Lợi nhuận năm 2023 được FiinGroup dự báo tăng trưởng chậm lại ở ngành ngân hàng vốn đóng góp 42% tổng lợi nhuận sau thuế và 30% tổng vốn hóa toàn thị trường và suy giảm ở hầu hết các ngành có tỷ trọng vốn hóa lớn như Tài nguyên cơ bản (thép), bất động sản, hóa chất vì:
- Chi phí vốn tăng cao;
- Cầu tiêu dùng trong nước và thế giới suy giảm do môi trường lãi suất cao;
- Nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế.
Ngược lại, tăng trưởng được dự báo duy trì ở những nhóm ngành mang tính phòng thủ và quy mô vốn hóa nhỏ như Nước điện, dược phẩm, CNTT.
Nhóm vốn hóa lớn tăng trưởng chậm lại
Năm nay, các ngôi sao về tăng trưởng dự kiến phải đối mặt với nhiều bất lợi, bao gồm: môi trường lãi suất cao là điểm trừ đối với triển vọng các ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu, trong đó có hàng cá nhân (PNJ). PNJ dự kiến gặp khó trong nửa đầu năm 2023 do môi trường lãi suất tăng cao cầu tiêu dùng chững lại. Thực tế, doanh thu tháng 11, PNJ đã giảm -15.7% so với tháng 10.

Rủi ro suy giảm mạnh ở các ngành hưởng lợi đứt gãy chuỗi cung ứng như Phân bón, hóa chất, thủy sản, Logistics ghi nhận LNST tăng cao hơn so với mặt bằng chung trong 9 tháng đầu năm 2022, nhưng tốc độ tăng trưởng quý 3 đã chậm lại đáng kể so với nửa đầu năm.
Rủi ro suy thoái ở các nền kinh tế lớn khiến lượng đơn hàng giảm mạnh, giá hàng hóa tiếp tục giảm sẽ là trở ngại cho tăng trưởng lợi nhuận của các nhóm ngành này trong các quý tới.
Với bất động sản nhà ở và nhóm phụ trợ: Ngành BĐS nhà ở đóng góp 8% tổng lợi nhuận sau thuế và 10% tổng vốn hóa toàn thị trường, đang ở trong chu kỳ đi xuống với triển vọng ngắn và trung hạn kém tích cực.

5 yếu tố đang gây áp lực lên triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp BĐS bao gồm tín dụng bị thắt chặt, hoạt động huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng sau sự kiện Vạn Thịnh Phát; mở bán và triển khai dự án bị ách tắc do vấn đề pháp lý. Môi trường lãi suất cao cũng khiến chi phí vốn tăng lên và làm giảm nhu cầu mua nhà. Chi phí triển khai dự án tăng do áp dụng khung thuế đất mới.
Cần lưu ý rằng, những diễn biến bất lợi ở thị trường BĐS sẽ tác động đến tăng trưởng lợi nhuận của nhiều nhóm ngành khác trong chuỗi cung ứng như Thép, tiêu dùng thiết yếu, xây dựng.
Lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ thấp đáng kể
Ở khối tài chính, riêng ngành ngân hàng với việc hoàn tháng 80% kế hoạch 9 tháng đầu năm 2022, LNST của các ngân hàng năm 2022 được dự báo tăng 33.3% và đây là mức tăng trưởng trong kế hoạch.
Tăng trưởng lợi nhuận 2023 dự kiến sẽ thấp hơn đáng kể so với năm 2022. VCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2023 tăng 12% tương đương 1/3 tốc độ tăng trưởng năm 2022. Đây là kế hoạch thận trọng của VCB, với nền tảng vững chắc và chất lượng tài sản tốt, trong bối cảnh vĩ mô kém tích cực và ngành ngân hàng đối mặt với 5 vấn đề.
Thứ nhất: thu nhập hoạt động dịch vụ phi tín dụng, chủ yếu là bán chéo bảo hiểm, mặc dù đã tăng trưởng mạnh và chiếm khoảng 18,6% tổng thu nhập nhưng hiện không còn dồi dào như mấy năm trước.
Thứ hai: Mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao nhất là huy động tiền gửi. Điều này tạo áp lực lên việc duy trì NIM ở mức như hiện nay. Mặt bằng lãi suất cao cũng thể hiện ở lợi tức hay lãi suất trái phiếu Chính phủ hiện đã tăng gần 80-100 điểm cơ bản và điều này tạo áp lực lên thu nhập từ hoạt động đầu tư mặc dù về hạch toán kế toán thì hầu hết danh mục đầu tư hiện chưa phản ánh theo giá thị trường.
Thứ ba: áp lực về đẩy mạnh cho vay do BĐS hiện chiếm khoảng 20% tổng tín dụng đang gặp khó và thanh khoản chung của nền kinh tế đang bị nghẽn ở lĩnh vực này. Tăng trưởng tín dụng năm 2022 14.5% thấp hơn hạn mức cho phép 16%.

