Vì triển vọng đối với nền kinh tế thay đổi, đặc biệt là lạm phát đạt đỉnh và liên tục vượt xa mục tiêu 2% của FED đã đề ra, nên rất có thể sẽ FED sẽ đưa ra quyết định tiếp tục tăng lãi suất trong tuần này.
Điều này đã khiến thị trường tài chính toàn cầu như đang ngồi trên đống lửa. Nhiều người dự đoán rằng FED sẽ tăng lãi suất nhiều hơn sự kiến, nên đã dẫn tới tình trạng bán tháo trên toàn cầu, từ chứng khoán Mỹ cho đến châu Á trong phiên 13/6 và 14/6.

Trước đó, tờ Wall Street Journal cũng đã nói đến sự thay đổi lập trường của Fed, cho rằng ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới có thể tăng lãi suất 0,75 trong cuộc họp tuần này, trong khi trước đó chỉ là mức 0,5 điểm.
Chỉ mới một tháng trước, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell còn nói rằng cơ quan này “không tích cực cân nhắc” nâng lãi suất thêm 0,75% để đối phó lạm phát. Tuy nhiên, sau khi lạm phát tháng 5 lập đỉnh 40 năm, có lẽ Powell có thể phải thay đổi quan điểm này.
Thậm chí, theo các chuyên gia của Goldman Sachs, FEDcó thể áp dụng bước nhảy 0,75 điểm phần trăm hai lần liên tiếp, trong cả cuộc họp tuần này và cuộc họp tháng 7, trước khi trở về với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm vào tháng 9, và bước nhảy 0,25 điểm phần trăm vào tháng 11 và tháng 12. Với tiến độ tăng lãi suất như vậy, lãi suất Fed sẽ đạt 3,25-3,5% vào cuối năm nay.
Theo công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group, khả năng FED nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tuần này đang ở mức 96%. Trước đó, công cụ này chỉ dự đoán khả khả năng cao nhất là Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6 này.
Công cụ lãi suất được FED sử dụng như một phương thức để kiềm chế nhu cầu – nhân tố chính đang khiến lạm phát ở Mỹ lên cao nhất hơn 40 năm. Với mức lạm phát như hiện tại, FED sẽ phải nâng lãi suất liên tục cho tới ít nhất cuối năm nay thì mới có thể kéo lạm phát về gần hơn mức mục tiêu 2%.
Báo cáo hôm thứ Sáu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 5 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/1981 và tăng vượt dự báo. Cùng ngày, một chỉ số do Đại học Michigan thực hiện cho thấy niềm tin tiêu dùng giảm xuống mức thấp kỷ lục, trong khi kỳ vọng lạm phát tiếp tục tăng cao.
Một báo cáo khác của Fed chi nhánh New York công bố ngày thứ Hai cho thấy kỳ vọng lạm phát cả năm nay ở Mỹ là 6,6%, bằng mức kỷ lục thiết lập vào năm 2012.
Trong khi đó, nguyên nhân dẫn tới lạm phát cao đều là những vấn đề khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều, chúng bao gồm: tắc nghẽn chuỗi cung ứng đẩy giá cả lên cao; giá năng lượng leo thang do sản lượng kém; và chiến tranh Nga-Ukraine. Bên cạnh đó, sự mất cân đối cung cầu trong thị trường lao động ở Mỹ cũng đẩy tiền lương lên, làm gia tăng áp lực lạm phát trong nền kinh tế.
Phiên ngày thứ Hai, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ sụt gần 4%, rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market), trong khi chứng khoán châu Âu mất 2,4% điểm số. Chỉ số Stoxx 600 giảm 1,3%, xuống thấp nhất kể từ đầu tháng 3. FTSE 100 (Anh) hiện giảm 1,46%. CAC 40 (Pháp) và DAX (Đức) giảm lần lượt 2,36% và 2%. Trong khi đó, chứng khoán châu Á cũng tương tự, Nikkei 225 (Nhật Bản) hôm nay chốt phiên mất 3%. Kospi (Hàn Quốc) giảm 3,52%. Hang Seng Index (Hong Kong) mất 3,2%. Hai chỉ số của thị trường Trung Quốc – Shanghai Composite và Shenzhen Composite cũng giảm lần lượt 0,9% và 0,3%.

Chuyên gia Calvasina cho biết, thị trường chứng khoán đang được định giá theo hướng nền kinh tế Mỹ đang ở trong một cuộc suy thoái nhẹ. Ở các cuộc suy thoái trước, chỉ số S&P 500 từng giảm trung bình 32%, nhưng mới đây chỉ giảm gần 20% trong chu kỳ này.
Vị chiến lược gia này cho biết, 60% khả năng thị trường đã chạm đáy: “Tôi nghĩ rằng mức định giá hiện nay đã đủ hợp lý để nhà đầu tư đưa vào danh sách mua những cái tên mà họ muốn”.