Theo các chuyên gia, Việt Nam là điểm đến đầy hứa hẹn của dòng tiền đầu tư thế giới năm 2022 khi các thị trường xung quanh đang nóng dần lên. Thêm vào đó, gói kích thích nền kinh tế đang trông đợi cũng được tung ra cùng với chính sách tín dụng có điều chỉnh, các chính sách quản lý thị trường, quản lý dữ liệu thị trường được tập trung và hứa hẹn năm nay sẽ có nhiều điểm tích cực.
Theo phân tích của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), sẽ có ba kịch bản cho thị trường bất động sản trong năm 2022.
Kịch bản tích cực: là thị trường BĐS giai đoạn 2022-2025 sẽ bước vào chu kỳ phát triển mới với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát,tiêm mũi thứ ba được triển khai chủ động, kinh tế mở cửa trở lại, các cơ chế chính sách cần thiết đang được chờ đợi, việc sử dụng đất hành lang công trình hạ tầng đưa vào đấu giá xây dựng theo quy hoạch, tạo vốn phát triển cơ sở hạ tầng… tạo điều kiện cho lĩnh vực đất đai, bất động sản phát triển. Đây là kịch bản được mong chờ nhất nhưng đòi hỏi sự nỗ lực tham gia của các Bộ, ban ngành, cơ quan liên quan
Kịch bản tiêu cực: Thị trường BĐS sẽ có những diễn biến khó khăn, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và nền kinh tế diễn biến không được như mong muốn. Các chính sách về đất đai, bất động sản không có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, kinh tế vĩ mô khó khăn. Đây là điều không ai mong muốn xảy ra và xác suất xảy ra là rất thấp.
Kịch bản trung tính nằm giữa hai kịch bản trên trong đó yếu tố bất định về dịch bệnh trong năm 2022 được coi là ít tác động đến thị trường bất động sản. Vì vậy, với doanh nghiệp kinh doanh phát triển bất động sản, việc tạo lập quỹ đất là vấn đề then chốt trong năm nay dù đứng trong bất kỳ kịch bản nào.
Đặc biệt, trong thời điểm đầu năm, gói phục hồi và kích thích kinh tế tổng thể quy mô 350 nghìn tỷ đồng đã được quốc hội thông qua từ tháng 1/2022 với nhiều chính sách hỗ trợ, giải ngân trong năm 2022 và 2023. Đây cũng được xem là bệ đỡ vững chắc cho thị trường bất động sản.
Hiện Việt Nam đang theo đuổi chiến lược phục hồi kinh tế tương tự như các nền kinh tế khác, tất cả đều cần một gói phục hồi và kích thích kinh tế lớn giống như các quốc gia trên thế giới. Việc đưa ra các gói này sẽ đem tới lợi ích kép.
- Thứ nhất dòng tiền giải ngân vốn đầu tư công có thể hỗ trợ thị trường bất động sản thông qua các dự án giao thông kết nối các vùng giúp tài sản gia tăng giá trị.
- Thứ hai: Các gói kích thích kinh tế phục hồi góp phần tăng tiêu dùng, cải thiện sức mua, thúc đẩy nhu cầu sở hữu nhà đất để ở lẫn đầu tư.
TS. Đinh Thế Hiển – Chuyên gia kinh tế cho biết, gói hỗ trợ của Chính phủ là tin tốt đối với thị trường BĐS trong bối cảnh khá trầm lắng kéo dài do dịch bệnh. Tuy nhiên, thông tin này chỉ tốt với một số vùng thực sự hưởng lợi từ hạ tầng và giá trước đó tăng chưa đủ mức, còn những vùng giá đất đã tăng cao thì không còn nhiều tác dụng.
Ông Phạm Lâm – Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS năm 2022 được đánh giá là lạc quan, hấp dẫn, có những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với năm 2020 và 2021.
Trong năm 2022, chính sách về đầu tư công, tăng cường giải ngân cho các dự án hạ tầng giao thông là động lực thúc đẩy mạnh mẽ thị trường bất động sản phá triển. Hoạt động XNK và FDI trong năm 2021 tuy có giảm nhưng vẫn tích cực, kéo theo bất động sản công nghiệp và logistic từ đó gián tiếp dẫn đến bất động sản nhà ở cũng phát triển theo.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán dù có nhiều biến động nhưng vẫn có tiềm năng phát triển. Đây là thị trường có sự liên đới trực tiếp đến thị trường bất động sản. Như cách nói của nhiều người “Chứng khoán còn xanh thì BĐS còn tươi”.
Cơ chế chính sách trong việc cải thiện về quy trình thủ tục pháp lý, giải quyết tháo gỡ các vấn đề vướng mắc khó khăn với dự án bất động sản cũng đang được thúc đẩy, kỳ vọng sẽ tích cực trong năm nay, tác động đến sự phát triển của thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng cũng đang tăng cường chương trình Nhà ở quốc gia trong giai đoạn 2021-2025 hướng đến năm 2030, trong đó tập trung nhà ở công nhân lao động, nhà xã hội vừa túi tiền. Đây cũng là động lực để BĐS phát triển.

Thị trường du lịch trong và ngoài nước đã bắt đầu ổn định và thích ứng, đây cũng là một điểm tích cực. Một yếu tố nữa là lãi suất cho vay cũng đang ở mức hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư có thể sử dụng đòn bẩy tài chính tham gia thị trường, từ đó giúp hoạt động đầu tư BĐS kỳ vọng khởi sắc.
“Có một điều không thể phủ nhận là bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, là tài sản tích lũy ăn sâu vào tâm lý người Việt. Họ làm gì cuối cùng cũng mua bất động sản làm tài sản để dành. Chính quan điểm này là nền tảng tốt để thị trường BĐS phát triển lâu dài”, ông Lâm khẳng định.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tăng mạnh cũng là “điểm tựa” cho thị trường bất động sản năm 2022. Bộ Xây dựng cũng cho biết, năm 2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.
Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với hơn 2,6 tỷ USD (chiếm 8,3%). Như vậy, so với năm 2020, dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường BĐS giảm gần 1,6 tỷ USD. Nguyên nhân giảm là do tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng nhận định, với tiềm năng và môi trường đầu tư được cải thiện, dòng vốn sẽ được khơi thông, phát triển khi dịch bệnh được khống chế.
Bên cạnh những chương trình gói hỗ trợ, kích thích kinh tế và dòng vốn FDI thì sự chủ động chuyển mình của doanh nghiệp BĐS, sàn giao dịch cũng là yếu tố quan trọng góp phần thay đổi, tạo ra sự đột phá cho thị trường bất động sản.
Trên thực tế, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch, nhưng nhu cầu đầu tư và sở hữu nhà ở vẫn luôn rất lớn tại thị trường nước ta. Theo đó, doanh nghiệp bất động sản cũng dần thích ứng với diễn biến của thị trường và thay đổi mục tiêu, chiến lược trong năm 2022.
Cụ thể, Covid-19 là cơ hội để doanh nghiệp BĐS nhìn lại hoạt động của mình như: Chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý và có nhiều phân khúc để đáp ứng nhu cầu người mua ở và đầu tư, phát lý minh bạch và nhất là ứng dụng công nghệ mới trong kinh doanh.