Ethereum 2.0 là một trong những cụm từ đang “chiếm spotlight” trên thị trường tiền tiền điện tử thời gian gần đây. Vậy bạn có thắc mắc Ethereum 2.0 là gì? Nó có gì đặc biệt mà giới crypto lại quan tâm như vậy? Liệu Ethereum 2.0 ra mắt có ảnh hưởng đến giá ETH không? Tất cả những thắc mắc sẽ được chúng mình giải đáp ở nội dung bài viết dưới đây.
Nội dung
- 1 Tìm hiểu ETH 2.0 – Ethereum 2.0 là gì?
Tìm hiểu ETH 2.0 – Ethereum 2.0 là gì?
Ethereum 2.0 là gì?
Ethereum 2.0 là một phiên bản mới của blockchain Ethereum sau khi được nâng cấp để chuyển đổi từ cơ chế đồng thuận Proof of Work (PoW) sang Proof of Stake (PoS) và áp dụng Sharding nhằm mục đích khắc phục những nhược điểm hiện có của Ethereum bao gồm: hiệu suất thấp, chi phí giao dịch cao, và khả năng mở rộng kém.
Để giúp bạn hiểu rõ hơn Ethereum 2.0 là gì và tầm quan trọng của nó, thì chúng mình sẽ nói qua về 2 cơ chế PoW và PoS:
- Proof of Work (PoW – Bằng chứng công việc): Các thợ đào (miner) sẽ dùng sức mạnh của máy đào để giải các bài toán tạo ra mã hash. Sau khi giải xong, họ sẽ giành được quyền xác thực giao dịch và tạo khối mới trong Blockchain.
- Proof of Stake (PoS – Bằng chứng cổ phần): Cơ chế này sẽ không có các thợ đào như PoW, thay vào đó những người tham gia xác thực giao dịch sẽ phải đặt cược (stake) lượng coin lớn để giành quyền xác thực giao dịch và tạo khối.
Do đó, nếu chuyển sang PoS, thì Ethereum sẽ không yêu cầu phải đầu tư nhiều máy đào đắt tiền và vẫn đảm bảo được hiệu suất cao. Ethereum 2.0 sẽ sử dụng việc đặt cược (staking) để xác minh các giao dịch bằng cách sử dụng cơ chế đồng thuận bằng chứng cổ phần.
Ethereum 2.0 khi nào ra mắt?
Dự kiến, Ethereum 2.0 sẽ được ra mắt sớm thì vào năm 2023, còn muộn thì khoảng 2024.
Hiện tại, việc nâng cấp Ethereum lên v2 đã diễn ra theo từng giai đoạn, và nó đang ở giai đoạn 2. Tuy nhiên, để Ethereum 2.0 thật sự hoàn thiện, người dùng cần phải đợi thêm một vài năm nữa. Cho đến khi hoàn thành, thì Ethereum và Ethereum 2.0 sẽ tồn tại song song.
Ethereum 2.0 (ETH 2.0) có gì mới?
Ethereum 2.0 là gì và nó có gì nổi bật? Có hai điểm khác biệt chính giữa Ethereum 1.0 và Ethereum 2.0 đó là:
Cơ chế đồng thuận từ PoW sang PoS
Ethereum 1.0 hiện đang sử dụng cơ chế đồng thuận bằng chứng công việc (PoW), nơi các thợ đào dựa vào GPU cao cấp và ASICS, nhưng nó kèm với nhược điểm là tiêu thụ điện cao để xác thực các giao dịch và thêm các khối mới vào blockchain Ethereum.
Với việc phát hành lớp đồng thuận mới, Ethereum sẽ sử dụng cơ chế đồng thuận bằng chứng cổ phần (PoS) với một số lợi thế so với POW. Người xác thực chỉ phải đặt cọc một số lượng ETH nhất định để được xác thực giao dịch và thêm các khối mới vào mạng. Điều này có nghĩa là Ethereum 2.0 có nghĩa là ít tài nguyên hơn và tiêu thụ ít điện hơn mà không cần bất kỳ máy móc nào.
Tích hợp Shard Chains
Sự khác biệt thứ hai đó là tích hợp sharding trong lớp đồng thuận, sẽ nâng cao khả năng mở rộng dẫn đến các giao dịch nhanh hơn. Nó sẽ phân phối dữ liệu phức tạp giữa nhiều node và sẽ xử lý chúng song song thay vì liên tiếp. Kết quả là sẽ tăng thông lượng xử lý trên mạng Ethereum.

