Trái phiếu không còn là từ khóa nổi bật nữa. Nhưng đây vẫn là vấn đề nhức nhối nhất khiến TTCK VN giảm mạnh nhất thế giới và mãi không lớn được. Bài này cung cấp cho bạn góc nhìn toàn diện về những gì đã, đang diễn ra với thị trường trái phiếu Việt Nam.
Nội dung
Toàn cảnh về thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Huy động vốn là một mấu chốt rất quan trọng của nền kinh tế. Chúng thông qua 3 hình thức phổ biến nhất:
- Cổ phiếu
- Trái phiếu
- Ngân hàng
Cổ phiếu và trái phiếu đều xếp chung ở nhóm Chứng Khoán. Trái phiếu và Ngân hàng lại xếp chung với nhau ở nhóm tín dụng. 1 quốc gia càng phát triển thì việc huy động vốn càng phải mạnh mẽ, đặc biệt là TTCK.
Tổng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp 2022
Ở đỉnh cao năm 2021, Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam bùng nổ về khối lượng huy động – 17% GDP. Chúng vẫn thấp hơn các thị trường khác trong cùng khu vực, nhưng là rất đột phá tại Việt Nam. Quy mô thị trường còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực như Malaysia (54.3% GDP), Singapore (34.3% GDP), Thailand (25.5% GDP).

So với giai đoạn trước đó, chỉ từ 3% GDP, chúng ta có tỉ lệ tăng gấp 5 lần lên khoảng 15% GDP. Ngoài ra, GDP cũng tăng trưởng nhanh, do đó con số tuyệt đối (số tiền theo VNĐ) cũng tăng rất nhanh. Năm 2021, năm cao điểm chúng ta có 658K tỷ TPDN được phát hành trong nước. Sự tăng trưởng của quy mô của thị trường TP đương nhiên là tốt. So với dư nợ trên GDP, nó vẫn còn nhiều tiềm năng và nên được tiếp tục phát huy.
Chúng ta có một vấn đề rất lớn, đó là tỉ lệ phát hành ra công chúng rất nhỏ so với phát hành riêng lẻ. Nó là rất thấp vào năm 2021, 2022 chỉ với 4%. Trước đó cũng không khá hơn với cao là 7 – 9%. Đây chính là cốt lõi gây ra cuộc khủng hoảng trái phiếu năm 2022.
- Trái phiếu phát hành ra công chúng khá nhiêu khê và thủ tục, chúng thậm chí mất tới nửa năm và lâu hơn để hoàn thành thủ tục.
- Trái phiếu phát hành riêng lẻ lại quá dễ dàng. Bất chấp doanh nghiệp ra sao, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ dễ dàng thực hiện.
Điều này dẫn tới gần như toàn bộ TPDN phát hành là riêng lẻ. Sự dễ dàng trong các quy định của loại hình này đã tạo ra 2 vấn đề:
- Các doanh nghiệp có chất lượng thấp vẫn phát hành trái phiếu dễ dàng
- Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu vô tội vạ để huy động vốn, vượt xa quy mô vốn hóa và kinh doanh của nó.
Tỉ trọng các ngành trong TPDN

Ngân hàng và Bất động sản chiếm chủ yếu trong tỉ trọng theo ngành. Cả 2 chiếm hơn 70% năm 2020, 2021 với mỗi ngành khoảng 35%. Năm 2022, khi thị trường TPDN khó khăn thì ngân hàng là lĩnh vực chiếm tới 54% trong khi đó BĐS giảm mạnh về 20%.
TP gặp rủi ro nhất hiện tại là TP BĐS. Và nó cũng chiếm khoảng 35% tổng giá trị đã phát hành. Nếu bạn nghe thấy thông tin, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1.5 triệu tỷ, nó không có nghĩa là toàn bộ là BĐS. Bạn có thể tự ước chừng con số cho BĐS sẽ khoảng hơn 500K tỷ. Bạn có thể dùng tỉ lệ này để ước tính dư nợ bao gồm cả tới các kỳ hạn, các giai đoạn cần trả.

Không tính ngân hàng ra, 70% các trái phiếu DN được phát hành bởi các DN chưa được niêm yết trên sàn CK. Đây cũng là thông tin không mấy tích cực. Nó cho thấy nhiều doanh nghiệp chưa thực sự ổn vẫn dễ dàng huy động TP.
