Vượt kế hoạch năm 2021, cao hơn trước đại dịch 70%
Ngành dệt may đã vượt qua nhiều khó khăn duy trì đà tăng trưởng khá tốt trong năm 2021, với kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 39 tỷ USD, tăng lên 11,2% so với năm trước và tăng 0,3% so với năm 2019 trước thời điểm dịch bệnh bùng phát. Hiện Việt Nam đứng trong top 3 các nước xuất khẩu dệt may và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi 2022.

Mảng doanh thu và thu nhập hợp nhất của Vinatex năm 2021 ước tính đạt 16.436 tỷ đồng, tăng lên 10,7% so với cùng kỳ năm 2020, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ, vượt 70% kế hoạch năm 2021 và cao hơn năm 2019 trước đại dịch gần 70%. Tất cả các mục tiêu VGT đều vượt kế hoạch.
Chia sẻ về những điểm sáng giúp VGT tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng giám đốc Vinatex cho biết: “Quý 1/2021, chúng ta tận dụng tốt cơ hội khi mà các đối thủ cạnh tranh đang phải đối phó với Covid-19, giá cả cũng tốt hơn. Chúng tôi đã gặt hái từ chiến lược đầu tư nguyên liệu từ 5 năm trước là hệ thống nhà máy sợi các tập đoàn. Ngành sợi tăng trưởng ngoạn mục, doanh thu chiếm khoảng 50% trên doanh thu toàn hệ thống nhưng lợi nhuận ngành sợi đã đạt trên 50%. Trước kia trong cơ cấu là, ngành may 80% – ngành sợi 20% thì trong năm 2021 đã là 50-50 thậm chí 45%-55%.
Ngoài những điểm sáng của thị trường nhờ ngành sợi tăng thì một điều quan trọng nhất là công tác quản trị và điều hành sản xuất các nhà máy sợi đều tăng. Năng suất tăng, các nhà máy đó trước đây đạt 900 tấn/tháng thì nay đã đạt 1.300 tấn/tháng, và điều này góp phần lớn vào kết quả ngoạn mục của năm 2021”.
Đại dịch Covid-19 đã biến năm 2021 trở thành một năm khó khăn với ngành dệt may, người lao động trong hệ thống Công đoàn Dệt may vơi 49 doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng trực tiếp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải chịu thêm nhiều khoản chi phí phòng chống dịch, chi trả lương ngừng việc, tổ chức “3 tại chỗ”, điều trị cách ly tại chỗ cho nhân viên, người lao động khi doanh nghiệp có F0.
Ngoài đầu tư, nâng cao năng lực của các đơn vị thì VGT đã đưa vào hoạt động 2 nhà máy sợi trong năm nay, đó là Nhà máy sợi 3, Công ty cổ phần Sợi Phú Bài với quy mô 32.000 cọc sợi, đi vào hoạt động từ tháng 6/2021 và Nhà máy sợi số 2, công ty cổ phần Vinatex Phú Hưng với quy mô 22.800 cọc sợi, đi vào hoạt động từ tháng 10/2021.
Năm 2022, VGT phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng chung trên 8%, chú trọng chất lượng tăng trưởng, và thể hiện qua tỷ lệ giá trị gia tăng và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu.
Có kế hoạch quy hoạch 1-2 trung tâm dệt kim tại Nha Trang và Nghệ An.
Trong buổi họp báo, Tổng giám đốc Vinatex chia sẻ, tập đoàn đang hướng đến trở thành “một điểm đến trọn gói cho khách hàng trong ngành dệt may thời trang”. Điều này được rút ra trong giai đoạn Covid-19 năm 2020-2021, VGT đã nhận ra chuỗi cung ứng bị đứt gãy như thế nào. Chính vì vậy, Vinatex đạt mục tiêu giai đoạn 2022 đến 2025 sẽ hình thành năng lực cung ứng đủ lớn cho ngành dệt kim. Theo ông Hiếu, dịch bệnh đã làm thay đổi thói quen, hành vi của người tiêu dùng, các đơn hàng hiện nay đa phần là hàng dệt kim và người tiêu dùng cũng đang hướng đến những sản phẩm tiện lợi nhưng giá thành rẻ. Ông chia sẻ rằng: “Thay vì những chiếc áo sơmi, bộ vest lịch lãm thì chuyển sang áo đơn giản và tiện dụng, giá cả hợp lý, nhu cầu này xuất hiện từ cuối 2020, các doanh nghiệp thuộc Vinatex đủ đáp ứng được và xác định chuỗi cung ứng quy mô lớn trên thế giới sẽ đặt tại Việt Nam”.

TGĐ Vinatex chia sẻ, doanh nghiệp sẽ quy hoạch thêm 1 đến 2 trung tâm dệt kim tại miền Trung để có thể định vị tại Nha Trang và Nghệ An có xử lý nước thải đồng bộ trong từng khu một. Đây sẽ là trung tâm dệt kim đang được xúc tiến làm thủ tục để có thể triển khai vào năm 2022.
Về giải pháp quản trị chung, Vinatex thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số, đây là điều mà doanh nghiệp mong muốn thực hiện từ lâu nhưng chưa làm được. Khi thực hiện xong việc chuyển đổi số ngành sợi trong năm 2021 quyết định tập trung chuyển đổi số của công ty mẹ và các công ty con, cùng chung một môi trường số hóa quản trị trong toàn hệ thống. Với quản trị số, đây là từ khóa được tìm số 1, số 2 trên mạng Internet, giống như khái niệm 4.0. Cái gì mà chúng ta cho rằng đó là sự minh bạch trong quản trị tất cả các thông tin liên quan về sản xuất của đơn vị thì gần như người lãi đạo các nhà quản lý cập nhập Realtime, các nguyên liệu đầu vào được tính toán và kiểm soát dễ dàng hơn trước kia.
Thị trường dệt may năm 2022: Những khó khăn và thách thức
Ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng HĐQT cũng chia sẻ, trong năm 2022, nhu cầu ngành dệt may được dự báo quay trở lại như năm 2019 nhưng đối với các doanh nghiệp dệt may, thách thức lớn nhất là logistics, chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển tăng cao.
Với mặt hàng có giá trị không cao như dệt may điều này ảnh hưởng rất lớn, đây chính là thách thức trên toàn cầu, vấn đề tắc nghẽn container chưa biết khi nào bớt nóng, có nhiều dự báo nửa năm sau 2022 hoặc 2023, kể cả lúc số lượng container mới được đóng cung ứng ra thị trường năm 2022 tăng đi chăng nữa thì vẫn chưa thể kéo chi phí vận chuyển giảm như trước khi dịch bệnh xuất hiện.
Chính những khó khăn ấy, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang khắc phục thông qua thỏa thuận với khách hàng, chia sẻ chi phí một số nhãn tăng giá bán lẻ. Một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh cũng đang phục hồi tốt. Với Trung Quốc, nước này đặt ra mục tiêu lớn với mong muốn đổi mới công nghệ và đưa ra mục tiêu phát triển bền vững. Tình hình lạm phát tại Mỹ hay châu Âu, và biến chủng Omicron cũng sẽ có những tác động khiến thu hẹp quy mô kinh tế và gián tiếp làm giảm chi tiêu tiêu dùng tại những thị trường lớn này.

(Nguồn: Báo cáo kinh doanh Vinatex năm 2021)