Chính vì 2 sự thay đổi này, mà Ethereum 2.0 sẽ có được những ưu điểm vượt trội cho với phiên bản cũ như:
- Tiết kiệm điệm năng hơn: Như bạn đã biết, PoW tức là phải đào, nên sẽ phải tiêu thụ rất nhiều điện năng. Vì vậy, khi Ethereum 2.0 với thuật toán PoS của lớp đồng thuận sẽ làm cho blockchain tiết kiệm năng lượng hơn 99,9% vì nó không liên quan đến khai thác. Điều đó sẽ mang lại lợi thế cho Ethereum so với các loại tiền điện tử khác vẫn sử dụng thuật toán POW.
- Nâng cao bảo mật: Đặc biệt, thuật toán POS mới sẽ gây khó khăn cho việc xâm phạm vào blockchain Ethereum, nên việc xâm phạm hoặc hack sẽ khó khăn. Nguyên nhân là tất cả các trình xác thực mạng đều có một địa chỉ có thể theo dõi, nên bất kỳ kẻ tấn công tiềm năng nào cũng sẽ được xác định dễ dàng nên có thể nhanh chóng ngăn chặn trước khi chúng thực hiện kế hoạch.
- Thêm trình xác thực và phân quyền: Sharding sẽ giảm bớt các rào cản kỹ thuật và cho phép người dùng có ít kiến thức công nghệ trở thành người xác nhận và giúp bảo mật mạng. Mạng sẽ có nhiều trình xác nhận hơn khi nhiều người bình thường bắt đầu vận hành blockchain Ethereum bằng thiết bị của họ. Nhiều trình xác nhận hơn trên nền tảng sẽ dẫn đến phân cấp nhiều hơn, và nhu cầu về đồng ETH cũng tăng lên.
- Tăng tốc độ giao dịch: Nền tảng Ethereum hiện thực hiện tối đa 30 giao dịch mỗi giây. Nhưng với sharding, các nhà phát triển đã hứa hẹn tốc độ lên đến 100.000 giao dịch mỗi giây (cao hơn cả Solana hiện tại) vì nhiều giao dịch hơn sẽ được thực hiện đồng thời.
- Giảm chi phí giao dịch: Bất kỳ ai quen thuộc với mạng Ethereum đều biết mức phí gas khổng lồ đã gây khó chịu như thế nào. Nhưng Ethereum 2.0 mắt sẽ đi kèm tốc độ giao dịch cao và giảm chi phí vận hành cũng như giảm phí gas. Những thứ này sẽ kết hợp với nhau để truyền cảm hứng cho nhiều dApps được xây dựng trên Ethereum hơn.
Ethereum 2.0 có đào được không?
Ethereum 2.0 không thể đào được bằng các công cụ đào coin như Ethereum 1.0.
Lý do là bởi cơ chế Proof of Stake (PoS) sẽ loại bỏ hoàn toàn thợ đào ra khỏi mạng lưới của nó, và nó sẽ hoạt động bằng phương thức Stake coin. Số lượng Stake coin càng lớn thì quyền giành được block càng lớn điều này giúp mạng lưới ETH 2.0 hoạt động nhanh và tốn ít chi phí cho các giao dịch hơn.
Vì vậy, phiên bản ETH 2.0 sẽ sử dụng ETH để kiếm chính ETH bằng cách Stake ETH vào nodes.
Cập nhật lộ trình Ethereum 2.0 mới nhất
Lộ trình ra mắt Ethereum 2.0 đang được thực hiện theo bốn giai đoạn riêng biệt bao gồm: Beacon Chain, The Merge, Shard Chain và State Execution.

Giai đoạn 1: Beacon Chain
Là giai đoạn đầu tiên trong lộ trình của Ethereum 2.0. Beacon Chain bắt đầu sản xuất các block vào ngày 1 tháng 12 năm 2020, đánh dấu mốc giai đoạn đầu tiên để chuyển đổi Ethereum từ cơ chế Proof-of-Work (PoW) sang Proof-of-Stake (PoS). Lúc này, mạng lưới Ethereum sẽ có hai block chạy song song với nhau với 2 cơ chế đồng thuận khác nhau:
- ETH1x là blockchain hiện tại của Ethereum, áp dụng cơ chế đồng thuận Proof of Work và có native token là ETH1 (hay chính là ETH ở thời điểm hiện tại).