Ai đang ôm TPDN nhiều nhất?
Dữ liệu về chủ sở hữu sơ cấp (Sở hữu khi chào bán). Ngân hàng là tổ chức phát hành nhiều TP nhất nhì. Họ cũng đồng thời là tổ chức ôm nhiều TP nhất. Ngay sau đó là các công ty chứng khoán, nơi trái phiếu là một hoạt động đầu tư của họ và mua hộ khách hàng.

Hãy xem dữ liệu tái phiếu phát hành riêng lẻ (ảnh trên), không bao gồm phát hành ra công chúng. Dữ liệu này cho chúng thấy rằng nhà đầu tư cá nhân chỉ trực tiếp mua khoảng 5% số TPDN. Tổng tất cả, cũng chỉ khoảng 10% nhà đầu tư cá nhân trực tiếp mua TPDN.
Có tới 32.5% số TPDN được nắm giữ bởi NĐT cá nhân. Vậy khoảng 22% trong số đó được phân phối lại từ các NH và CTCK (môi giới). Vậy phần lớn các TPDN vẫn được nắm giữ bởi các NH, CTCK và các tổ chức.
Như vậy không thể bỏ qua trách nhiệm của các NH và CTCK trong khủng hoảng trái phiếu. Mặc dù trách nhiệm của người mua là tìm hiểu khi đặt bút ký vào hợp đồng. Nhưng chắc chắn đã có sự mập mờ ở đây, bởi họ chính là kênh phân phối TP tới các nhà đầu tư cá nhân lớn nhất.
Kỳ hạn phát hành của TPDN
Hầu hết trong số chúng là kỳ hạn ngắn, từ 1- 3 năm. Nó chiếm tới 70%, dữ liệu là tương đồng trong 3 năm 2020, 2021, 2022 (3 năm có khối lượng lớn).


Đáo hạn của trái phiếu doanh nghiệp
Với kỳ hạn ngắn 1 – 3 năm chiếm 70%. Năm phát hành lớn nhất là 2020, 2021, 2022 đương nhiên áp lực đáo hạn lớn nhất sẽ dồn vào giai đoạn 2022 – 2024. Đặc biệt năm 2021 với khối lượng phát hành lớn nhất.
Năm 2022, có khoảng hơn 210K tỷ trái phiếu được mua lại trước hạn. Đương nhiên không ai phát hành để huy động vốn, sau đó lại “dư tiền” để mua lại trước hạn.
Theo Nghị định số 65/2022/NĐ-CP yêu cầu trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành. Trong đó bổ sung quy định doanh nghiệp phải mua lại trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật. Nó đồng nghĩa với việc mua lại khi phát hành “láo” hay “nhập kho”. Thậm chí có doanh nghiệp vừa phát hành 5 ngày đã phải mua lại.


Trong đó có 289,819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 và 360,500 tỷ đồng đáo hạn vào năm 2024. Bạn có thể ước tính với tỉ lệ 35 – 40%, sẽ ra số TP BĐS đáo hạn trong 2 năm này.
Phân tích & đánh giá
Nguyên nhân cuộc khủng hoảng trái phiếu 2022
Có lẽ sau khi đọc xong dữ liệu phía trên, bạn đã nắm được nguyên nhân cơ bản. Chúng bao gồm:
Bùng nổ quy mô
- Giai đoạn tiền rẻ sau dịch Covid-19. LS ngân hàng khá thấp khiến xu hướng đầu tư tăng vọt, trong đó TPDN là một kênh có mức LS cao hơn đáng kể. Nhiều tiền & LS gửi tiết kiệm rẻ đã tạo cơ hội cho dòng vốn chảy vào các kênh đầu tư, trong đó có TPDN.
- Lỏng lẻo trong quy định phát hành TP riêng lẻ, khó khăn trong quy định phát hành TP ra công chúng. Dẫn tới việc phát hành trái phiếu tràn lan, mất kiểm soát. Chúng cũng được phát hành bởi các công ty yếu kém dễ dàng.
- Sự mập mờ, móc nối của các NH và CTCK trong việc phân phối TPDN tới các cá nhân. Thông qua uy tín của các NH, sự thiếu hiểu biết và kiến thức của 1 bộ phận người gửi tiền. TPDN đã được môi giới thành công tới các cá nhân với tỉ lệ đáng kể (22%).
