Nhà đầu tư thế giới đang vô cùng hoang mang khi kết phiên hôm nay, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm xuống dưới mức hỗ trợ 30.000 quan trọng lần đầu tiên kể từ tháng 1 năm 2021. Nguyên nhân đến từ việc lo sợ rằng việc cục dự trữ liên bang Mỹ – FED tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát sẽ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Mặc dù thị trường đã phục hồi vào ngày hôm trước sau thông tin Mỹ tăng lãu suất – mức cao nhất từ năm 1994 tính đến nay, nhưng rồi phiên hôm nay đã đảo ngược hoàn toàn và thổi bay những tín hiệu tăng giá trước đó.
Chỉ số Dow giảm 2,42%, tương đương 741,46 điểm, xuống 29.927,07, trong khi S&P 500 giảm 3,25% xuống 3.666,77. Nasdaq Composite giảm 4,08% xuống 10.646,10 và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm 2020.
Tính trung bình mức giảm trong tuần, thì dường như thị trường đang “lỗ mạnh”. S&P 500 giảm 6%, trong khi Nasdaq giảm 6,1%. Chỉ số blue-chip Dow đã giảm khoảng 4,7% trong tuần này và có vẻ như đà giảm còn mạnh mẽ hơn cả những tuần trước.

Nếu xét từ đỉnh cao nhất (ATH), thì S&P 500 và Nasdaq Composite đã đi theo một xu hướng giảm, khi kết thúc phiên giao dịch giảm lần lượt khoảng 24% và 34% so với mức cao nhất mọi thời đại do lạm phát và lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm lại đè nặng lên các nhà đầu tư. Chỉ số Dow thì nhẹ hơn, chỉ mới giảm 19% so với mức đỉnh nó đạt được vào 5/1.
Đáng kể nhất, đây là lần đầu tiên chỉ số Dow Jones giao dịch dưới 30.000 kể từ tháng 1/2021. Trước đó vào 11/2020, nó đã vượt qua vùng 30.000 để đánh dấu một xu hướng tăng mới, đưa chỉ số Dow tăng hơn 60% so với mức đóng cửa đại dịch của nó vào thời điểm đó. Mặc dù 30.000 không nhất thiết phải là mức hỗ trợ kỹ thuật đối với Dow, nhưng nhiều nhà đầu tư lại có thể dễ dàng nhìn thấy ngưỡng này và ảnh hưởng lên tâm lý, kích hoạt bán tháo rất nhiều.
Một số cổ phiếu giảm mạnh: Home Depot, Intel, Walgreens, JPMorgan, 3M và American Express chạm mức thấp nhất trong 52 tuần. Amazon, Apple và Netflix đều giảm gần 4%. Tesla và Nvidia lần lượt giảm 8,5% và 5,6%.
Cổ phiếu ngành du lịch cũng giảm điểm vào thứ Năm. United và Delta lần lượt giảm 8,2% và 7,5%, trong khi cổ phiếu hãng tàu du lịch Carnival, Norwegian Cruise Line và Royal Caribbean giảm mạnh khoảng 11%. Ngoài ra, ngành tiêu dùng và năng lượng, mỗi ngành giảm khoảng 5%. Chỉ có bốn cổ phiếu Dow đóng cửa cao hơn trong ngày.
Có một vài mã cổ phiếu có tín hiệu tích cực, là nhóm được biến đến với dòng tiền ổn định có thể giữ trong thời kỳ suy thoái, thì phiên hôm trước xanh nhẹ hoặc sideway, có thể kể đến như: Procter & Gamble và Walmart.
Vậy còn VN-Index thì sao? Liệu có theo chân chứng khoán Mỹ hay “ngược lối” để phục hồi trở lại? Chúng ta hãy cùng chờ đón những biến động của chứng khoán Việt Nam vào phiên cuối tuần ngày hôm nay.