- Beacon Chain là blockchain mới, áp dụng cơ chế đồng thuận Proof of Stake và có token tên là ETH2.Người dùng có thể chuyển ETH1 sang ETH2 để staking và hưởng lợi nhuận. Điều kiện để staking là cần có tối thiểu 32 ETH, và không thể rút tiền cho đến khi các giai đoạn tiếp theo hoàn thành.
Về cơ bản, Beacon Chain không thay đổi bất kỳ điều gì về ETH. Nó chỉ giới thiệu PoS cho hệ sinh thái Ethereum, và nó sẽ điều phối mạng, đóng vai trò là lớp đồng thuận, cũng như là tiền đề cần thiết cho các nâng cấp mở rộng sắp tới của Ethereum.
=> Việc chuyển đổi sang bằng chứng cổ phần sẽ làm cho Ethereum trở nên an toàn và phi tập trung hơn đáng kể. Khi càng nhiều người tham gia vào mạng lưới, mạng càng trở nên phi tập trung và an toàn hơn trước các cuộc tấn công.
Giai đoạn 2: The Merge (Hợp nhất)
Sau khi tiến hành giai đoạn Beacon Chain, Ethereum hiện tại sẽ hợp nhất với hệ thống bằng chứng cổ phần Beacon Chain vào quý 3/quý 4 năm 2022. Giai đoạn này được coi là có ý nghĩa lớn nhất trong quá trình nâng cấp lên Ethereum 2.0, bời vì:
- Đánh dấu sự kết thúc của cơ chế PoW trên Ethereum và nó sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang PoS.
- Nó tạo tiền đề cho các nâng cấp mở rộng trong tương lai bao gồm cả sharding.
- Merge (Hợp nhất) sẽ giảm mức tiêu thụ năng lượng của Ethereum xuống ~ 99,95%.
Tóm lại, The Merge là bản nâng cấp quan trọng nhất trong của Ethereum. Nó sẽ hợp nhất Beacon và ETH 1.0 thành một chuỗi, sử dụng PoS. Quá trình này đang trong giai đoạn cuối cùng, với kế hoạch trải qua The Merge trên một số testnet công khai trước khi cuối cùng tiến tới với Mainnet vào tháng 8/2022.
Bây giờ, tại thời điểm mình viết bài này thì Ethereum đang ở giai đoạn 2 – Hợp nhất. Tuy vậy, các nhà phát triển ETH đã gặp rất nhiều khó khăn và đã phải trì hoãn mainnet 7 lần. Họ hứa hẹn với mainnet vào tháng 8/2022. Khi manine thành công thì Ethereum sẽ bước vào một kỷ nguyên mới. Tuy nhiên liệu nó có giúp ETH phát triển nhiều như tầm nhìn của Vitalik Buterin hay không thì cần phải có thời gian để đánh giá.
Giai đoạn 3: Shard Chains
Đây là giai đoạn đoạn cuối của lộ trình Ethereum 2.0, nhằm mục đích tăng cường khả năng mở rộng của nền tảng Ethereum. Để làm được điều này, Sharding hay còn gọi là phân đoạn sẽ giúp chia dữ liệu làm nhiều phần nhỏ và xử lý cùng một lúc để giúp mạng lưới Ethereum đạt được hiệu suất cao hơn.
Shard Chain ban đầu được lên kế hoạch triển khai với 1,024 phân đoạn. Nhưng sau đó con số này đã được giảm xuống còn 64 phân đoạn (shards). Như vậy đến giai đoạn này, thì mạng lưới Ethereum lúc này sẽ bao gồm:
- Blockchain gốc Eth1x.
- Chuỗi Beacon Chain trong giai đoạn 0.
- 64 chuỗi phân đoạn mới.

Giai đoạn 4: State Execution
Đây chính là giai đoạn cuối và là giai đoạn quan trọng nhất khi chuyển tất cả ứng dụng, dữ liệu, đồng ETH ở mạng lưới hiện tại sang mạng lưới Ethereum 2.0. Lúc này này:
- Các phân đoạn có thể giao tiếp với nhau.
- Chức năng hợp đồng thông minh trên Ethereum 2.0 sẽ được kích hoạt.