- Các Ngân Hàng, nơi quản lý lượng tiền khổng lồ của khách hàng. Họ đã lợi dụng hoạt động đầu tư trái phiếu để dễ dàng phân phối tiền cho các DN BĐS. Hoạt động đầu tư BĐS bị cấm trong nghiệp vụ NH tại Việt Nam. Họ sử dụng việc đầu tư TP như một hình thức cho vay và đầu tư gián tiếp.
Chấn chỉnh thị trường
Sau khi nhận thấy rủi ro rất lớn của thị trường, chính phủ đã phải có giải pháp xử lý. Nó có thể kể tới:
- Xử lý 2 doanh nghiệp phát hành nổi cộm là Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát (Chi tiết bên dưới).
- Ban hành Nghị Định 65, quản lý lại cả việc phát hành lẫn việc mua mới để tránh việc phát hành tràn lan, phân phối mập mờ.
Chính sách này đương nhiên hợp lý về mặt quản lý. Tuy vậy nó lại bộc lộ một bất cập lớn dẫn tới cuộc khủng hoảng TPDN 2022:
Do quy mô trái phiếu phát hành đã quá lớn, rất nhiều trong đó là các doanh nghiệp với chiến lược rủi ro. Việc siết hoàn toàn quy định vô tình khiến toàn thị trường dừng hẳn lại. Niềm tin vào trái phiếu sụp đổ, việc phát hành và mua đều gặp khó khăn. Cao điểm chúng ta có Q4/2022, dư nợ TPDN phát hành mới đã giảm 99%. Tương đương gần như không doanh nghiệp nào có thể huy động vốn qua kênh TP.
Hãy tưởng tượng, bạn đang đi sai hướng với tốc độ 250km/h. Khi nhận ra rủi ro cần chuyển hướng, bạn không thể đạp phanh chết hoàn toàn. Bởi tốc độ lúc này là quá lớn. Không xử lý đương nhiên gặp vấn đề khủng khiếp nhất. Nhưng việc đạp phanh từ từ sẽ khiến mọi chuyện có thể kiểm soát hơn. Một cú lật xe với thương tích đáng kể sẽ gặp phải khi phanh chết.
Ai cần chịu trách nhiệm?
- Đầu tiên phải là các cơ quan quản lý, khi để mọi thứ trở nên hỗn loạn, mất kiểm soát
- Thứ 2 là các ngân hàng và công ty chứng khoán, đóng vai trò không nhỏ trong việc “lừa” phần lớn NĐT cá nhân.
- Thứ 3: Các doanh nghiệp phát hành TP sai quy định hoặc với đòn bẩy quá lớn
- Thứ 4: Chính nhà đầu tư trái phiếu. Họ phải chịu rủi ro cho sự thiếu trách nhiệm của mình.
Gỡ rối cho TPDN
Như vậy sau cú phanh gấp của thị trường, các DN chao đảo. Đặc biệt là DN BĐS, phần lớn trong số chúng rơi vào trạng thái không thể thanh toán (Có thể gọi là vỡ nợ).
Nhiều cuộc họp, nhiều phương án đã được đưa ra. CP đã ban hành Nghị Định 08 nhằm “update” Nghị Định 65. Nó nới lỏng các quy định bao gồm:
- Tạo điều kiện cho nhà đầu tư mua cá nhân dễ hơn (Lùi thời hạn xác định nhà đầu tư CK Chuyên Nghiệp – 1/1/2024)
- Cho phép các doanh nghiệp đàm phán gia hạn thời gian trả nợ
- Cho phép các DN đàm phán trả nợ bằng sản phẩm, hàng hóa (Phần lớn là BĐS).
- Lùi thời hạn xếp hạng tín nhiệm bắt buộc với DN phát hành (1/1/2024)
- Lùi thời hạn quy định “Giảm thời gian phân phối TP từ 90 ngày xuống 30 ngày) (1/1/2024)
Bạn hiểu rằng các quy định ở NĐ 65 vẫn hợp lý và cần thiết. Nhưng hiện tại, nó cần nới thời gian ra để các DN có cơ hội xoay xở. Nếu ngay từ đầu, NĐ 65 quy định về thời hạn như NĐ 08: 1/1/2024 để các DN biết rằng việc phát hành sẽ chặt chẽ trong tương lai, họ đã có thể chủ động hơn đáng kể.
