Trong một báo cáo mới đây, người đứng đầu Pyn Elite Fund, ông Petri Deryng đã đánh giá sự kiện Fed tăng lãi suất sẽ không gây ảnh hưởng quá tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Bởi lẽ, Việt Nam có cơ cấu nền kinh tế lành mạnh, tăng trưởng và đầu tư không dựa trên nguồn đi vay, lãi suất đã được giữ giao hơn lạm phát và lãi suất thực dương. Ngoài ra, chính sách tiền tệ không có sự thay đổi quá lớn.
Vấn đề xuất khẩu giảm sang các thị trường lớn như Mỹ hay châu Âu gây ra lo ngại nền kinh tế Việt Nam rơi vào suy thoái, Pyn Elite Fund dẫn chứng lịch sử, cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ năm 2009 đã khiến xuất khẩu Việt Nam sang thị trường này giảm 9%. Nhưng tiêu thụ trong nước lại tăng cao giúp nền kinh tế khi đó vẫn tăng trưởng 5.4%.
Theo đó, tác động tiêu cực gần như sẽ tập trung tại các nhà máy do công ty vốn đầu tư nước ngoài sở hữu, trụ sở chủ yếu tại nước ngoài, trong khi các ngân hàng và doanh nghiệp nội địa không bị ảnh hưởng quá lớn.
Quỹ Pyn Elite Fund đánh giá: “Sự suy giảm sản xuất công nghiệp trong thời gian dài vẫn sẽ gây những bất lợi cho Việt Nam, nhưng trước mắt vẫn chưa thể rơi vào suy thoái kinh tế”.
Liên quan đến ảnh hưởng của cuộc xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine và diễn biến giảm điểm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ, quỹ Phần Lan tin rằng, chứng khoán Việt Nam sẽ không giảm sốc. Làn sóng bán tháo trên thị trường Mỹ về mặt tâm lý cũng gây ảnh hưởng nhất định, áp lực trên chứng khoán Việt Nam, trong bối cảnh thị trường đã có những nhịp điều chỉnh khi Chính phủ và cơ quan chức năng đang có những hoạt động thanh lọc thị trường,.
Xét theo ngành, xung đột Nga – Ukraine chủ yếu ảnh hưởng đến các doanh nghiệp FDI lớn hay những doanh nghiệp xuất khẩu chưa niêm yết. Trong khi đó, những doanh nghiệp niêm yết hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ, thủy sản, dệt may, nông sản thậm chí còn có thể ghi nhận tỷ suất lợi nhuận được cải thiện nhờ giá cả hàng hóa leo thang.

Ông Petri Deryng cũng tỏ ra thận trọng hơn với xu hướng hiện tại của thị trường, vì định giá một số sàn giao dịch chứng khoán đang trên mức trung bình lịch sử và hiện chỉ mới ở quá trình bắt đầu thắt chặt tiền tệ gần đây.
P/E năm 2022 được kỳ vọng ở 10,9 lần, tương đối thấp so với mức P/E trung bình 5 năm qua là 16,5 lần và trong các giai đoạn tăng trưởng lợi nhuận tốt khi P/E đạt hơn 20%. Dự báo tăng trưởng lợi nhuận cho năm 2022 cũng sẽ giao động từ mức 19% lên 29%. Do đó, mặc dù chứng khoán thế giới điều chỉnh “nhưng ở mức định giá này với một nền kinh tế ổn định, cổ phiếu Việt Nam đang cực rẻ”, CEO Pyn Elite Fund nhấn mạnh.
Theo ông, thị trường Việt Nam đang có mức tăng trưởng thu nhập tốt hơn Mỹ và giá cũng rẻ hơn. Đồng thời tăng trưởng thu nhập Việt Nam còn vượt cả dự báo của Bloomberg. Việc chỉ số VN-Index dưới 1.200 điểm trong tuần qua với P/E dự phóng 10,9 lần được cho là thời điểm rất hấp dẫn để mua vào.
Danh mục đầu tư của quỹ Pyn Elite Fund cũng bị ảnh hưởng sau những cú trượt giảm trong tháng thư và tháng 5 vừa qua, ghi nhận mức giảm mạnh hơn cả chỉ số VN-Index. Nhưng một điểm khởi sắc là sự suy giảm trong danh mục đầu tư đã chậm lại và quỹ hiện tại cũng chỉ còn giảm ít hơn so với đà giảm của VN-Index, tính đến ngày 16/5 giảm 21% trong khi chỉ số sàn HOSE giảm 23%.

Danh mục cổ phiếu, “công thần” hàng đầu trong năm 2021 của Pyn Elite Fund là Nam Long (NLG) ghi nhận sự cố, nhưng may mắn là quỹ cũng đã thực hiện bán mạnh cổ phiếu này, giảm sở hữu từ 12 triệu xuống còn 5 triệu đơn vị. Ngoài ra, VEA và MBB cũng bị bán ra. Hiện tại cơ cấu danh mục của quỹ tương quan với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn 2022-2023 từ đó họ tiến hành mua thêm CTG, TPB, VHM, VRE.
Trước đó, trong báo cáo hoạt động tháng 4/2022, với bối cảnh thị trường đang điều chỉnh mạnh thì quỹ Phần Lan cũng đã ghi nhận mức giảm 10.2% với đầu tàu giảm giá là VHM, CTG, MBB, TPB. Đây cũng là hiệu suất đầu tư tệ nhất tính theo tháng mà quỹ ghi nhận kể từ khi dịch bệnh bùng phát mạnh trong tháng 3/2020. Lũy kế 4 tháng đầu năm hiệu suất đầu tư của quỹ ghi nhận mức âm 11,73%.
Top 10 cổ phiếu lớn nhất danh mục vẫn là những cái tên quen thuộc như VHM (tỷ trọng 17,4%), CTG (14,2%), VRE (9,9%), VEA (9,8%), MBB (9,3%)… Trong danh mục của quỹ Phần Lan, SCS là cổ phiếu có biến động tích cực nhất trong tháng 4 với mức tăng 11,3%, CMG tăng 2.9%.