Vụ FLC và Tân Hoàng Minh kích hoạt động thái bán tháo
VN-Index đã có dấu hiệu phục hồi trong đó phiên ngày 20/1 đã tăng trở lại, nhưng không ít các nhà đầu tư vẫn chưa “định thần” lại được sau khi chứng kiến nhiều nhóm cổ phiếu bị bán tháo, đặc biệt là nhóm bất động sản trong tuần qua.
Nhóm cổ phiếu BĐS trước đó đã tăng mạnh nhờ vào cơn sốt đất từ cuối tháng 12 từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, Tp.HCM, chủ yếu nhờ phiên đấu giá ghi nhận mức cao kỷ lục (2,4 tỷ đồng/m2), nhưng cuối cùng thì Tân Hoàng Minh lại “quay xe” bỏ cọc 600 triệu đồng, điều này được cho là yếu tố chính kích hoạt động thái bán tháo. Hàng loạt cổ phiếu như DIG, LDG, CII, AMD, ITQ, CEO, DRH… giảm từ 30 đến 40% chỉ trong 7 phiên, từ ngày 10-19/1/2022.
Cùng trong khoảng thời gian này, vụ ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập Đoàn FLC cũng khiến nhóm cổ phiếu FLC, ROS, HAI, FLF, ART… giảm từ 38 đến 44% và hiện tượng dư bán khối lượng lớn liên tục xuất hiện.
Vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm và Ông Quyết bán cổ phiếu mà không đăng ký trước theo quy định chính là 2 yếu tố dẫn đến hành động bán ra cổ phiếu trên diện rộng. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn, nhóm cổ phiếu ngân hàng nổi lên đỡ chỉ số, làm giảm đà tiêu cực của thị trường chung.
Kỳ vọng sau tết
Không hiếm những lần thị trường có những diễn biến giảm trước Tết Nguyên Đán và sau đó tăng trở lại. Cụ thể, thống kê biến động của VN-Index giai đoạn 2016-2021, thị trường có 5/6 lần giảm điểm trước tết, 4 lần tăng sau tết.

Một lần chỉ số giảm điểm sau Tết là năm 2020, VN-Index giảm 10,1%. Năm đó, biến cố không lường trước được là đại dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện đã kích hoạt động thái bán tháo trên thị trường toàn thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Nếu lịch sử lặp lại và không có biến cố nào quá lớn làm thay đổi điều kiện nền kinh tế, thị trường có thể tăng điểm sau Tết Nguyên đán.
Sau Tết, thị trường bước vào mùa họp Đại hội cổ đông thường niên, các doanh nghiệp sẽ chia sẻ và trao đổi với cổ đông kế hoạch trong năm tài chính, kế hoạch triển khai và đầu tư dự án mới, nhất là dự phóng kết quả kinh doanh.
Trong lịch sử, mùa đại hội cổ đông thường là giai đoạn tích cực của thị trường khi các nhà đầu tư được kỳ vọng vào kế hoạch kinh doanh khả quan của của các doanh nghiệp giúp cổ phiếu tăng giá.
Năm 2022 còn có thêm yếu tố đặc biệt là Quốc hội thông qua gói hỗ trợ kinh tế với quy mô 350 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 đạt tỷ lệ cao, cùng với nền tảng thấp trong năm 2021, kinh tế Việt nam năm 2022 được nhận định sẽ tăng trưởng mạnh (HSBC dự báo GDP tăng 6,5%, Standard Chartered dự báo tăng 6,7%…)
Cơ hội nào cho nhà đầu tư?
Nhà đầu tư Nguyễn Hoàng Nam nhận định, giai đoạn cuối năm, nhà đầu tư thường có động thái rút tiền khiến giá và thanh khoản giảm mạnh, nhưng đây cũng là cơ hội lướt sóng ngắn hạn khi mua vào nhóm cổ phiếu cơ bản, tập trung vào các mã vốn hóa lớn và vừa. Đầu năm mới, dòng tiền sẽ quay trở lại thúc đẩy thị trường tăng điểm.
Nhà đầu tư Lê Tuấn Vũ cho rằng, thị trường đang trải qua giai đoạn bán tháo là cơ hội để tái cơ cấu danh mục, mua các mã có mức chiết khấu cao. Không ít người bán cổ phiếu chạy theo đám đông kể cả những mã cơ bản, doanh nghiệp có triển vọng tạo cơ hội cho các nhà đầu tư giá trị tích lũy tài sản.
