phở này được trả giá bao nhiêu?
Chúng ta nhanh chóng tính ra tiền bàn ghế, tiền bếp, các khoản nợ để có kết quả chính xác giá trị ròng của quán là 5 tỷ. Nhưng thị trường – tức các nhà đầu tư muốn mua quán phở này sẽ định giá khác.
Cũng như một doanh nghiệp, một quán phở cũng đang hoạt động. Nó đang sinh ra tiền, nó có khách hàng, có thương hiệu và rất nhiều thứ khác.
- Nếu quán đang làm ăn tốt, một tháng kiếm về 300 triệu tiền lời, người ta sẵn sàng trả quán phở đó 10 tỷ để mua lại, dù tính theo tài sản ròng chỉ trị giá 5 tỷ. Lúc này ta có P/B = 2.
- Nếu quán làm ăn ở mức trung bình, 1 tháng thu về 200 triệu, người ta chỉ có thể trả cho nó ở mức 7 tỷ. P/B = 7/5 = 1.4
- Trường hợp quán chỉ lãi 30 triệu/tháng, người ta thậm chí chỉ mua đúng bằng mức giá 5 tỷ hoặc hơn một chút. P/B = 5/5 = 1
- Trường hợp quán đang lỗ, người ta thậm chí chỉ đồng ý mua giá 4.5 tỷ, do khi tiếp quản phải sửa chữa hoặc ít nhất phải trả thêm 6 – 8 tiền nhà nhưng do dịch bệnh chưa mở được cửa. P/B = 4.5 /5 = 0.9
Vì giá trị tài sản ròng là con số kế toán, nó không thể nào đưa các yếu tố như: Giá trị thương hiệu, tệp khách hàng, tiềm năng và cơ hội phát triển v,v. Đối với một công ty làm ăn tốt, chỉ số P/B luôn > 1.
Sử dụng chỉ số P/B để định giá cổ phiếu, doanh nghiệp
Như vậy chúng ta đã hiểu được về P/B một cách cơ bản nhất. Nhưng việc ứng dụng P/B lại khá phức tạp, nó do vấn đề ở B. Không phải tổng nguồn vốn lúc nào cũng là một tài sản ổn định, dễ thanh lý hoặc có giá trị thực (Gọi chung là tài sản ảo). Do vậy bạn có thể thấy nhiều công ty có giá trị P/B nhỏ hơn 1 khá nhiều, nếu các tài sản kia không phải là ảo, bạn chỉ cần mua lại công ty đó (Mua CP), sau đó thanh lý để bán lấy giá BVPS là đã có lời rồi. Không hề dễ dàng để tìm ra những thủ đoạn trong BCTC, tuy vậy đối với các những công ty có P/B nhỏ hơn 1 quá nhiều, với các nhà đầu tư mới bạn nên chủ động tránh xa. Thứ mà toàn thị trường không nhìn ra, thì bạn nhìn ra ít khi là một “cơ hội”.
Những con sóng (trend), P/E hay P/B tức thời có thể tác động tới giá CP trong ngắn hạn. Nhưng dài hạn, tất cả được cân bằng bởi quy luật cung cầu, mà ở đó:
P/B khi ổn định sẽ đi tới một con số hợp lý. Nhiều người dựa vào ý này và cho rằng một công ty có P/B quá cao sẽ có giá CP giảm trong tương lai. Điều này không hoàn toàn đúng, một phân số bao gồm tử số và mẫu số.
- P = 100K, B = 25K. P/B = 4, khá cao.
- P = 120K, B = 50K, P/B = 2.4, đã thấp dần.
Như vậy khi P/B bằng 4 trong ví dụ trên, CP không những giảm giá mà còn tăng giá. Chỉ số P/B cũng trở về mức an toàn hơn. Rất đơn giản là bởi B đã tăng rất nhanh. (Nhắc lại: B = BVPS, được tính bằng tổng nguồn vốn / tổng số cổ phiếu. B tăng nhanh khi tổng nguồn vốn tăng nhanh, tức lợi nhuận sinh ra lớn).
Trường hợp B khó tăng, P/B lại quá cao, P sẽ được được thị trường điều chỉnh giá, để trở về mức P/B thấp hơn.
Như vậy trước khi kết luận P/B cao hay thấp, hãy tập trung vào B, tiềm năng của B mới quyết định chính xác xem cao thấp “thật” không.
Bạn có thể tự tính P/B với kế hoạch kinh doanh của công ty (trình bày trong ĐH Cổ Đông):
**** Vốn hóa thị trường = Giá CP theo thị trường * Số CP lưu hành.
Đối với các công ty ổn định, chúng ta hoàn toàn có thể định giá được theo kiểu: Mức giá 120K ở hiện tại là đắt, nhưng sang Q2, Q3, hay năm sau có còn đắt không khi lợi nhuận được thêm vào phần vốn chủ sở hữu ròng. Theo thời gian, khi doanh nghiệp làm ăn có lãi thì phần B cứ to dần lên ( nếu doanh nghiệp không đem phần tiền đó ra chia cho cổ đông hết). Giả sử một công ty cứ lãi liên tục nhưng CP không tăng, nó khiến P/B giảm dần đều và về mức rất hấp dẫn, đa số các nhà đầu tư sẵn sàng trả cao hơn để sở hữu cổ phần và lúc này C/P tăng mạnh trở lại. Sự tăng này dần vượt quá kỳ vọng, CP lại từ từ điều chỉnh về mức hợp lý.
Trên thực tế, sử dụng P/B nó lại không hữu dụng lắm, do nó phụ thuộc rất nhiều vào đặc thù doanh nghiệp. Ví dụ các doanh nghiệp công nghệ như Apple, Facebook bắt thanh lý bằng những tài sản hữu hình thì không đáng giá bao nhiêu. P/B của các doanh nghiệp này lúc nào cũng cao ngất trời, ngược lại một doanh nghiệp làm sản xuất thì phần lớn tài sản là máy móc, nguyên vật liệu nhà xưởng thì P/B nó khá nhỏ. P/B sử dụng tốt cho đánh giá các ngân hàng, các công ty vàng bạc, bảo hiểm v.v (Tài sản toàn tiền, BĐS là chính, mọi thứ rất rõ ràng). Đối với các cổ phiếu penny, tránh sử dụng các chỉ số, do nó rất “ảo”.
Tổng kết về sử dụng chỉ số P/B
- Yêu cầu hiểu được P/B là gì
- Biết được cách tính P/B = Giá Cp / BVPS hoặc P/B = Vốn hóa / Tổng vốn chủ sở hữu.
- Hiểu được P/B có thể ảo do các tài sản được tính ảo trong BCTC.
- Hiểu rằng P/B sẽ điều chỉnh về cân bằng. Sự cân bằng này có thể được điều chỉnh bởi P hoặc B hoặc đồng thời cả 2 để về một mức “chấp nhận chung toàn thị trường”.
- Lợi nhuận và tiềm năng quan trọng hơn giá trị hiện tại, đầu tư CP là đầu tư vào tương lai. Dùng dữ liệu lợi nhuận ước tính từ tương lai, so sánh với giá CP hiện tại để đánh giá tính cơ hội cụ thể.
P/S: Lâu lâu xem P/B chỉ để xem chúng ta trả giá đã quá ảo chưa, còn có lẽ P/E thiết thực hơn. Ngoài ra cũng xem vui xem nếu công ty làm ăn dặt dẹo thì còn cái chổi cùn rế rách gì không. Xem thêm: Hướng dẫn định giá cổ phiếu với P/E qua bài này.
Hoài Phong