Trong báo cáo hợp nhất quý 4 vừa công bố, Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh Gilimex (Mã: GIL) đã ghi nhận doanh thu thuần 262 tỷ đồng là lãi ròng hơn 10 tỷ đồng, giảm tương ứng 81% và 92% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, chi phí tài chính tăng mạnh 123% so với cùng kỳ, lên 72 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm mạnh ứng 98% và 53%.
Sự tụt dốc của Gilimex có lẽ xuất phát từ mối quan hệ căng thẳng với Amazon – đối tác quan trọng đóng góp phần lớn doanh thu cho GIL.

Trong đơn kiện gửi lên toà án New York vào giữa tháng 12 năm ngoái, GIL đã cáo buộc Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng trong tháng 4 và 5 khiến nhà sản xuất này gặp tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.
Sự thay đổi đột ngột từ phía Amazon khiến GIL vào thế khó, vì họ đã dồn phần lớn nguồn lực để phục vụ nhu cầu của gã khổng lồ thương mại điện tử, thậm chí còn từ chối đơn hàng của các công ty khác như IKEA, Columbia Sportswear. Trong năm gần nhất, Amazon đóng góp đến 85% doanh thu xuất khẩu của GIL.
Thiếu đi đơn hàng của Amazon, lợi nhuận GIL tụt dốc không phanh, trong quý 3-4/2022 doanh thu công ty đã giảm hơn 80%.
Cũng giống như con diều đang bay cao bỗng đứng gió, việc làm ăn của GIL cũng quay đầu tụt giảm không phanh khi thiếu mất sự nâng đỡ của Amazon.
Tính cả năm 2022, GIL ghi nhận doanh thu thuần 2.866 tỷ đồng và lãi ròng 354 tỷ đồng, giảm tương ứng 26% và 1% so với cùng kỳ.
Trên bảng cân đối kế toán, cơ cấu tài chính của công ty dệt may này vẫn khá lành mạnh. Cuối năm 2022, GIL vẫn nắm giữ hơn 1,7 nghìn tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi kỳ hạn. Bên cạnh đó, công ty dệt may cũng có đầu tư 64 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán, nhưng hiện đang lỗ 38 tỷ đồng ở cổ phiếu GMC.

Đáng chú ý, kể từ khi Amazon thu hẹp đơn hàng từ tháng 4/2022, giá trị hàng tồn kho trên bảng cân đối kế toán cũng ngày một tăng, từ 940 tỷ đồng cuối quý 2 lên 1.270 tỷ đồng cuối năm 2022. Khoản phải thu giảm phần lớn từ 878 tỷ đồng xuống 101 tỷ đồng, chủ yếu do giảm ở khoản phải thu từ Amazon.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ ngắn hạn ở mức 1,330 tỷ đồng, trong đó hơn 50% là nợ vay tài chính ngắn hạn.
