Trong danh sách doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa tỷ USD tại thời điểm kết thúc tháng 11 do Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) công bố, lần đầu có đến 3 doanh nghiệp trong ngành chứng khoán đã góp mặt trong danh sách này bao gồm SSI, VNDiẻct, Bản Việt (VCSC). Trong tháng 11 cũng chứng kiến đỉnh lịch sử mới của VN-Index được thiết lập ở mức 1.500 điểm cùng phiên giao dịch với kỷ lục thanh khoản vượt 2 tỷ USD.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cao cấp của công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng thời của các công ty chứng khoán đã tới. Ông dẫn chứng giá trị giao dịch chứng khoán mỗi phiên ở mức bình quân 4 nghìn đến 5 nghìn tỷ đồng trước đây, hiện tại đã vượt 30 nghìn tỷ.
Lượng tài khoản mở mới của các nhà đầu tư cá nhân vượt mốc 100 nghìn mỗi tháng, kéo theo tăng trưởng vượt bậc doanh thu phí môi giới cho vay ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán. Trong bối cảnh thị trường chung thuận lợi, các doanh nghiệp cũng sốt sắng phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu để huy động vốn. Những hoạt động này cũng sử dụng dịch vụ của công ty chứng khoán.
Hiện tượng chưa từng xảy ra
Theo ông Phương chia sẻ: “Doanh thu phí môi giới của các công ty cũng tăng tương ứng theo giá trị giao dịch. Lãi cho vay Margin cũng tăng nhanh theo, giúp các công ty tăng biên lợi nhuận. Nhiều công ty chứng khoán đang căng nguồn đã cho vay margin kịch kim và giờ đang khát vốn”.

Ông lấy dẫn chứng thời gian vừa qua, nhiều công ty chứng khoán lớn đang nhanh chóng tìm cách tăng vốn. Thậm chí, có những doanh nghiệp hai lần tăng vốn trong cùng một năm. Đây là điều chưa từng xảy ra trên thị trường. Không những đơn vị lớn, nhiều công ty chứng khoán quy mô nhỏ hơn cũng đang chạy đua theo để tăng vốn.
Song song với đợt tăng vốn lớn dồn dập, lợi nhuận của ngành chứng khoán cũng bùng nổ trong hai năm qua. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tăng bằng lần, sớm vượt kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế của SSI trong 9 tháng đầu năm tăng 94% so với cùng kỳ 2020. Mức tăng trưởng của VNDirect, VCSC, HSC cũng lần lượt đạt 246%, 146%, 135%.
Trong bối cảnh đó, cổ phiếu của nhóm 4 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường cũng tăng từ 90% đến 300% từ đầu năm đến nay. Định giá cổ phiếu của ngành chứng khoán cao hơn so với thị trường khi P/B Hệ số giá trên giá trị sổ sách của cổ phiếu SSI, VNDirect, VCSC, HSC trên dưới 4 lần. Còn P/E của cổ phiếu VNDirect, VCSC, HSC đạt gần 20 lần, riêng SSI lên tới gần 30 lần.
Cũng theo ông Phương, P/E và P/B của cổ phiếu chứng khoán cao hơn mặt bằng chung nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chấp nhận mua vì tiềm năng tăng trưởng của nhóm ngành này. Ông cũng cho rằng khi thị trường sẽ còn tiếp tục diễn biến tích cực ít nhất đến năm 2022 với nhiều yếu tố thuận lợi như dịch Covid-19 dần được đẩy lùi khi tỷ lệ bao phủ vaccine nhanh hơn, nền kinh tế phục hồi với gói hỗ trợ lớn trong năm tới, nhà đầu tư quen thuộc với chứng khoán hơn sau thời gian giãn cách.
Ông Phương dự báo: “Nếu thị trường tiếp tục tăng trưởng, nhà đầu tư tham gia nhiều hơn nữa, các công ty chứng khoán sẽ còn tiếp tục được hưởng lợi, ít nhất trong năm 2022”.
Phía sau cuộc đua thị phần
Trong bối cảnh thị trường thăng hoa, các công ty chứng khoán cùng tăng tốc, cuộc đua đang nóng có lẽ là những con số thị phần. Suốt một quãng thời gian dài, SSI dường như không có đổi thủ trên bảng xếp hạng môi giới cổ phiếu.

