Theo báo cáo vĩ mô tháng 11, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, tiền đồng (VND) sẽ vẫn còn dư địa giảm so với đồng USD cho năm nay, thậm chí sang đến năm 2023, các chuyên gia cho rằng, mức giảm giá của tiền Đồng được dự báo sẽ là 3-4%.
“Giai đoạn này diễn biến thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục có mức độ phụ thuộc lớn vào diễn biến thị trường thế giới”, VCBS nhận định.
Mặc dù tốc độ tăng lãi suất đã bắt đầu chậm lại, nhưng xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương chưa chấm dứt điển hình là Fed, ECB hay BoE. Trong đó, ECB thậm chí đã đưa ra thông điệp cứng rắn về lộ trình tăng lãi suất chậm rãi nhưng thời gian tăng kéo dài hơn.

Theo VCBS, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại từ đầu năm đến 15/12 tăng 710 đồng đạt 23.630-23.650 VND/USD, tương ứng VND giảm giá khoảng 3.09% kể từ đầu năm so với đồng USD.
Như vậy, với các diễn biến khá thuận lợi trong thời gian gần đây, các chuyên gia nhận định mức giảm giá VND so với USD là tương đối thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Về lãi suất, trong bối cảnh lãi suất huy động chịu áp lực tăng, lãi suất cho vay khó có thể tránh khỏi những áp lực nhất định. VCBS nhận định, áp lực tăng lên lãi suất cho vay sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động và có sự phân hóa giữa mức tăng, thời điểm tăng giữa các ngành nghề.
Theo các chuyên gia, xu hướng tăng của lãi suất huy động cũng được xem là phản ứng hợp lý khi mà mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng. VCBS cho rằng, xu hướng tăng của lãi suất huy động tiếp diễn và mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng 2.5-3% trong cả năm 2022.
Trước đó trong tháng 11, mặt bằng lãi suất tăng 0.5-0.6%. Theo đó, từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng TMCP đã tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn với mức tăng 2.2-2.6%. Tại những ngân hàng TMCP vừa và nhỏ, cá biệt có thể ghi nhận mức 10% cho kỳ hạn 6 tháng.