3 tháng đầu năm, tình hình kinh doanh của các hãng hàng không đã có sự khởi sắc nhờ giai đoạn cao điểm dịp tết và số chuyến bay quốc tế gia tăng. Quý 1/2023, Vietjet Air (VJC) ghi nhận doanh thu thuần gần 12.900 tỷ đồng (mức cao nhất 12 quý gần đây của hãng), đồng thời báo lãi hơn 172 tỷ đồng.
Theo giải trình, VJC đã khai thác 31.300 chuyến bay và vận chuyển gần 5.4 triệu lượt khách hàng, tăng lần lượt 57% và 75% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ thị trường quốc tế đã cải thiện, chiếm 45% tổng thu từ vận tải hành khách.
Vietnam Airlines (HVN) ghi nhận doanh thu thuần tăng 102% lên 23.5 nghìn tỷ, nhưng vẫn lỗ ròng 104 tỷ đồng trong quý 1/2023. Điểm tích cực là hãng có lãi trước thuế sau 12 quý lỗ liên tiếp.
Hãng cho biết, kết quả cải thiện chủ yếu nhờ khai thác hiệu quả dịch tết Âm lịch, thị trường quốc tế phục hồi nhất là Trung Quốc dần nới lỏng chính sách kiểm soát dịch bệnh. Trong quý 1/2023, lượng khách vận chuyển đã tăng 63% so với cùng kỳ, lên 5.1 triệu lượt.
Cả hai hãng bay đều cho biết, kết quả cải thiện nhờ việc khai thác hiệu quả trong dịp tết Âm lịch đầu năm, thị trường quốc tế hồi phục và số chuyến bay tăng mạnh. Ngoài ra, giá nhiên liệu hạ nhiệt trong quý 1 cũng góp phần hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của các hãng.
Bamboo Airways vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quý 1, nhưng tại đại hội bất thường diễn ra trong tháng 4/2023, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Trọng cho biết, hãng đã gần đạt điểm hòa vốn trong quý 1/2023 khi đội tàu bay hoạt động hết công suất.
Dịch vụ hàng không tiếp tục tăng trưởng mạnh
Trong bối cảnh số chuyến bay tăng mạnh, các doanh nghiệp dịch vụ hàng không được hưởng lợi. Điển hình, ông lớn cảng hàng không ACV ghi nhận tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận, trong đó lãi ròng tăng 87% lên 1.634 tỷ đồng. Công ty phục vụ mặt đất SGN cũng ghi nhận lãi ròng tăng trưởng 83% so với cùng kỳ, đạt 55 tỷ đồng.

Hai doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế ở sân bay là SASCO và AST cũng có kết quả kinh doanh khả quan. AST chuyển từ lỗ thành lãi 26 tỷ đồng, còn SASCO ghi nhận lãi ròng gấp nhiều lần cùng kỳ.
Các công ty dịch vụ hàng không như CIA, NCS, MAS, kết quả kinh doanh cũng chuyển từ lỗ sang lãi.
Vận tải hàng hóa qua đường hàng không hết thời “thuận lợi”
Mảng vận tải hàng hóa qua đường hàng không lại bước qua giai đoạn giảm mạnh sau 2 năm trước đó kinh doanh thuận lợi. CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HOSE: SCS) quý 1/2023 doanh thu thuần 162 tỷ đồng và lãi ròng 113 tỷ đồng, giảm tương ứng 34% và 405 so với cùng kỳ. Trong khi đó, hai khoản mục này ở ở CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (HOSE: NCT) cũng giảm tương ứng 21% và 25% so với cùng kỳ, đạt 150 tỷ và 45 tỷ đồng.

Theo giải trình của 2 công ty, kết quả kinh doanh lao dốc vì tổng sản lượng hàng hóa quốc tế giảm 45% so với cùng kỳ.
Năm 2023 khởi sắc khi khách quốc tế hồi phục nhanh chóng
Nhìn lại số liệu những tháng gần đây, có lý do để tin rằng bức tranh kinh doanh ngành hàng không sẽ khởi sắc trong năm 2023. Trong đại hội thường niên gần đây ACV chia sẻ lượng khách nội địa đã vượt so với trước dịch, trong khi khách quốc tế đang hồi phục rất nhanh.
Số liệu 4 tháng đầu năm cho thấy sự tích cực, tổng sản lượng khách hành khách đạt 36.4 triệu, trong đó khách quốc tế đã hồi phục lên mức tương đương 77%-78% của năm 2019. Được biết, khách quốc tế mang lại nguồn thu lớn và có biên lợi nhuận cao hơn nhiều so với khách nội địa.
“Trong dự báo của chúng tôi, dự kiến năm 2023 khách quốc tế sẽ đạt mức tương đương 80% của năm 2019 với sản lượng khoảng 30 triệu khách. Chúng tôi hy vọng từ quý 2/2023, khách Trung Quốc sẽ vào Việt Nam. Hiện đã có các chuyến bay charter từ các thành phố Trung Quốc tới Cam Ranh, Đà Nẵng”, vị Tổng Giám đốc ACV cho biết.
Với sự hồi phục nhanh chóng của lượng khách quốc tế đến Việt Nam, ngành hàng không được kỳ vọng sẽ khả quan hơn nhiều trong năm 2023.