Theo thống kê từ VietstockFinance, trong số 20 doanh nghiệp ngành hóa chất công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023, phần lớn doanh nghiệp đều có lãi ròng giảm, thậm chí còn thua lỗ. Chỉ có 4 doanh nghiệp báo lãi tăng và có 1 doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi.
Đa phần doanh nghiệp nhóm hóa chất có quý khá chua chát
Theo bảng trên, những ông lớn từng đạt kết quả ấn tượng trong năm trước đều ghi nhận sụt giảm trong quý này. Hóa chất Đức Giang (mã: DGC) là một ví dụ. Là doanh nghiệp dẫn đầu về lợi nhuận ròng trong quý, nhưng đây cũng là kỳ kinh doanh kết thúc chuỗi lãi ròng trên nghìn tỷ đồng của ông lớn ngành hóa chất. Theo đó, DGC ghi nhận doanh thu giảm 32% còn 2.48 nghìn tỷ đồng; lãi ròng trong kỳ chỉ đạt 787 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ.

Đạm Cà Mau (DCM) và Đạm Phú Mỹ (Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, DPM) cũng là hai doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm trong quý 1. Sau 5 quý liên tiếp lãi trên nghìn tỷ, hai ông lớn ngành phân bón có một quý kinh doanh ảm đạm trong quý 1/2023 với mức lãi ròng giảm lần lượt 85% và 88%, lần lượt là còn 229 tỷ đồng và 260 tỷ đồng.
Nhóm Vinachem (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) cũng không nằm ngoài xu thế. DDV (DAP – Vinachem) cũng mất gần như toàn bộ khoản lợi nhuận hơn 136 tỷ đồng ghi nhận vào quý 1 năm trước với khoản lãi ròng chỉ hơn 144 triệu đồng vào quý 1 năm nay. Hóa chất cơ bản miền Nam (mã: CVS) cũng ghi nhận lãi ròng sụt giảm 25% so với cùng kỳ, chỉ đạt gần 71 tỷ đồng.
Hai doanh nghiệp lớn nhất của nhóm này là Đạm Hà Bắc (DHB) và Phân bón Hóa chất Bình Điền (BFC) thậm chí còn phải báo lỗ. DHB từng lãi tới hơn 869 tỷ đồng tại quý 1/2022, nay lỗ gần 130 tỷ đồng,. BFC quý trước lãi 66.4 tỷ đồng, quý 1/2023 lỗ gần 22 tỷ đồng.

Kết quả đáng buồn này đa phần cũng vì cùng một nguyên nhân là giá các sản phẩm giảm mạnh so với cùng kỳ, chủ yếu do sức mua thị trường lao dốc. Như DGC phân trần, doanh thu sút cùng kỳ tới 31.6% do giá bán và sản lượng một số mặt hàng chính giảm mạnh: WPA (doanh thu giảm 20.1%), phốt pho vàng (doanh thu giảm 51.6%), phân bón các loại (doanh thu giảm 16.1% dù sản lượng tăng 5%).
DCM cũng cho biết lý do lỗ tương tự, do giá phân bón giảm mạnh khiến doanh thu sụt giảm. DHB cũng không khác biệt với lý do giá Uree và NH3 giảm mạnh theo giá thế giới.
Trên thực tế, kết quả kinh doanh sụt giảm tại quý đầu năm nay là điều được dự báo trước đó. Như với DGC, đơn vị này đã đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 giảm 24%, còn 10.875 tỷ đồng; lãi sau thuế thậm chí chưa bằng 1/2 năm qua, chỉ 3 nghìn tỷ đồng. Biên lợi nhuận của ông lớn hóa chất thực chất cũng đã giảm dần từ quý 2/2022 đồng thời giá các mặt hàng phân bón, phốt pho vàng được dự báo biến động theo xu hướng giảm trong năm nay. Chính Chủ tịch Đào Hữu Huyền tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 cũng nhận định công ty qua đỉnh lợi nhuận, thậm chí dự báo năm 2023 có thể rơi vào mức đáy.
Ngược dòng xu thế nhờ đâu?
Việc ngược dòng của các doanh nghiệp chủ yếu do các nguyên nhân đặc thù.
Phân bón Miền Nam (mã: SFG) là cái tên duy nhất thuộc nhóm Vinachem báo lãi tăng trưởng trong quý 1. Cụ thể, dù doanh thu sụt giảm 45% còn hơn 311 tỷ đồng, lãi ròng quý 1 vẫn tăng 20% đạt gần 34 tỷ đồng.
Nhưng mức tăng này không từ hoạt động kinh doanh chính khi SFG lỗ gộp gần 2.3 tỷ đồng, nhờ khoản lợi nhuận được chia từ các công ty liên kết giúp doanh thu tài chính gấp gần 16.7 lần so với cùng kỳ, đạt 58.2 tỷ đồng.
Xuất nhập khẩu Quảng Bình (mã: QBS) là cái tên duy nhất chuyển lỗ thành lãi trong kỳ. Doanh nghiệp thậm chí báo lãi gộp tăng trưởng 50% đạt gần 382 triệu đồng. Nhưng nguyên nhân giúp QBS chuyển lỗ thành lãi đến từ khoản thu nhập khác gần 29 tỷ đồng, nhờ việc hoàn thành nghĩa vụ thanh toán khoản nợ với CTCP Đầu tư và Tư vấn AZ (đơn vị mua lại khoản vay của QBS từ Agribank). Số tiền lãi được giảm trừ là 29.08 tỷ đồng.
Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã: LAS) cũng báo lãi ròng tăng 8% đạt 33.2 tỷ đồng. Nhưng công ty cũng báo lãi gộp sụt giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng lãi do khoản chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh tới 32% còn 41.27 tỷ đồng.