Đánh giá: Nghị Định 08 giúp DN có thể thở được một chút thay vì chết ngạt. Nhưng nó rất khó để cứu vãn toàn cảnh thị trường. Lí do cụ thể như sau:
- Gần như mất hẳn kênh nhà đầu tư cá nhân, chiếm tới 32% sức mua. Giờ này, cho vàng có lẽ không ai dám mua TPDN. Việc nới quy định cho mua cũng ít tác dụng.
- Sức mua lớn chiếm phần lớn đến từ các NH và CTCK. Không NH hay CTCK nào dám đưa ra bảng cân đối kế toán với lượng trái phiếu doanh nghiệp gia tăng mạnh. 1 làn sóng Bank Run có thể xảy ra gây sụp đổ ngân hàng ngay tức khắc.
Mua dễ hơn, phát hành dễ hơn nhưng cả cá nhân và tổ chức giờ đều không dám mua đáng kể. Vậy các quy định mới này gần như không có tác dụng. Duy nhất việc hoãn nợ và cho phép đàm phán bằng tài sản khác là có tác dụng. Nhưng nó cũng không hề dễ dàng, khi phần lớn các tài sản đang ở dạng hoàn thiện dở dang.
Mọi chuyện có thể “may mắn” hơn theo 1 cách đơn giản. Các nhà đầu tư tiếp tục bị “giam tiền” 2 năm. Đó là thời hạn gia hạn thêm của TP. Nếu thời điểm đó kinh tế toàn cầu đã bước qua khó khăn, có thể một gói kích thích được đưa ra. TT BĐS ấm lại giúp các công ty BĐS thanh khoản dễ hơn. Từ đó có thể trả nợ các trái chủ.
Tuy vậy H.P đánh giá rằng, việc hỗ trợ (nếu có) nên diễn ra sớm hơn. Các công ty BĐS cần hoàn thiện sản phẩm của họ để sẵn sàng bán khi thị trường phục hồi.
Giải pháp nào cho TPDN
Tầm quan trọng của TTCK
Ngân hàng được coi là mạch máu của nền kinh tế. Trái Phiếu và Cổ Phiếu (TTCK) là 2 kênh bắt buộc phải thật mạnh để có một nền kinh tế phát triển. Mục tiêu rất rõ ràng về việc huy động vốn từ TTCK phải cao hơn nữa.
Trái phiếu doanh nghiệp không xấu, nó rất tốt là khác. Cổ phiếu lại càng không xấu, nó là kênh gọi vốn hàng đầu. Nó xấu xí bởi quá nhiều doanh nghiệp “rác”, bởi quản lý lỏng lẻo để tình trạng “bán giấy ăn tiền”.
Uy tín của trái phiếu lúc này down thảm hại, gần như về 0. Nghe thấy trái phiếu trẻ con đang khóc cũng phải ngừng. Cổ phiếu thì đỡ hơn một chút, cũng có thể viết chữ Cổ Phiếu lên bàn ăn, ruồi muỗi cũng không thiết lại đậu.
Dù không hành động gì, theo thời gian 2 thị trường này cũng tự hồi phục trở lại. Nó sẽ cần khoảng 10 năm để thị trường TPDN quay lại đỉnh cao trước đó. Cần 4 năm để thị trường cổ phiếu quay lại mức trung bình toàn cầu. Hiện tại, nó luôn yếu hơn hầu hết các thị trường, kể cả ở những nước có kết quả kinh tế rất tệ.
Bơm tiền để xử lý
Mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta đưa ra các giải pháp táo bạo và quyết liệt.
Bơm tiền là lựa chọn hàng đầu. Nghe có vẻ vô lý khi bơm tiền vào thời điểm này, nhưng nó là một giải pháp hợp lý và hiệu quả. Đương nhiên sẽ có lạm phát một chút, nhưng tác dụng mang lại nhiều hơn thiệt hại. Mức lạm phát của VN 2022 là khá ổn so với toàn cầu, nó đủ ổn để hấp thụ thêm một chút. Tùy vào chiến lược để quyết định lượng tiền cung ra, trực tiếp hay gián tiếp. Có thể trực tiếp tới các DN BĐS thông qua các NHTM. Có thể đứng ra đảm bảo cho các NHTM trong việc tạo những khoản vay hỗ trợ cho các DN đủ tốt, đáng cứu. Táo bạo hơn có thể là cung tiền quy mô lớn, hạ lãi suất khiến BĐS ấm lên (không cần bùng nổ) tăng thanh khoản khiến các công ty BĐS tự vượt qua.