- Máy ảo EVM sẽ được nâng cấp lên máy ảo eWASM giúp giảm phí gas và tăng tính bảo mật cho hệ thống.
- Mạng lưới sử dụng hệ thống PoW sẽ ngừng hoạt động. Và xem như Ethereum đã thành công trong việc chuyển đổi sang hệ thống PoS.
Ethereum 2.0 ảnh hưởng tới giá ETH ra sao?
Ethereum 2.0 là gì và việc nó ra mắt có ảnh hưởng tới giá ETH coin không? Câu trả lời ngắn gọn là CÓ. Tuy nhiên, chính xác thì Ethereum 2.0 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá của Ethereum là một thứ phức tạp hơn một chút, và phải đợi đến khi nó ra mắt thành công chúng ta mới biết được chính xác.
Tuy nhiên dưới đây là một số kịch bản mà Ethereum có thể ảnh hưởng đến giá ETH:
Kịch bản 1: Nguồn cung ETH giảm làm tăng giá ETH
Nếu bạn đã đọc về những phân tích Ethereum 2.0 là gì, thì bạn cũng sẽ hiểu được việc bất kỳ đồng ETH nào được đem staking (đặt cược) sẽ bị khóa trong 1 – 2 năm.
=> Những đồng ETH đã staking này sẽ không được lưu hành => Nguồn cung giảm => Giá sẽ tăng.

Vào thời điểm mình viết bài phân tích này, đã có tổng cộng 13,661,650 ETH đang được đặt cọc trên mạng Ethereum 2.0. Con số này đã chiếm hơn 10% tổng nguồn cung của Ethereum. Trong lương lai, nếu số lượng ETH được staking tăng lên, tương đương 15 -20% tổng nguồn cung của ETH, chắc chắn sẽ ảnh hưởng phần nào đến giá ETH vì độ kham hiếm của nó.
*** Tra cứu lượng ETH đã được staking trên Ethereum 2.0 tại: https://launchpad.ethereum.org/ ***
Kịch bản 2: Nhu cầu về Tokenized Ethereum 2.0 quá cao, khiến ETH rủi ro cao
Trước hết, mình sẽ nói qua về Tokenized Ethereum 2.0 (Ethereum 2.0 được mã hóa).
Tokenized Ethereum 2.0, là một ERC-20 trên blockchain Ethereum ban đầu, đại diện cho ETH đã được staking trên mạng Ethereum 2.0 (bạn đặt cược token ETH, và nhận về Tokenized Ethereum 2.0, ví dụ ở sàn Binance thì nó được ký hiệu là BETH). Có thể coi đây là một giải pháp thông minh cho khoảng thời gian ETH bị khóa 1-2 năm khi staking trên Ethereum 2.0.
Bất kỳ ai nắm giữ Tokenized Ethereum 2.0 đó đều có thể đổi về ETH đã staking khi việc nâng cấp Ethereum sẽ diễn ra thành công nó trong 1-2 năm tới. Và hơn hết, bạn có thể đem Tokenized Ethereum 2.0 này đến một số nền tảng Defi để gửi và nhận lãi suất (ví dụ gửi ở Aave chẳng hạn).
Bạn thấy đấy, việc staking trên Ethereum 2.0 để nhận về Tokenized Ethereum 2.0, và đem đi gửi ở một số nền tảng Defi khác sẽ giúp bạn nhận được 2 lần lợi nhuận. Chính vì vậy, một kịch bản có thể xảy ra là nhu cầu về Tokenized Ethereum 2.0 sẽ cực kỳ cao, thậm chí có thể cao đến mức nó có giá trị hơn Ethereum. Mọi người sẽ tích cực đặt cược ETH của họ để tạo raTokenized Ethereum 2.0 để họ có thể bán với giá cao.

=> Điều này dẫn đến một sự cố về mạng lưới Ethereum và giá ETH, bởi mọi người đặt cược quá nhiều ETH hơn trên mạng Ethereum 2.0. Nó làm giảm nguồn cung lưu hành của ETH, khiến ETH trở nên có giá trị hơn. Lúc đó, ETH sẽ tăng giá chóng mặt, nhưng sự tăng giá này sẽ không bền vững chút nào, thậm chí có thể làm sập mạng lưới.
