Theo Bloomberg, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang vấp phải một bài toán vô cùng nan giải khi lạm phát ở Mỹ đã tăng rất cao, lên tới 8,6% và FED đã phải tiến hành nâng lãi suất lên 0,75 điểm rạng sáng nay theo giờ Việt Nam.
Ông Powell đã phải thừa nhận rằng khó có thể kiểm soát được tình trạng lạm phát đang diễn ra trầm trọng hơn mà không làm tổn thương đến nền kinh tế, điều này có thể làm tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Dù ông Powell không nói tới vấn đề có thể xảy ra cuộc suy thoái kinh tế nhưng nhiều chuyên gia kinh tế thế giới đều có nhận định rằng “Mỹ sẽ phải đánh đổi sự tăng trưởng kinh tế lẫn việc làm để có thể giảm lạm phát ở mức cho phép”.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của FED
Theo nhà phân tích kinh tế Bruce Kasman của JPMorgan Chase & Co. thì “Mỹ khó có khả năng kiểm soát lạm phát mà không để xảy ra suy thoái kinh tế”.
Theo ông Bruce Kasman thì bởi vì sự kéo dài của lạm phát trong khi nguồn cung lao động giảm dần đã khiến cho tiền lương tăng lên khiến các doanh nghiệp phải trả lương cao hơn cho người lao động. Điều này dẫn đến việc tạo ra vòng xoáy “Tiền lương – lạm phát” ngày một trầm trọng.
Theo Anna Wong – chuyên gia kinh tế cấp cao tại Bloomberg thì khả năng Mỹ sẽ bước vào thời kỳ suy thoái trong năm 2022 là 25% và có thể tăng lên tới 75% vào năm 2023.
Theo số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 5 của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng lớn nhất trong vòng hơn 30 năm trở lại đây.
Việc lạm phát tăng cao sẽ khiến cho nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng giảm dần. Theo nghiên cứu của Đại học Michigan thì chỉ số thể hiện mức độ lạc quan của người tiêu dùng đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1978 (thấp hơn cả khi Mỹ bước vào thời kỳ đỉnh lạm phát năm 1981).
=> Trước lo ngại về khả năng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát thì giới đầu tư đã lựa chọn kênh đầu tư vào trái phiếu thay vì cổ phiếu, làm cho lãi suất trái phiếu tăng cao nhưng cũng khiến cho cổ phiếu giảm mạnh.
Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã chạm mốc 3,28% hôm 13/6, đánh dấu mức cao kỷ lục kể từ năm 2011. Có khả năng lãi suất cơ bản sẽ được nâng lên 175 điểm cho tới tháng 9 và FED có thể tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75%.
Còn với nhóm phân tích của Goldman Sachs thì lại cho rằng FED có khả năng nâng lãi suất cơ bản 0,75 điểm phần trăm trong cả tháng 6 và tháng 7 còn đến tháng 9 giảm dần còn 0,5%, sau đó đến tháng 11 và 12 thì có thể chỉ tăng 0,25%.
=> Như vậy, lãi suất có thể được nâng lên khoảng 3,25-3,5% vào cuối năm
Làm cách nào để FED cân bằng 2 rủi ro?
Những tháng tiếp theo thì việc lãi suất tăng bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào việc mà các quan chức cấp cao của FED muốn kiểm soát lạm phát ở mức nào và FED có sẵn sàng đánh đổi bằng cách tạo ra vết thương cho nền kinh tế hay không.
Số liệu chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE của Mỹ trong tháng 4 cho thấy PCE đã tăng tới 6,3% so với cùng kỳ tháng 4/2021 trong khi mục tiêu đặt ra chỉ là 2%. Nếu loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng biến động mạnh, chỉ số giá cốt lõi tăng 4,9%.
PCE là thước đo của sự thay đổi của giá cả hàng hóa và dịch vụ trong chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình, thay vì doanh nghiệp hoặc những thành phần kinh tế khác.
=> Theo Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Bank of America Corp – ông Ethan Harris thì FED có khả năng thỏa hiệp và chấp nhận lạm phát duy trì ở mức 3% và sau đó sẽ giảm dần về mục tiêu trong dài hạn để giúp nền kinh tế Mỹ tránh khỏi cuộc suy thoái.