Trung Quốc cũng từng gặp phải tình trạng khá tệ như cách Việt Nam gặp phải. Việt Nam đã không được bài học kinh nghiệm từ việc đảo chính sách đột ngột của Trung Quốc. Bạn còn nhớ Evergrande “vỡ nợ” chứ? Đó là công ty BĐS lớn nhất TQ. Nó năm nào cũng có doanh thu và lợi nhuận phá kỷ lục năm trước. Nhưng ngay lập tức rơi vào tình trạng vỡ nợ khi chính sách 3 lằn ranh đỏ về tài chính ra đời. TQ sau đó cũng cho phép doanh nghiệp gia hạn nợ, đổi trái phiếu lấy BĐS.
TTCK TQ cũng ngay lập tức rơi vào thảm họa ngay sau đó. Giữa năm 2021, khi thế giới còn đang say sưa trong uptrend, TTCK TQ đã bước vào giai đoạn tụt thảm hại. Rồi họ cũng phải bơm tiền kích thích kinh tế. Đồng thời đang lên một kế hoạch lớn để “giải cứu bất động sản”.
Phân loại doanh nghiệp để xử lý dứt điểm
Chia các doanh nghiệp thanh nhóm:
- Có thể hỗ trợ để phục hồi và phát triển: Tạo điều kiện cho những nhóm này được vay vốn để hoàn thiện sản phẩm bàn giao tới khách hàng. Sau đó có tiền để thanh toán kịp thời cho trái chủ.
- Không thể cứu vãn: Yêu cầu làm thủ tục phá sản và thanh lý tài sản. Các cơ quan chức năng nên giám sát chặt thay và để doanh nghiệp tự thực hiện thủ tục bán tài sản và thanh toán cho trái chủ. Nó sẽ đơn giản hơn việc các cơ quan chức năng thực hiện việc xử lý tài sản và phân phối tiền cho trái chủ. Hãy để doanh nghiệp làm và giám sát.
Việc này cần diễn ra nhanh chóng, khi các doanh nghiệp không thể đưa ra được phương án cơ cấu, sử dụng vốn và trả nợ. Nó nhằm đảm bảo quyền lợi của trái chủ, thay vì một sự chờ đợi trong vô vọng, dù doanh nghiệp vẫn có tài sản ở đó. Càng sớm càng tốt, mới giữ dc lòng tin vào trái phiếu.
Đảm bảo về uy tín
NHNN có thể đứng ra bảo lãnh cho các khoản trái phiếu DN tại các ngân hàng. Trước hết để bảo vệ các ngân hàng hay hệ thống tài chính. Sau đó tạo điều kiện cho các ngân hàng mua lại / mua mới các TPDN tốt phát hành. Không có sự đảm bảo của NHNN, dù đang cầm TPDN của một DN ổn định, người gửi tiền tại NH đó vẫn lo lắng.
NHNN cũng có thể hỗ trợ một khoản tín dụng cho việc mua lại TPDN tốt. Muốn thuyết phục NĐT cá nhân là TPDN là tốt, nhưng chính bản thân NHTM liên tục giảm lượng nắm giữ, thì có ai tin tưởng được? Không giảm lượng nắm giữ thì người gửi tiền lẫn cổ đông đều “bỏ chạy”.
Khi có thể phòng chống Bank Run, nguồn vốn của các NHTM là rất dồi dào trong xử lý TP.
Đánh giá
Chính sách nhà nước hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề đã, đang xảy ra với TPDN. Nó cần được thực hiện nghiêm túc và quyết liệt hơn nữa. Tính tới tháng 2/2023, mới chỉ có 2.000 tỷ TPDN được phát hành, một con số khiến ta hiểu rằng việc hành động là cần thiết.

Nó không chỉ là TP BĐS, mà còn là các ngành sản xuất kinh doanh khác cũng không thể huy động vốn. Ví dụ Masan hay Vinfast cũng gặp phiền phức trong việc phát hành mới TPDN.
