CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) mới đây đã công bố BCTC quý 4/2021 với doanh thu thuần đạt 272 tỷ đồng, giảm 60,6% so với cùng kỳ năm 2020. Giá vốn hàng bán giảm nhiều hơn nên lãi gộp chỉ giảm 30,7% xuống còn 74,5 tỷ đồng.
Theo phía công ty giải trình, dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, một số ngành nghề kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, đặc biệt là doanh thu bán sản phẩm linh kiện điện tử của nhà máy tại Trung Quốc và Hàn Quốc trực thuộc công ty MassNoble tại Hong Kong giảm mạnh. Ngoài ra, doanh thu từ 4 trạm thu phí BOT trên tuyến đường Hồ Chí Minh cũng giảm mạnh do lệnh giãn cách tại một số địa phương.

Ngược lại, doanh thu tài chính trong kỳ tăng gần 80% lên 113 tỷ đồng, chủ yếu do phát sinh các hoạt động chuyển nhượng vốn góp tại các công ty con. Chi phí tài chính giảm mạnh 73% xuống còn 133 tỷ đồng do giảm dư nợ gốc vay và không phát sinh lỗ chuyển nhượng vốn góp. Tuy nhiên, chi phí bán hàng và quản lý tăng mạnh do phát sinh tăng chi phí vận chuyển, chi phí dịch vụ mua ngoài và trích lập nợ phải thu khó đòi tăng hơn so với quý 4/2020.
Sau khi trừ các khoản chi phí DLG lỗ sau thuế là 10,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 372 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2021, DLG đạt 1.569 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 23% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 14,5 tỷ đồng trong khi năm ngoái lỗ tới 928,6 tỷ đồng.
DLG đặt mục tiêu năm 2021 doanh thu đạt 2 nghìn tỷ đồng và LNST đạt 50 tỷ đồng, theo đó kết thúc năm 2021 đạt DLG đạt được 78% chỉ tiêu doanh thu và 29% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tính đến hết 31/12, tổng tài sản DLG giảm 14% so với đầu năm chỉ còn 7,060 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do việc thoái vốn công ty con khiến chi phí xây dựng cơ bản dở dang sụt giảm mạnh 92% trong năm vừa qua, chỉ còn ghi nhận hơn 32 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, DLG ghi nhận nợ phải trả 4.739 tỷ đồng, giảm 17% so với đầu năm. Trong khi đó, tổng dư nợ tài chính ngắn hạn và dài hạn là 3.181 tỷ đồng (chiếm 67% tổng nguồn vốn). Lỗ lũy kế đến thời điểm cuối năm là 851 tỷ đồng.
Đặc biệt, nợ ngắn hạn khác đã vượt quá tổng tài sản ngắn hạn gần 273 tỷ đồng. DLG cho một số tổ chức, cá nhân vay với số tiền là 2,410 tỷ đồng, các khoản cho vay này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ 3. Ngoài ra, DLG cũng có một số khoản nợ phải trả và vay quá hạn thanh toán với tổng giá trị ước tính là hơn 1.808 tỷ đồng.
Những điều này đã khiến đơn vị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty và cổ phiếu DLG tiếp tục rơi vào diện kiểm soát. Tuy nhiên, nhờ kết quả kinh doanh năm 2021 có lãi, cổ phiếu DLG sẽ có khả năng thoát án hủy niêm niêm yết dù 2 năm gần nhất 2019 và 2020 đều báo lỗ.
Đầu tháng 9/2021, Hội đồng quản trị công ty đã thông qua việc thoái vốn và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại hai công ty con khác là CTCP Năng lượng Tân Thượng và CTCP Đầu tư và kinh doanh bất động sản Đức Long Gia Lai.
Đến tháng 12/2021, DLG dự kiến chuyển nhượng toàn bộ gần 7,5 triệu cổ phần FGL tương đương 51% vốn điều lệ của CTCP Cà Phê Gia Lai và chuyển nhượng toàn bộ 4,6 triệu cổ phiếu BHG tương đương 51% vốn của CTCP Chè Biển Hồ trong thời gian từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/3/2022, phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Trên thị trường chứng khoán, sau chuỗi tăng mạnh lập đỉnh 10.500 đồng/cp, DLG ghi nhận chuỗi giảm sâu và hiện đang giao dịch ở mức giá 6.920 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên cổ phiếu vẫn tăng hơn 3,6 lần so với thời điểm đầu năm 2021.