Các ngân hàng cũng đang ngóng đợi NHNN điều chỉnh một số quy định về tỷ lệ an toàn rủi ro để có thể bơm vốn nhiều hơn ra nền kinh tế.
Ngân hàng “ngóng” room tín dụng năm 2023
Trong tuần qua, thị trường dấy lên tin đông, NHNN sắp cấp thêm room tín dụng cho các NHTM, dự kiến ngay trong tháng 1/2023. Theo đó, các ngân hàng sẽ được cấp room tín dụng khoảng 10-12% tùy sức khỏe từng ngân hàng.
Trước đó, Hiệp hội NHVN đề nghị NHNN phân bổ chỉ tiêu tín dụng đầu năm để các tổ chức tín dụng có cơ sở xây dựng kế hoạch kinh doanh thông qua đại hội đồng cổ đông vào tháng 4.
Năm 2022, tín dụng toàn hệ thống tăng 14,5% – mức tăng cao nhất 5 năm trở lại đây. TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2023, NHNN có thể xem xét tăng cung tiền để hỗ trợ nền kinh tế áp lực từ bên ngoài giảm và Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu lạm phát cao hơn (4.5%).

Dù vậy, giới phân tích cho rằng, tín dụng năm 2023 sẽ giảm tốc chỉ tăng khoảng 12-13% xuất phát từ nền cao năm 2022.
Bên cạnh ngóng room tín dụng, nhiều ngân hàng đang mong chờ NHNN sớm sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN điều chỉnh các quy định về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn theo hướng phù hợp hơn với thị trường. Dự kiến, tỷ lệ LDR sẽ được nâng từ 85% lên 90%, sẽ giúp giải phóng một lượng vốn lớn ra nền kinh tế.
Ông Trần Minh Bình – Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho rằng, việc NHNN sớm công bố room tín dụng và ban hành văn bản sửa đổi Thông tư 22 là tiền đề quan trọng để các Ngân hàng cân đối vốn từ đó chủ động về nguồn vốn và tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm.
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank đề xuất NHNN xem xét cho phép các NHTM nhà nước chủ động quy mô tăng trưởng tín dụng hàng năm trên cơ sở đáp ứng các quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế. Việc gỡ room tín dụng cho khối Big 4 sẽ không ảnh hưởng đến công tác điều hành của NHNN do các NHTM Nhà nước đều vị hạn chế bởi quy mô vốn điều lệ.
Dư địa điều hành tín dụng rất hạn hẹp
Năm qua thị trường trái phiếu, chứng khoán khó khăn, đầu tư công giải ngân chậm gây áp lực lớn lên tín dụng ngân hàng. Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà lo lắng cho hay, hiện nay vốn đầu tư trung dài hạn của nền kinh tế phục thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi huy động vốn của Ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, do đó hệ thống các tổ chức tín dụng đối mặt với rủi ro thanh khoản, kỳ hạn.

Phó thống đốc NHNN nhấn mạnh: “Để bảo đảm nguồn vốn cho phát triển kinh tế, cần phát triển thị trường vốn một cách an toàn, bền vững như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, TTCK. Theo đó, cần rà soát lại các quy định pháp lý và có giai đoạn khắc phục những bất cập hiện nay trên các thị trường này”.
Trong khi đó, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ cảnh báo tỷ lệ đòn bẩy của Việt Nam đang rất cao. Ông Quang cho hay: “Tổng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng tiến đến đạt xấp xỉ 12 triệu tỷ đồng đó là một số rất lớn. Vì vậy, dư địa điều hành tín dụng trong bối cảnh nêu trên là rất hạn hẹp”, ông Phạm Chí Quang cho hay.
Theo lãnh đạo NHNN có rất nhiều nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội như vốn tín dụng, vốn tự có của doanh nghiệp, vốn từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư công, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn kiều hối… Cần khơi thông và kết nối, phát triển đồng bộ tất cả các nguồn vốn này. Tín dụng ngân hàng được xem là hạt nhân là mạch máu kết nối các nguồn vốn này.
Tín dụng ngân hàng được xem là hạt nhân là mạch máu kết nối các nguồn vốn. Nhưng nền kinh tế đang dựa quá nhiều vào tín dụng trong khi áp lực lạm phát là rất lớn, chính sách tiền tệ không thể chủ quan.
Trong Nghị quyết 01/NQ-CP vừa ban hành, Chính phủ khẳng định, năm 2023 sẽ tập trung cao độ cho ổn định, phát triển an toàn, bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán BĐS; không để mất an toàn hệ thống bảo vệ, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư người dân không để bị kích động, lôi kéo gây mất trật tự an ninh.
Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Riêng với doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, doanh nghiệp cần cơ cấu lại kiểm soát rủi ro dòng tiền; đa dạng hóa nguồn huy động vốn chủ động tìm hiểu, tiếp cận Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội, nhất là các gói hỗ trợ tài khóa; chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chung cư cũ, đầu tư công.
Xem thêm:
Room tín dụng là gì? Nới room tín dụng ngân hàng, BĐS là gì?