Thị trường chứng khoán trong gần một tuần qua không có gì vui. Thị trường cũng như thời tiết lúc nắng lúc mưa, có thời điểm giông bão có những ngày nắng đẹp. Vậy có gì mà phải buồn?
Đương nhiên là buồn rồi. Có phải cơn bão nào cũng do mẹ thiên nhiên trái gió trở trời gây ra, mà cũng có những cơn bão do chính con người tự tạo ra, do chúng ta can thiệp vào tự nhiên (phá rừng, xả khí thải ra môi trường…). Khi mà thế giới cần có COP 26 (hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021), thì với tư cách là một thành viên thị trường, bản thân mỗi nhà đầu tư chúng ta cũng phải tự mình nhìn lại những chuyện chưa biết bao giờ thì được gọi là “đã qua”. Nhưng cũng phải nói rằng, vì đa phần chúng ta đều sở hữu “não cá vàng”.
Thứ nhất: Có cần một biện phát chưa có tiền lệ? Covid-19 thì các biện pháp chưa có tiền lệ để xử lý những vấn đề của đại dịch là những câu chuyện không phải bàn cãi. Nhưng để xử lý một vấn đề không mới, lặp lại nhiều lần, xuất hiện nhiều nơi mà sử dụng một biện pháp như vậy sẽ dẫn đến những hệ lụy tiếp theo. Đó là sau khi có một giao dịch tương tự liệu có bị hủy?
Bán chui có thể dễ xử lý, nhưng mua chui liệu có xử lý được không khi mà khả năng truy đòi người bán trên diện rộng là không khả thi (vì có thể ứng tiền nhanh rút ra khỏi tài khoản ngay sau khi bán).

Thứ Hai: Nhìn rộng hơn chính là quyền lợi của các thành viên thị trường liệu có được tính toán đầy đủ. Về phía nhà đầu tư, tại sao giao dịch bị hủy hoặc được hủy, trong khi những giao dịch khác cùng thời điểm thì lại không, dù cho rằng các giao dịch này đều dựa trên cùng một luồng thông tin thiếu minh bạch. Rồi về phía nhà đầu tư nước ngoài, có ai đã nghĩ đến việc FTSE RUSELL sẽ đưa ra các đánh giá về Failed trader (giao dịch thất bại) đối với nước ta và con đường nâng hạng sẽ trở nên xa vời hơn. Định bộ thì có thể dễ dàng dừng lại nhưng nếu bạn đang đi xe Bus, hay đang tự lái xe cũng không thể đỗ ngay giữa đường. Còn về phía các công ty chứng khoán, các khoản phí, lãi phát sinh ai sẽ chịu?
Thứ Ba: Nếu xét về hướng rộng hơn, có vẻ ném chuột đã vỡ hết cả bình. Niềm tin của các thành viên thị trường đối với giao dịch trở nên lung lay, khi khả năng hủy giao dịch có thể thực hiện một cách tùy ý, không theo chuẩn mực chung. Điều này khiến các công ty chứng khoán buộc phải siết lại các hoạt động cấp margin và tài sản đảm bảo đối với các cổ phiếu có liên quan do lo ngại về việc hủy giao dịch.
Vậy là mất thanh khoản từ một nhóm nhỏ cổ phiếu đầu cơ đã lan sang nhóm các cổ phiếu có thanh khoản tốt, có cơ bản tốt, do việc giải chấp vẫn đang diễn ra.
Vì thế cho nên đầu cơ (bản thân không xấu) khi trở thành yếu tố chính của thị trường, lấn át cả các nhà đầu tư đã làm một phần của thị trường chứng khoán đã trở thành một thị trường giả (false market) – nơi mà giá cổ phiếu được xác định dựa trên những thông tin và kỳ vọng giả. Việc can thiệp bằng các biện pháp “chưa có tiền lệ” vào một góc của “false market” đã làm cả thị trường chung bị ảnh hưởng lớn. Một góc nào đó của thị trường đang nóng lên và cách can thiệp biến thị trường trở nên nguội lạnh.
Cũng chẳng muốn tranh cãi về mặt pháp lý, tuy nhiên dưới góc độ thành viên thị trường, việc có tính toán đầy đủ cho lợi ích của các bên có liên quan, có lẽ sự lựa chọn tốt hơn. Tóm lại, có những cách xử lý đơn giản một vấn đề thường ngày, chẳng hạn như khóa luôn lại những tài khoản thuộc diện phải công bố thông tin khi giao dịch. Nhưng chỉ là chúng ta không chọn mà thôi.