Phần mở rộng:Tại sao các DN BĐS “toang” vì TP
Rõ ràng việc vay bằng trái phiếu là có kế hoạch trả nợ rõ ràng. Các DN biết trước ngày trả, lãi suất trả. Tại sao các DN BĐS đồng loạt “toang” như vậy?
Rất đơn giản, vì không doanh nghiệp nào tính chuyện trả nợ. Không phải bởi họ định “bùng”, chỉ đơn giản việc phát hành quá dễ dàng. Sắp tới kỳ hạn thì phát hành mới để vay tiếp, sau đó trả nợ trái phiếu cũ. Cứ hết lại phát hành thêm, dùng chính trái phiếu sau để trả lãi & gốc trái phiếu trước với quy mô ngày một lớn.
Chúng hoạt động giống như một mô hình Ponzi vậy. Các doanh nghiệp gia tăng tài sản bằng khoản nợ khổng lồ.
Họ dùng nó làm những dự án quá sức mình nhiều lần (NVL). Nếu công ty có 1000 tỷ, thay vì làm dự án 2000 tỷ bạn lại muốn làm dự án 40.000 tỷ. Bạn cứ vay để triển khai theo từng giai đoạn. Tới kỳ lại phát hành mới trả nhà đầu tư cũ lẫn phát hành thêm đủ tiếp tục tiển khai. Không phải lo về vốn mà, phải chơi thật lớn. Làm được tới quy mô 12.000 tỷ thì bạn không thể vay được tiền nữa. Và cả tiền của bạn lẫn trái chủ đều kẹt trong dự án dang dở kia. Số tiền cần thiết để hoàn thiện dự án còn lại là quá lớn, và thanh khoản cần thiết để hấp thụ hết dự án của bạn cũng không dễ dàng.
Họ cũng có thể dùng số tiền này để vay mượn ngày một nhiều và đầu cơ BĐS (Vạn Thịnh Phát). Thực chất họ không cần kinh doanh có lãi, cứ tiếp tục phình to quy mô để lấy người sau trả người trước, phần dư đem đầu cơ BĐS. Nếu BĐS cứ tiếp tục tăng giá, có thể bán ra để trả toàn bộ nợ và có lợi nhuận khổng lồ. Nhưng trước khi họ làm được điều đó, chỉ cần họ dừng vay được tiền hoặc không thể bán BĐS để dừng lại kế hoạch, mọi thứ sẽ đổ bể.
Thời điểm chủ tịch THM và VTP bị bắt, mô hình Ponzi đã có dấu hiệu đổ vỡ. Đó là khi quy mô TP không thể tiếp tục gia tăng, nhưng dự án hay tài sản lại chưa thể bán để trả nợ toàn bộ những người sau. Không có nguồn tiền mới lẫn thu hoạch từ thành quả đem đi đầu tư. Họ đã bắt đầu chậm những kỳ lãi suất đầu tiên.
Sự dễ dãi trong việc phát thành TPDN riêng lẻ, sự tiếp tay cho việc phân phối nó tới các nhà đầu tư đã khiến các DN mạo hiểm. Họ sử dụng đòn bẩy quá lớn cho những dự án đầy tham vọng.
Các công ty BĐS với khoản vay hợp lý, vừa sức vẫn sống tốt qua giai đoạn này. Có thể là chậm đi một chút, nhưng không tới mức “toang”.
Lời kết
Vết thương nào rồi cũng sẽ lành theo thời gian. Thời gian tái tạo và hồi sinh nhanh hay lâu đều phụ thuộc vào tay nghề người chữa trị. Xử lý vấn đề TP, mà cụ thể khó khăn nhất là TP BĐS không chỉ vì riêng doanh nghiệp BĐS. Nó còn là ổn định hệ thống ngân hàng, ổn định TTCK để huy động vốn.
Theo dõi việc xử lý trái phiếu cũng có tác dụng với hoạt động đầu tư của bạn. Nó giúp bạn đánh giá chính xác tính cơ hội của thị trường. TTCK HongKong, TQ đã có mức tăng 50% ngay sau khi CP TQ điều chỉnh chính sách của họ. Việc theo dõi chính sách và định hướng là rất cần thiết. Đương nhiên không cần dự đoán chính phủ sẽ làm gì, bởi đó là thứ họ sẽ công bố.
Nguồn dữ liệu trong bài lấy phần lớn từ: Hiệp hội thị trường trái phiếu VN – VBMA