Trong bức thư của ông Petri Deryng, nhà sáng lập và quản lý PYN Eltie Fund cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ bứt tốc trở lại trong phần còn lại của năm 2023. Trong bối cảnh lãi suất có xu hướng giảm xuống.
Nhận định về tình hình vĩ mô quý 1, người đứng đầu quỹ cho rằng tăng trưởng GDP Việt Nam chậm lại ở mức 3.3%; xuất khẩu cũng ghi nhận kết quả kém tích cực, tương đương với các nước xuất khẩu khác ở châu Á, sức mua của người dân cũng vì thế sụt giảm đáng kể. Nhưng ông Petri Deryng lại tin tưởng tiêu dùng Việt Nam đã chạm đáy trong quý 1/2023.
Cũng theo ông Petri Deryng, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy lãi suất tiếp tục tăng cao. Lạm phát đang được kiểm soát ở mức ổn định sẽ tạo điều kiện của NHNN thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng. Mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ đạt 6.5% trong năm nay trong khi quỹ vẫn thận trọng hơn với dự phóng GDP có thể tăng trưởng trên mức 5.5%.
Xét tới thị trường chứng khoán, ông Petri Deryng nhận định các cổ phiếu trên thị trường Việt Nam vẫn có định giá tương đối hấp dẫn. Đặc biệt, thanh khoản được cải thiện và môi trường lãi suất thấp hơn sẽ khuyến khích các nhà đầu tư quay trở lại với thị trường.
“Chính phủ đã rất nhanh chóng thực hiện hàng loạt biện pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán. Dù vậy, thị trường chứng khoán vẫn đang đi ngang và chưa có xu hướng tăng rõ rệt”, ông Petri Deryng đưa quan điểm.
Theo chia sẻ, giá trị cổ phiếu PYN Elite đang tăng dần, tỷ suất sinh lợi kể từ đầu năm đạt 6%.
Trước đó, quỹ cũng đã công bố báo cáo hoạt động tháng 4 với hiệu suất đầu tư âm 1.8%. Lũy kế 4 tháng đầu năm, hiệu suất của quỹ đầu tư đến từ Phần Lan vẫn dương 4.47%.
Tại thời điểm 28/4, giá trị tài sản ròng/ccq của quỹ đạt gần 413 Euro. Quy mô danh mục AUM đạt hơn 720 triệu Euro, giảm khoảng 11 triệu Euro so với thời điểm cuối tháng 3/2023.
Top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục chiếm gần 89% danh mục của quỹ, không nhiều thay đổi so với cuối tháng 3 với 5 cổ phiếu ngân hàng (CTG, MBB, HDB, STB, TPB), chứng chỉ quỹ VNFinLead ETF mô phỏng nhóm tài chính – nơi 90% là cổ phiếu ngân hàng và một vài cái tên quen thuộc khác như ACV, VRE, VHM…