Công ty chứng khoán SSI nhận định, giá P/E của VN-Index ngày 10/1 là 17,5 lần tới ngày 19/1 giảm còn 16,8 lần. Trong khi đó thì định giá P/E của nhóm ngành môi giới chứng khoán giảm từ 13,06 lần xuống 11,26 lần, không ít nhóm ngành khác giảm mạnh, nhất là bất động sản. Khi tâm lý nhà đầu tư ổn định, các cổ phiếu cơ bản sẽ phục hồi, tùy thuộc vào triển vọng kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Từ góc độ quan sát kỹ thuật, tôi cho rằng, xu hướng tăng đang tương đối cân bằng với xu thế giảm và chuyển dần về giai đoạn lình xình trong biên độ hẹp. Vì vậy, thị trường có thể đi theo hai kịch bản trong thời gian tới. Thứ nhất: VN-Index bứt lên biên độ cao hơn, có thể chạm ngưỡng 1.600 -1.700 điểm. Thứ hai: Chỉ số VN-Index giảm xuống mức 1.400 điểm.
Giai đoạn trước Tết các năm trước thị trường có xu hướng giảm, nhất là sau thời gian tăng mạnh vừa qua, bới nhà đầu tư thực hiện hóa lợi nhuận. Khoảng 2 đến 3 tuần trước Tết, thị trường giảm điểm nhưng sẽ tăng nhẹ vào tuần cuối cùng nhờ nhóm nhà đầu tư mua vào xác định nắm giữ qua Tết. Sau Tết, thị trường sẽ được hỗ trợ bởi hai lực đỡ chính là thông tin báo cáo tài chính năm và mùa họp đại hội cổ đông, trong đó có quyết định chia cổ tức.
Mặt khác, số lần thị trường tăng điểm từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch nhiều hơn số lần giảm. Nhưng năm nay, thị trường có thể lình xình một thời gian, bởi tâm lý đầu tư nhiều khả năng sẽ thận trọng hơn. Trong giai đoạn ấy, nhà đầu tư nên xem xét lợi nhuận của từng doanh nghiệp trong từng ngành và cơ cấu lại danh mục sang những cổ phiếu có nền tảng vững chắc, giảm bớt đòn bẩy tài chính.
Bởi lẽ trong giai đoạn này, thị trường có khoảng 25% cổ phiếu lên giá, 25% cổ phiếu xuống giá và 50% cổ phiếu sẽ đi ngang, đặc biệt nhóm VN30.

Trong phiên sáng 20/1, nhiều mã cổ phiếu đã được giải cứu và cổ phiếu BĐS cũng có dấu hiệu phục hồi, thậm chí tăng giá trần. Hệ số định giá P/E cũng ở gần mức P/E bình quân 5 năm, cho thấy rủi ro đã qua. Tuy nhiên, thị trường có thể tiếp tục giảm điểm. Nếu không tính đến hàng đầu cơ bị bán tháo trong thời gian qua thì dịp Tết năm nay, thị trường nghỉ giao dịch 9 ngày, mà lượng vay giao dịch ký quỹ (margin) đang ở mức cao nhất, nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ bán bớt, hạ tỷ trọng margin để tránh rủi ro và trả phí margin.
Đồng thời, thời gian nghỉ giao dịch đó có thể sẽ diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trên thế giới, tác động tới thị trường, việc duy trì Margin cao sẽ rất nguy hiểm. Mặc dù vậy, sau Tết Âm lịch, xác suất thị trường đi ngang hoặc tăng điểm cao hơn xắc suất giảm điểm vì P/E đang ở mức hợp lý.
Thông thường thì đầu năm mới, thị trường dễ tăng điểm hơn giai đoạn cuối năm. Về phía nhà đầu tư, qua thời gian rèn luyện, nhiều người đã thấm thía bài học FOMO (sợ lỡ cơ hội) cổ phiếu đầu cơ, tức mua đuổi giá cao.
Hiện tại, tỷ trọng danh mục tối ưu là 70:30. Trong khi đó 60-65% tập trung vào cổ phiếu cơ bản, chỉ dành 5 đến 10% cho nhóm cổ phiếu lướt sóng, đầu cơ. 30% là tiền mặt, tận dụng cơ hội mua vào nếu thị trường xảy ra sự kiện “thiên nga đen” khiến những cổ phiếu tốt bị ảnh hưởng dù không liên quan đến yếu tố cơ bản.