Tuy nhiên mình cho rằng kịch bản này khó có thể xảy ra, bởi nhu cầu về Tokenized Ethereum 2.0 thực sự không quá lớn, tại vì không có quá nhiều người đủ hiểu về Defi và biết cách đem các Tokenized Ethereum 2.0 đi gửi ở các nền tảng Defi khác.
Kịch bản 3: Giá ETH giảm sau khi Ethereum 2.0 ra mắt
Khi bạn đang đọc điều này, thì đã có tới hàng triệu đồng ETH đang được staking trên Ethereum 2.0 để kiếm lợi nhuận. Và dĩ nhiên, những đồng ETH này không thể bán ra cho tới khi Ethereum 2.0 hoàn thiện và ra mắt.
Bạn thử nghĩ xem, sau một quãng thời gian dài như nhìn lượng tài sản của mình bị khóa, thì khi có thể rút tiền chăc hẳn nhiều người sẽ có xu hướng bán hết số ETH họ đã tích lũy được.
=> Nếu một lượng lớn ETH được bán vào cùng một thời điểm, ắt sẽ làm giảm giá của ETH. Tuy nhiên, điều này có thể chỉ là tạm thời, và hy vọng các nhà phát triển tại Ethereum sẽ có biện pháp làm sao để người dùng không thể rút quá nhiều ETH đã staking ra khỏi mạng cùng một lúc. Có như vậy thì hệ sinh thái Ethereum mới được bảo vệ.
Kịch bản 4: Ethereum 2.0 thất bại và giá ETH giảm mạnh
Đây có lẽ là kịch bản ít xảy ra nhất, nhưng nó chắc chắn là một trong những điều cần lưu ý. Nếu xảy ra sự cố nghiêm trọng với Ethereum 2.0, điều đó có thể có tác động nghiêm trọng đến giá ETH.
Ethereum hiện được coi là một đồng coin nền tảng lớn nhất, và hầu hết các nền tảng khác đều coi nó là mục tiêu để vượt qua. Quá nhiều đối thủ cạnh tranh với công nghệ vượt trội, cụ thể là Polkadot và Cardano – cả hai đồng coin này đều được tạo ra bởi những người đồng sáng lập Ethereum trước đây. Trong khi nó, nâng cấp lên Ethereum 2.0 được xem là việc cần thiết để Ethereum có thể đuổi kịp về công nghệ. Vì vậy nếu thất bại, e rằng nhiều nhà phát triển sẽ mất niềm tin vào Ethereum và chuyển sang các nền tảng khác. Kết cục là làm giá ETH giảm mạnh.

Tóm lại, việc Ethereum 2.0 hoàn thiện và ra mắt sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến giá của ETH. Tuy nhiên ảnh hưởng ở mức độ nào, tiêu cực hay tích cực thì chúng ta cần phải chờ đợi xem trong tương lai hệ sinh thái Ethereum 2.0 sẽ làm được những gì. Tuy nhiên hãy nắm rõ những kịch bản này để có một chiến lược đầu tư hợp lý nhất, tránh rủi ro.
Ethereum 2.0 có phải là đồng coin mới không?
Ethereum 2.0 không phải là một đồng coin mới và sẽ không thay đổi số lượng ETH bạn nắm giữ. Ethereum 2.0 chỉ đơn giản là một bản nâng cấp sẽ cải thiện chuỗi khối Ethereum.
Ethereum 2.0 có nhiều khả năng sẽ có tác động đến những người khai thác Ethereum hơn là những người nắm giữ, vì sự chuyển đổi sang PoS sẽ chỉ ảnh hưởng lớn nhất đến việc phê duyệt các giao dịch trên blockchain Ethereum sẽ được chuyển từ việc “khai thác” sang “đặt cược”.
Tóm lại, Ethereum có kế hoạch việc nâng cấp lên Ethereum 2.0, dự kiến sẽ hoàn thành trong 1, 2 năm tới, và hiện tại nó đã hoàn thành được một số giai đoạn khác nhau. Mong rằng qua bài viết này, bạn đã hiểu được Ethereum 2.0 là gì cũng như nhưng thông tin quan trọng về việc nâng cấp, chuyển đổi này. Nếu có bất cứ điều gì thắc mắc, hãy để lại comment bên dưới để mình giải đáp nhé. Cảm ơn bạn đã đọc bài và chúc bạn đầu tư thành công.