Thứ tư: Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đang tăng lên do nhiều khoản cho vay với BĐS có thể trở thành nợ xấu nếu tín dụng vào lĩnh vực này tiếp tục bị thắt chặt.
Cuối cùng, trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng hiện chiếm tỷ trọng không quá lớn khoảng 7.6% tổng dư nợ tín dụng ở hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 10/2022, trong đó riêng trái phiếu BĐS chiếm 3,8%. Nhưng do môi trường lãi suất cao và nhiều dự án gặp khó về vấn đề pháp lý, triển vọng ngành BĐS cao và nhiều dự án gặp khó về vấn đề pháp lý, triển vọng ngành BĐS hiện nay kém tích cực, góp phần tăng nợ xấu chéo sang tín dụng ngân hàng khi có nhiều doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ trái phiếu.
Nhóm nào sẽ vô địch tăng trưởng lợi nhuận năm 2023?
Điểm sáng về tăng trưởng năm 2023 là ngành điện, dược phẩm, CNTT, nước. Đây là các ngành mà hoạt động kinh doanh ít chịu ảnh hưởng bởi môi trường lãi suất cao.
Theo đó, với nhóm điện, hiện tượng thời tiết La Nina dự kiến kéo dài hết tháng 2/2023 là điểm cộng lớn cho triển vọng lợi nhuận nhóm Nhiệt điện và là điểm trừ cho nhóm thủy điện.
Ngoài ra, giá điện trên thị trường cạnh tranh dự kiến duy trì ở mức cao do chi phí đầu vào tăng lên và không còn phải cạnh tranh với nguồn thủy điện có giá chào bán thấp khi chu kỳ La Nina kết thúc. QTP, HND và NT2 là các doanh nghiệp nhiệt điện được kỳ vọng sẽ có triển vọng lợi nhuận tích cực trong năm 2023.
Ngành dược phẩm, tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận sau thuế chưa thực sự đột phá trong quý 3 chủ yếu là do hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc và vật tư ở các bệnh viện công gặp khó. Kỳ vọng doanh thu từ kênh bệnh viện hồi phục mạnh được xem là động lực tăng trưởng cho ngành trong năm 2023, nhất là các doanh nghiệp như DHT, PBC, IMP, DTP.
Mặc dù đây là ngành mã hoạt động kinh doanh ít chịu ảnh hưởng trong môi trường lãi suất cao, nhưng trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu dược phẩm gần như không được dòng tiền chú ý do thanh khoản kém với tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp.

Triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết có thể chuyển sang trạng thái tốt hơn, theo FiinGroup, khi xuất hiện năm tín hiệu sau:
- Lãi suất huy động giảm;
- Dòng vốn tín dụng được khơi thông;
- Giải ngân vốn đầu tư công được đảnh nhanh;
- Tỷ giá ổn định nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài dồi dào;
- Xuất khẩu hồi phục.