VN30 là chỉ số chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), bao gồm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường (đi kèm việc thỏa mãn các tiêu chí về thanh khoản, tỷ lệ free-float). Những cổ phiếu góp tên trong rổ chỉ số đều là của các doanh nghiệp hàng đầu tại mỗi lĩnh vực mà họ tham gia kinh doanh.
Hơn một nửa doanh nghiệp VN30 ghi nhận lãi tụt hơn 30%
Quý 1, các doanh nghiệp sản xuất phải chịu thế gọng kìm với nhu cầu yếu bóp nghẹt hoạt động cốt lõi và lãi suất cao khiến chi phí tài chính tăng vọt.
Doanh nghiệp phi tài chính trong VN30 ghi nhận gần 24 nghìn tỷ đồng lãi ròng trong quý 1, giảm 22% so với cùng kỳ.
Trong 17 doanh nghiệp thì có tới 8 doanh nghiệp sụt giảm 30% lợi nhuận và 1 doanh nghiệp chuyển sang lỗ. Ở chiều ngược lại, chỉ có 3 doanh nghiệp lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ, gồm Vincom Retail (VRE), Vinhomes (VHM) và Petrolimex (PLX).
Vinhomes vẫn là “cỗ máy kiếm tiền” bậc nhất, bất ngờ nằm ở MWG
Những vị trí top đầu trong bảng xếp hạng lợi nhuận Vn30 vẫn không quá nhiều thay đổi, VIC giữ vững vị trí đầu bảng với 11.9 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, tăng 162% so với cùng kỳ và chủ yếu đến từ việc chuyển nhượng đất. Như vậy, cứ mỗi giây trôi qua, VIC mang về hơn 1.5 triệu đồng cho cổ đông.
GAS đứng thứ hai với lãi ròng gần 3,4 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Con số này tương đương 430 nghìn đồng mỗi giây và gần 26 triệu đồng mỗi phút.
Vinamilk (VNM) giữ vị trí thứ 3 với lãi ròng gần 1.9 ngàn tỷ đồng. Như vậy, VNM mang về gần 240 ngàn đồng cho cổ đông mỗi giây và 14.3 triệu đồng mỗi phút.
FPT cũng tiến 1 bậc trên bảng xếp hạng, với lãi ròng gần 1.5 ngàn tỷ đồng. Còn Vincom Retail (VRE) tiến lên 3 bậc lên vị trí thứ 6, nhờ lãi ròng tăng trưởng 171% so với cùng kỳ và đạt hơn 1 ngàn tỷ đồng.
Petrolimex cũng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong kỳ, đại gia bán lẻ xăng dầu ghi nhận lãi ròng tăng 155% lên gần 620 tỷ đồng giữa lúc điều kiện kinh doanh nới lỏng hơn.
Về doanh thu, Petrolimex vẫn trụ ngôi đầu bảng với hơn 67 ngàn tỷ đồng. Như vậy, cứ mỗi giây, ông lớn ngành dầu khí mang về gần 9 triệu đồng doanh thu.
Bất ngờ là MWG lại tụ xuống vị trí áp chót. Trong kỳ, MWG ngấp nghé ngưỡng lỗ khi nhu cầu quá yếu, chi phí tài chính tăng mạnh và cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.

Lưu ý: Danh sách trên không tính đến các doanh nghiệp tài chính như ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán.