Thị trường vàng trong nước và thế giới kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của năm 2021 với diễn biến tăng cùng chiều. Tuy nhiên thì tính trong cả năm vừa qua, giá vàng thế giới và trong nước lại tạo ra hai bức tranh đối lập
Trong phiên giao dịch cuối cùng năm 2021, giá vàng thế giới giao ngay ghi nhận mức tăng 15,3 USD và đóng cửa mức 1.829,8 USD/ounce, vùng cao nhất của tháng 12. So với cuối tuần trước thì giá vàng vật chất cũng đã tăng 20,6 USD, tương đương mức tăng là 1,14% trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2021.
Giá vàng thế giới giảm mạnh nhất trong 6 năm
Tính trong cả năm vừa qua, giá vàng thế giới ghi nhận mức giảm hơn 70 USD/ounce, tương đương hơn 3,6% giá trị. Đây là năm giảm mạnh nhất của vàng kể từ năm 2015 đến nay.

Theo ông Neils Christensen – Chuyên gia phân tích giá vàng của Kitco, thị trường vàng đã ghi nhận một lực đẩy cao hơn trong tháng 12, đưa giá vang lên vùng 1.800 USD/ounce và khép lại phiên giao dịch cuối cùng năm 2021 ở mức cao nhất tháng.
Nhưng đây vẫn là một năm đáng thất vọng với vàng. Thị trường đã khởi đầu năm 2021 với vùng giá quanh 1.900 USD/Ounce, rồi ghi nhận đợt giảm giá mạnh xuống dưới 1.700 USD vào tháng 8, vàng đã mất rất nhiều thời gian mới có thể quay trở lại vùng 1.800 USD/ounce và khép lại năm 2021 trên vùng tâm lý quan trọng này.
Tuy hiện, nhiều chuyên gia cho rằng lạm phát tăng cao trong năm 2021 sẽ khiến Fed sớm đưa ra các biện pháp thắt chặt lãi suất tiền tệ.
Trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 12, Fed đã thông báo dừng mua trái phiếu hàng tháng vào tháng 3 và có thể tăng lãi suất 3 lần vào năm 2022 này.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn kỳ vọng vào thị trường vàng khi tình hình dịch bệnh vẫn đang có nhiều diễn biến xấu.
Thị trường vàng trong nước cũng khép lại tuần giao dịch cuối cùng của năm 2021 với diễn biến cùng chiều với vàng thế giới. Nhưng tín cả năm 2021, vàng miếng lại cho thấy bức tranh trái ngược.
Bức tranh trái ngược giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế
Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đã chốt phiên cuối cùng năm 2021 niêm yết giá vàng miếng ở mức 60,95 – 61,65 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng lên 350.000 đồng so với ngày 30/12.
Đây chính là phiên tăng giá mạnh nhất mà vàng miếng SJC đã ghi nhận trong tuần cuối năm. Du vậy thì do giá vàng đã giảm liên tục 4 phiên đầu tuần nên giá đóng cửa tuần kể trên cũng chỉ cao hơn 50 nghìn đồng so với cuối tuần trước.

Với mức đóng cửa năm 61,65 triệu/ lượng, giá vàng miếng đã có một năm ngược dòng thế giới khi tăng tới 5,5 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng ròng gần 10%. Đà tăng này mang lại mức lợi suất cao vượt trội cho nhà đầu tư khi so sánh với các tài sản đầu tư cơ bản khác như ngoại tệ, trái phiếu, tiền gửi ngân hàng…
Đây cũng chính là năm đầu tiên ghi nhận giá vàng miếng tăng ngược dòng thế giới. Đà tăng này khiến chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới đã nới rộng hơn từ mức 3 triệu/lượng đầu năm lên trên dưới 11 triệu đồng hiện tại, mức cao nhất trong hàng chục năm trở lại đây.
Vàng nhẫn SJC 99,99% hiện ở mức 52,25 triệu/lượng – 52,95 triệu/lượng (mua vào – bán ra), tăng 250 nghìn đồng so với phiên liền trước đó và cao hơn 100 nghìn đồng so với cuối tuần trước. Mặc dù đây vẫn là vùng giá cao nhất trong tháng 12 của giá vàng nhẫn SJC.
Nhưng so với đầu năm 2021, giá vàng nhẫn SJC vẫn ghi nhận xu hướng giảm 2,5 triệu đồng/lượng, tương đương 4,5%. Ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc Đá quý SJC Phú Thọ cho biết, vàng nhẫn là mặt hàng có diễn biến giá sát hơn với giá vàng thế giới. Điều này dẫn đến giá vàng thế giới giảm cũng kéo theo giá vàng nhẫn giảm trong năm 2021.

Tại CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng miếng cũng đã đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021 ở mức 60,9 triệu/lượng – 61,6 triệu/lượng (mua vào – bán ra), tăng 300.000 đồng so với cuối ngày 30/12.
Đối với vàng nhẫn, sau phiên tăng 300.000 đồng/lượng cuối tuần này, PNJ đã đưa ra giá mặt hàng này lên mức cao nhất tháng 12, phổ biến giao dịch 52,2 – 53 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tuy nhiên, cũng giống với SJC, giá vàng nhẫn tại PNJ hiện cũng thấp hơn 2,45 triệu đồng so với đầu năm 2021.
Mặc dù không phải giá đóng cửa cao nhất PNJ niêm yết với mặt hàng này trong năm 2021, nhưng so với đầu năm, giá vàng miếng tại công ty này cũng đã tăng 5,5 triệu/lượng, tương đương 9,8%. Nếu tính giá chênh lệch giá mua – bán doanh nghiệp đưa ra, người mua vàng miếng tại PNJ trong năm 2021 vẫn ghi nhận khoản lãi 4,8 triệu/lượng, tương đương 8,6% giá trị đầu tư.