Cổ phiếu nước nổi sóng ngầm
Theo nhiều chuyên gia nhận định, dòng tiền sẽ xoay chuyển khôn lường và có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm cổ phiếu trong năm 2022. Đặc biệt là những thay đổi về chính sách tiền tệ của Fed cũng được cho là yếu tố có thể khiến thị trường chứng khoán biến động mạnh trong tương lai. Do vậy, việc chọn nhóm ngành nào, mua cổ phiếu gì trong năm nay sẽ không còn dễ dàng như năm 2021 mà buộc nhà đầu tư phải “đãi cát tìm vàng” để tìm kiếm lợi nhuận.
Trước những khó khăn, rủi ro tiềm ẩn, dòng tiền có xu hướng tìm đến những cổ phiếu mang tính chất phòng thủ và ít bị ảnh hưởng bởi những yếu tố vĩ mô. Nhóm cổ phiếu nước được xem là sự lựa chọn an toàn trong bối cảnh thị trường chung đang có nhiều biến động. Bởi doanh nghiệp cung cấp nước có tiềm năng tăng trưởng khá ổn định do nhu cầu sử dụng nước sạch trong sinh hoạt và sản xuất kinh tế ngày càng tăng cao.
Tuy từng có thời điểm bị “lãng quên” vì không thu hút dòng tiền, nhưng thời gian gần đây, nhiều cổ phiếu ngành nước cũng đã âm thầm tạo sóng, nhiều mã lập đỉnh lịch sử.
Ví dụ, cổ phiếu DNW của CTCP cấp nước Đồng Nai đang có chuỗi tăng ấn tượng khi giao dịch quanh vùng đỉnh lịch sử. chốt phiên 10/2 cổ phiếu DNW tăng 3,4% lên mức 27.500 đồng/cp, đây là mức tăng cao nhất trong lịch sử niêm yết của doanh nghiệp. Tính chung 6 tháng gần nhất, cổ phiếu DNW đã tăng 31%.
Cổ phiếu TDM của CTCP nước Thủ Dầu Một cũng có mức tăng ấn tượng trong vòng 1 năm trở lại đây. Tuy có sự điều chỉnh nhẹ so với mức đỉnh hồi năm ngoái, song TDM cũng đang hồi phục trở lại khi có chuỗi tăng trong những phiên gần đây. Chốt phiên 10/2, TDM đạt 34.900 đồng/cp, tăng 34% so với hồi đầu năm 2021.
Cổ phiếu BWE của công ty CP Nước – Môi trường Bình Dương cũng ghi nhận đà tăng tích cực. Cổ phiếu cũng tăng 30% giá trị so với hồi cuối tháng 8/2021 lên mức 47.500 đồng/cp (chốt phiên 10/20, còn nếu so với mức giá đầu năm 2021 thì BWE đã tăng gần 60%. Tuy chỉ âm thầm bứt phá nhưng cổ phiếu BWE cũng đã lập đỉnh lịch sử sau một thời gian dài đi ngang.

Ngoài việc có mức tăng trưởng ổn định, cổ phiếu ngành nước như DNW, TDM hay BWE cũng đều là những doanh nghiệp duy trì trả cổ tức tiền mặt đều đặn qua các năm.
Tiềm năng nào cho năm 2022?
Trong một báo cáo mới nhất của công ty Chứng khoán SSI đánh giá cổ phiếu ngành nước đã trải qua một năm kém sáng do giá bán nước sạch trung bình giảm 10% trong quý 3/2021 để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 và nhu cầu tiêu thụ nước tại các khu công nghiệp, các hộ gia đình giảm so với cùng kỳ.

SSI Research cho rằng, năm nay cổ phiếu ngành nước sẽ có nhiều triển vọng tăng trưởng nhờ hưởng lợi bởi nhiều yếu tó. Theo đó, SSI Research đã phân chia các công ty nước thành hai nhóm chính:
- Nhóm 1 là các công ty mạng lưới phân phối nước như BWE, DNW, BWS…
- Nhóm 2 là các công ty có nhà máy xử lý nước sạch như VCW, TDM, DNP…
Các công ty có mạng lưới phân phối nước sạch, SSI ước tính doanh thu sẽ tăng 9% so với cùng kỳ trong năm 2022, trong đó, tiêu thụ nước sạch trung bình tăng 6% và giá bán lẻ nước sạch trung bình tăng 3%.
Nhu cầu nước hiện đã tăng ổn định 6% dựa vào dữ liệu của Hiệp hội cấp thoát nước Việt Nam (VWSA), định hướng tới năm 2025, Việt Nam hướng đến mục tiêu tỷ lệ tiếp cận nước sạch được cung cấp tập trung ở khu đô thị là 100% với tiêu chuẩn tiêu thụ 120 lít/người/ngày.

Ngoài ra, kết quả hoạt động các công ty phân phối nước cũng đang được cải thiện. SSI ước tính xu hướng sẽ tiếp diễn trong trung hạn, tỷ lệ thất thoát nước trung bình đã giảm từ 19,5% trong năm qua lên 18,7% trong năm 2022. Vì các công ty đã nâng cấp hệ thống giảm thất thoát nước nhằm cải thiện mạng lưới đường ống nước sạch cho người tiêu dùng.
Đặc biệt, ước tính giá bán trung bình nước sạch trong năm 2022 sẽ tăng 3% đến 5% tùy thuộc địa phương. Cụ thể, Bình Dương và TP.HCM sẽ tăng 5% giá bán lẻ nước sạch trong tháng 1/2022 và 4% YoY trong năm 2022. Đối với Hà Nội sau khi nhà máy nước sông Đuống đi vào hoạt động trong năm 2020, SSI nhận thấy giá tăng sau thời gian dài đi ngang trong năm 2015. Theo đó, ước tính giá nước công nghiệp sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu tăng từ các KCN lớn.
Đối với công ty có nhà máy nước, SSI Research cũng đưa ra quan điểm khá tích cực khi nhu cầu cao cho nhiều nhà máy xử lý nước, có ít nhất hơn 4 nhà máy nước sạch sẽ đi vào hoạt động trong năm 2022 – đạt tổng cộng công suất 800 nghìn m3/ngày (+33% YoY).

Ngoài ra, công suất đầu tư nhà máy xử lý nước sạch cũng được dự báo tăng theo thời gian. Theo trao đổi với các công ty nước niêm yết, suất đầu tư nhà máy xử lý nước tại các công ty nước niêm yết giai đoạn 2021-2022 sẽ đạt 4.700 đồng/m3 cao hơn giai đoạn 2019-2020 là 3.700 đồng/m3.
(Nguồn: Theo khối phân tích SSI Research)