Nội dung
Chỉ còn 1 đại diện của ngành chứng khoán có vốn hóa tỷ đô
Không còn là thời kỳ hoàng kim của cổ phiếu ngành chứng khoán nữa khi mà chỉ còn duy nhất VND là đại diện của cổ phiếu ngành chứng có vốn hóa tỷ đô nhưng cũng đang ngấp nghé.
Vào thời đại hoàng kim của cổ phiếu ngành chứng khoán thì có tới 3 công ty chứng khoán nằm trong danh sách vốn hóa tỷ đô đó là SSI, VND và VCI. Trong 3 công ty này thì SSI và VND có thời điểm đã có vốn hóa trên 2 tỷ USD và khả năng cao thời gian tới sẽ không còn đại diện nào của ngành chứng trong nhóm vốn hóa tỷ đô nữa.
Phiên giao dịch ngày 15/6 vừa qua là một phiên đẫm máu với cổ phiếu ngành chứng khi 2 đại diện lớn là VND và SSI đều nằm sàn. Chỉ số VN-Index có thời điểm đã thủng mức 1200 và nhiều cổ phiếu khác cũng chung tình trạng nằm sàn như HCM, FTS, AGR, BSI, CTS…
SSI cho tới ngày 15/6 đã có 5 phiên giảm liên tiếp với 2 phiên nằm sàn và giá của SSI đã rơi xuống mức 22,65k/cổ phiếu, nếu so với đỉnh hồi tháng 11 thì đã giảm tới gần 60%. Vì sự sụt giảm này đã khiến cổ phiếu SSI không còn nằm trong nhóm cổ phiếu có vốn hóa tỷ đô trên sàn chứng khoán Việt Nam nữa.
Nhìn vào diễn biến giá của cổ phiếu SSI thì có thể thấy khi thị trường chứng khoán bùng nổ thì kéo theo cổ phiếu ngành chứng khoán tăng theo và khi thị trường trở nên tiêu cực hơn thì cổ phiếu ngành chứng khoán cũng là những người đi tắt đón đầu cơn bão.
Vậy điều gì khiến cổ phiếu ngành chứng khoán rớt thảm?
Thanh khoản thị trường thấp khiến cho cổ phiếu ngành chứng khoán không còn nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó là việc lãi suất ngân hàng tăng cũng khiến dòng tiền thay vì đầu tư chứng khoán, bất động sản thì lại tìm đến kênh an toàn hơn là gửi tiết kiệm.
Thị trường trái phiếu có nhiều bất cập cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới các công ty chứng khoán và điều này làm cho kỳ vọng của nhà đầu tư về cổ phiếu ngành chứng khoán cũng không còn được như trước.
Theo số liệu thống kê về thanh khoản trung bình trên sàn HOSE thì từ khi đạt đỉnh vào tháng 11/2021 cho tới nay có thể thấy thanh khoản đã có xu hướng giảm dần. Trong vòng 5 tháng đầu năm 2022, thanh khoản trung bình của sàn HOSE chỉ khoảng 13.800 tỷ đồng/phiên.
Vì thanh khoản thấp đồng nghĩa với việc lợi nhuận của các công ty chứng khoán cũng sụt giảm theo. Hơn nữa trong năm 2022 nhiều công ty chứng khoán tiến hành tăng vốn nhưng thanh khoản lại thấp nên cũng khó có thể giúp cổ phiếu ngành này tăng lên khi khoản tiền không đổ vào thị trường nhiều như năm 2021.
Tương lai ngành chứng khoán sẽ ra sao?
Theo đội ngũ phân tích của Vnstockmarket thì khả năng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục nằm trong khoảng 1.200 – 1.400 điểm trong ngắn hạn. Còn về dài hạn thì cổ phiếu ngành chứng khoán sẽ có sự phân hóa về chất lượng dịch vụ đầu tư cũng như chính sách của nhà nước.
Theo ACBS thì trên thị trường chứng khoán hiện nay có tới 74 công ty chứng khoán nên có sự cạnh tranh rất cao trong mảng môi giới chứng khoán.
Ngoài ra vì thị trường chứng khoán trong vài tháng trở lại đây ảm đạm cũng sẽ khiến cho doanh thu của hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán gặp khó khăn. Trong khi đó nguồn thu của các công ty chứng khoán lớn nhất là nhờ vào việc cho vay ký quỹ và tự doanh.
Tuy nhiên, theo ACBS thì tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn tốt trong dài hạn. Điển hình là số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong 5 tháng đầu năm đã lên tới 1,38 triệu tài khoản chứng khoán, gần bằng cả năm 2021 cộng lại.