Theo kế hoạch, trong năm 2021 công ty cổ phần Xây dựng Hòa Bình (HBC) có thể sẽ chào bán một lượng nhỏ cổ phiếu cho đối tác chiến lược, giá đàm phán tương đối cao. Và năm 2022, HBC cũng sẽ cân nhắc phương án phát hành lượng lớn hơn nhằm huy động vốn.
Năm 2021 có thể được xem là một năm đặc biệt khó khăn với ngành xây dựng, khi không chỉ đối diện với áp lực cạnh tranh gia tăng mà còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sự biến động của giá đầu vào (VLXD).
HBC dự kiến tổng thầu cả năm 2021 dự kiến sẽ vượt 30-40% chỉ tiêu ban đầu là 14 nghìn tỷ đồng. Hiện con số đã vượt đến 27%. Về lợi nhuận, HBC do các định phí không thay đổi nhiều nên doanh thu tăng thì lợi nhuận sẽ tăng tương ứng.
Mới đây, HBC vừa khởi công xây dựng dự án The Peak Garden tại quận 7, Tp.HCM. Đây cũng là dự án do CTCP đầu tư BĐS Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư và là dự án thứ hai hợp tác cùng với HBC. Dự án có quy mô 5,2 ha, HBC sẽ là nhà thầu chính thi công phần thô và hoàn thiện, thời gian thi công trong vòng 25 tháng.
Sau 9 tháng đầu năm, HBC ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.536 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, HBC thu về lãi ròng gần 81 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Đây là kết quả của HBC nhiều năm tái cấu trúc tổng nợ vay cũng giảm mạnh và dòng tiền dương trở lại vào quý 3.
Trong năm 2021, HBC tiếp tục kế hoạch tái cấu trúc, trong đó sẽ thoái vốn tại các dự án BĐS để tập trung cho mảng chủ lực và xây dựng. Theo chia sẻ của Chủ tịch Lê Viết Hải tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, HBC đang đầu tư khoảng 11 dự án, trong đó có 4 dự án lớn. Tổng thoái vốn 4 dự án lớn thì khả năng HBC sẽ thu về trên 1 nghìn tỷ đồng.

Nhưng thực tế không như kỳ vọng, đại diện HBC chia sẻ năm 2021 khó đạt 1.000 tỷ vì việc thoái vốn mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Trong đó, dù không nhiều dự án, tuy nhiên các dự án của HBC có giá trị cao trong khi pháp lý chưa hoàn thiện, bên đối tác nhận chuyển nhượng cũng yêu cầu HBC phải hoàn thành xong hồ sơ pháp lý. Ngoài ra, một số công trình khác thì đang triển khai dở dang, muốn bán cũng phải dọn dẹp và làm việc lại với khách hàng.
Kế hoạch kinh doanh thời gian tới, HBC không chỉ mở rộng lĩnh vực sang mảng hạ tầng, công nghiệp mà còn tiếp tục theo đuổi giấc mơ mở rộng thị trường ra quốc tế.
Ngoài ra, tận dụng làn sóng đầu tư công, HBC dự tăng tỷ trọng mảng công nghiệp lên đến 20% tổng doanh thu trong năm 2022. Theo ông Lê Viết Hải, thời gian gần đây HBC được mời đấu thầu nhiều dự án tốt.
Kế hoạch xuất ngoại, HBC đã thực hiện rất sớm từ năm 2011, song trong chia sẻ mới đây lãnh đạo cho biết vẫn chưa thành công. Bởi có nhiều khó khăn thử thách, tuy nhiên nếu vượt qua được giai đoạn đầu thì sẽ suôn sẻ hơn và HBC cũng đã gần trải qua giai đoạn khó khăn này rồi, ông Hải chia sẻ.
Trong tương lai, HBC sẽ chọn những quốc gia như Úc, Mỹ, Châu Âu, Canada để xúc tiến, bởi những thị trường trong khu vực theo người cầm cương không tiềm năng. Hiện HBC đã hoạt động tại Myanmar, Malaysia…những thị trường này cũng cạnh tranh bằng giá nước ta nên không hiệu quả.
Nhất là trong chiến lược phát triển ra thị trường nước ngoài, HBC cũng đã lên kế hoạch đầu tư trước vào các dự án BĐS nhưng theo hình thức hợp tác với các đối tác chứ không chiếm đa số. Đây cũng là cách để HBC thăm dò và thâm nhập dần vào ngành xây dựng sở tại.
Kế hoạch phát hành tăng vốn, phía HBC cho biết thời điểm này là thích hợp. Tuy nhiên, HBC đang cân nhắc, thận trọng trong việc chọn nhà đầu tư.
“Có khá nhiều tập đoàn xây dựng nước ngoài muốn đầu tư vào HBC, họ chưa bàn về giá nhưng mà đưa ra một số những điều kiện, nếu chấp nhận có thể phát hành một cách rất nhanh với giá cao. Nhưng tôi cân nhắc, vì HBC một ngày có thể trở thành đối thủ cạnh tranh của họ trên thị trường nước ngoài”, ông Hải nói.

Theo kế hoạch tiết lộ, trong năm 2021, HBC có thể sẽ chào bán một lượng cổ phiếu nhỏ cho đối tác chiến lược, giá đàm phán tương đối cao. Và năm 2022, HBC cũng sẽ cân nhắc phương án phát hành lượng lớn hơn nhằm huy động vốn.