Năm 2021 thực sự là một năm rực rỡ của chứng khoán khi sắp khép lại với những kỷ lục liên tục được thiết lập. Đến năm 2022 sẽ là khoảng thời gian mà nhà đầu tư sẽ chuẩn bị dữ liệu cho một năm đầu tư với mục tiêu đem lại lợi nhuận tốt cho năm tới. Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) vừa công bố báo cáo triển vọng năm 2022, trong đó phân tích rất rõ tiềm năng của ngành dầu khí năm 2022.
Nhu cầu tiêu thụ dầu khí sẽ tăng cao trong năm 2022
Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, từ đầu năm 2021 đến nay, giá dầu và khí tự nhiên đã dẫn đầu về mức tăng giá các loại hàng hóa phổ biến trên thế giới có mức tăng lần lượt là 111% và 70%. Giá dầu đã thiết lập mức đỉnh mới trong năm năm và đang hướng đến vùng giá trên 100 USD/thùng của năm 2013-2014.
Nguồn cung dầu mỏ cũng được dự báo sẽ tăng chậm hơn trong thời gian tới khi Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận tại COP26 về hạn chế sử dựng nguồn nguyên liệu hóa thạch và OPEC và các nước đồng minh chưa thể hiện ý muốn gia tăng sản lượng nhiều hơn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ lại đang phục hồi mạnh, cụ thể trong tháng 11/2021 nhu cầu thế giới đã tăng vượt qua mức 100 triệu thùng/ngày.
Theo như dự báo của cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tiêu thụ dầu mỏ giai đoạn cuối 2021 là 96.58 triệu thùng/ngày so với tổng cung là 95 triệu thùng/ngày, thiếu hụt hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Nếu OPEC vẫn tiếp tục trì hoãn việc tăng sản lượng, tình trạng thiếu hụt sẽ càng lớn hơn.
OPEC vẫn đang đóng vai trò quyết định trong việc cân đối cung cầu trên thị trường dầu mỏ và việc nhóm này tăng mạnh sản lượng khai thác sẽ không dễ dàng. Số liệu quá khứ cho thấy OPEC đã liên tục giảm sản lượng khai thác ngay khi giá dầu trong xu hướng giảm vào các năm 2018 – 2021. Do đó, kỳ vọng về giá dầu sẽ tiếp tục được duy trì ở mức cao trong năm 2022.

MAS cho rằng, điểm hòa vốn trung bình của các dự án khai thác dầu khí ngoài biển của khu vực Đông Á hiện vào khoảng 55 USD/thùng. Vì vậy, với mức giá hiện nay, kỳ vọng các dự án thăm dò, khai thác sẽ được tái khởi động tạo nên sự sôi động trong khâu thượng nguồn trong năm 2022. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan, xây lắp gian khoan, kho nổi dự kiến có được các hợp đồng với giá trị cao hơn.
Những dự án trong nước cũng được kỳ vọng triển khai nhanh trong thời gian tới, trong đó dự án Lô B Ô Môn đang có những dấu hiệu tích cực. Trong mảng này, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán như PVD, PVS. Ngoài ra, còn có GAS tham gia đầu tư vào dự án Sư Tử Trắng.
Hoạt động vận tải dầu và khí tự nhiên đang bước vào giai đoạn tăng trưởng. Nhu cầu vận tải dầu trong năm tới sẽ gia tăng khi mà nhu cầu tiêu thụ sản phẩm dầu từ các dự án Dung Quất, Nghi Sơn phục hồi. Sang đến năm 2023, khi dự án lọc dầu Long Sơn hoàn thiện sẽ tiếp tục làm tăng nhu cầu vận tải.
Nhập khẩu LPG trong năm 2021 dự kiến sẽ tăng trưởng trên 20% và dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng từ 20 đến 22% đến năm 2025. Nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ vẫn tiếp tục thúc đẩy việc xây dự hệ thống kho chứa. Giai đoạn đến năm 2025, dự kiến có thêm 4 dự án LNG sẽ khởi công, trong đó dự án LNG Thị Vải giai đoạn 2 và LNG Sơn Mỹ giai đoạn 1 do GAS tham gia đầu tư có tính khả thi cao.
Các doanh nghiệp phân bón đang sản xuất và tiêu thụ tốt tạo nhu cầu tiêu thụ khí ổn định trong lĩnh vực này. Nhu cầu tiêu thụ điện, xăng dầu và gas cũng được dự báo sẽ gia tăng trở lại khi kinh tế phục hồi. Các công ty chuyên về xây lắp dự án điện như PXS, PVS có thể sẽ trúng thầu nhiều dự án xây lắp nhà máy. Các công ty hoạt động phân phối khí và xăng dầu được kỳ vọng phục hồi mạnh từ đáy như: PLX, PGS, ASP, CNG…
Những doanh nghiệp dầu khí nào triển vọng trong năm 2022?
Tổng công ty Khí Việt Nam (mã: GAS): Theo MAS lợi nhuận tăng trưởng ngay trong giai đoạn bùng dịch, sản lượng tiêu thụ khí suy giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ điện giảm, cùng các hàng quán kinh doanh phải tạm nghỉ trong quý 3. Tuy nhiên, do giá dầu Brent bình quân trong quý này lại tăng 71%, tương ứng tăng 30.57 USD/thùng so với cùng kỳ 2020, nên lợi nhuận sau thuế của GAS tăng 19% cùng kỳ năm trước.

Kết quả, GAS ghi nhận doanh thu đạt 18.543 tỷ đồng tăng 16.3% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 3,084 tỷ đồng (+18% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.464 tỷ đồng tăng 19% so với cùng kỳ.
Tiến độ đầu tư vượt kế hoạch, nợ vay dài hạn của GAS tăng mạnh. Tổng giá trị giải ngân cho công tác đầu tư xây dụng trong 9 tháng năm 2021 của GAS ở mức cao. Trong đó, công ty mẹ giải ngân 3.546 tỷ đồng, toàn công ty giải ngân vốn đầu tư 3.992 tỷ đồng. Nếu không tính dự án Đường ống khí Lô B-Ô Môn (PVN đang điều hành) thì kết quả giải ngân của công ty mẹ đạt 101% kế hoạch 9 tháng.
Dư nợ vay dài hạn cuối quý 3 tăng gần 5 nghìn tỷ đồng so với đầu năm 2021 lên mức 6.916 tỷ đồng để chuẩn bị bước vào một chu kỳ đầu tư mới. Tổng nhu cầu vốn dự kiến 3.9 tỷ USD cho 4 dự án lớn là Nam Côn Sơn 2 (giai đoạn 2), LNG Thị Vải (giai đoạn 1 và 2), Lô B và LNG Sơn Mỹ.
Với lượng tiền mặt lớn, GAS có thể tiếp tục tham gia góp vốn vào những dự án khí của PVN. Hiện nay, GAS cũng đã tham gia dự án Sư Tử Trắng giai đoạn 2 với số vốn góp 500 triệu USD, tương ứng với 25% cổ phần dự án.
Dự án cũng đã hoàn thành giai đoạn 2A và cung cấp khí cho thị trường từ tháng 6/2021. Việc tiếp tục tham gia góp vốn vào các mỏ khí mới sẽ giúp GAS củng cố thêm vị trí dẫn đầu ngành khí Việt Nam.
Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (mã PVT): MAS dự đoán doanh nghiệp này đang bước vào giai đoạn tăng trưởng. PVT có vị thế là doanh nghiệp vận tải dầu và khí lớn nhất Việt Nam: 100% thị phần vận chuyển dầu thô, 100% thị phần LPG thị trường nội địa, khoảng 30% thị phần dầu sản phẩm. PVT sở hữu đội tàu hiện tại gồm 36 chiếc, đa chủng loại từ tàu dầu thô, tàu dần sản phẩm/hóa chất, tàu LPG và tàu chở hàng rời với trọng tải hơn 1 triệu tấn DWT.

9 tháng đầu năm, PVT đã đầu tư thêm 5 tàu vào trong đội tàu, gồm 1 tàu LPG cỡ siêu lớn (VLGC), 3 tàu chở dầu/hóa chất và 1 tàu chở hàng rời, tổng giá trị đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng. Hiện tại, công ty vẫn đang theo dõi biến động giá tàu VLCC cũ để tiến hành đầu tư 1 tàu chở dầu VLCC cho dự án Nghi Sơn, thay thế cho tàu Pis Pioneer hiện đang thuê của đối tác Hàn Quốc. Mức giá mong muốn của ban lãnh đạo PVT dao động từ 40 đến 60 triệu USD cho khoản đầu tư này.
Mảng hoạt động vận tải dầu thô của PVT chủ yếu phục vụ cho Bình Sơn do nhà máy Nghi Sơn vẫn chưa đi vào hoạt động ổn định. Sang đến năm 2022, khi nhà máy Nghi Sơn vận hành ổn định sẽ giúp đẩy doanh thu mảng hoạt động này tăng trưởng 15%.
10 tháng đầu năm 2021, doanh thu ước đạt 6.100 tỷ đồng, và hoàn thành 102% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 800 tỷ đồng, hoàn thành 160% kế hoạch năm. MAS dự báo năm 2021, PVT sẽ ghi nhận 7,530 tỷ đồng doanh thu và 720 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, tăng trưởng 7.6% so với 2020, EPS tương ứng đạt 2,225 đồng/cổ phiếu.
Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã: PVD): MAS cho biết PVD hiện có 6 giàn khoan. Trong quý 3/2021, tín hiệu khả quan đã xuất hiện khi hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng đạt 88% so với mức 55% cùng kỳ. Diễn biến giá dầu tăng mạnh từ quý 3 và đang xoay quanh mức 70 USD/thùng hiện là yếu tố quyết định đến hoạt động kinh doanh của PVD. Cùng với việc giàn TAD PVD V hoạt động trở lại cho dự án khoan dài hạn tại Brunei, MAS dự báo lợi nhuận doanh nghiệp sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2022.

MAS ước tính công ty PVD sẽ ghi nhận 64 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng 34,7% mức thực hiện năm 2020. Tuy nhiên, trong năm 2022, lợi nhuận sau thuế dự phóng tăng mạnh lên mức 400 tỷ đồng, gấp 6,25 lần cũng là mức cao nhất từ năm 2016.
Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã: PVS): MAS dự báo năm 2021, công ty sẽ ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế khoảng 707 tỷ đồng tăng 13% cùng kỳ. Giai đoạn 2022 – 2023 dự phóng là giai đoạn tăng trưởng mạnh của PVS với mức lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 955 tỷ đồng tăng 35% so với 2021 và 1.653 tỷ đồng tăng 73% so với 2022 với giả định giá dầu sẽ tiếp tục duy trì mức cao kéo theo hàng loạt các dự án lớn được triển khai.

(Nguồn: Theo khối phân tích Mirae Asset Việt Nam)