Vào quý IV/2020, thị phần môi giới chứng khoán của VPS trên sàn HSX bắt đầu vượt 10%. Ngay sau đó, công ty chứng khoán này đã chính thức gianh ngồi đầu bảng về thị phần môi giới trên sàn HSX với thị phần 13,2 % vào quý 1 năm nay.
Đến quý 3 vừa qua, thị phần của công ty này đã lên đến 16,5%. Trong khi đó, thị phần môi giới của một số công ty lớn như VCSC, HSC thậm chí còn có xu hướng giảm dần trong năm qua.
VPS đã thu hút cả nhà đầu tư mới lẫn khách hàng của các công ty khác thành công nhờ các chính sách miễn, giảm phí giao dịch trong thời gian đầu, hạ lãi suất cho vay Margin xuống mức thấp nhất, có thời điểm chỉ 5 đến 6%. Công ty này cũng chấp nhận trả hoa hồng cao so với mặt bằng chung toàn ngành để thu hút đội ngũ môi giới. Tuy nhiên, dù có lượng khách hàng tăng nhanh chóng, công ty này cũng chấp nhận đánh đổi về tỷ suất sinh lời.

Số liệu trên BCTC trong 9 tháng đầu năm nay cho thấy, dù ghi nhận doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán lên đến hơn 2.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong ngành nhưng VPS cũng phải tiêu tốn đến 1.628 tỷ đồng chi phí cho mảng kinh doanh chính này.
Như vậy, để có 10 đồng môi giới, thì công ty này tiêu tốn đến 8 đồng chi phí. Trong khi đó, tỷ lệ chi phí trên doanh thu môi giới chứng khoán ở các công ty có doanh thu môi giới nghìn tỷ khác như SSI, HSC, VNDirect bình quân chỉ dao động trong khoảng 50-60%.
Nếu xét tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng doanh thu hoạt động, con số mà VPS đạt được chưa đến 10%. Biên lợi nhuận ròng của 4 công ty chứng khoán kỳ cựu kia đã lên tới 30-40%, dù kém VPS về thị phần môi giới. Nhà đầu tư sử dụng dịch vụ của VPS có thể hài lòng nhưng cổ đông của VPS thì chắc chắn sẽ có phần hơi chạnh lòng khi điểm qua những con số thể hiện tỷ suất sinh lời nói trên.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán nằm trong top 10 về thị phần môi giới nhìn nhận rằng những chính sách như miễn phí giao dịch có tính chất “mì ăn liền”. Theo ông, ai khi kinh doanh cũng phải kiếm lợi nhuận nên việc miễn, giảm phí sẽ không tồn tại lâu dài.
Tổng Giám đốc VCSC Tô Hải đã từng chia sẻ rằng, nếu các công ty chứng khoán đều lấy thị phần để làm tiêu chí chạy đua, thì mảng kinh doanh môi giới sẽ không còn mang về lợi nhuận. Chính sách không lấy phí giao dịch, giảm lãi suất sẽ chẳng khác gì việc bỏ tiền ra mua thị phần. Ông cũng nhấn mạnh việc chỉ theo đuổi con số thị phần môi giới sẽ rất khốc liệt. Nhiều công ty đã đổ tiền vào cuộc chơi này vì thị phần là thứ dễ nhìn thấy nhất khi nói đến ngành chứng khoán.
Theo ông Tô Hải, lãi suất cho vay margin giữa các công ty chứng khoán lớn gần như tương đương nhau. Tùy thuộc vào thời điểm, nếu huy động được vốn với chi phí thấp, các công ty có thể sẽ hạ lãi suất một phần. Nhưng khi đã cho vay hết nguồn vốn giá rẻ, công ty chứng khoán cũng không còn dư địa để cạnh tranh bằng lãi suất.
Ông Trương Hiền Phương cũng cho biết, khi nhắc đến công ty chứng khoán, nhiều khách hàng nghĩ đến nghiệp vụ môi giới, nhìn vào thị phần để đánh giá vị trí của công ty chứng khoán đó trên thị trường. Tuy nhiên, do tính cạnh tranh trên thị trường, các công ty chứng khoán đã không thể đặt mức phí giao dịch cao, mà lại còn phải chi hoa hồng cho nhân viên môi giới, nên thực tế biên lợi nhuận từ mảng kinh doanh cốt lõi này rất mỏng, không phải là yếu tố đóng góp chính cho lợi nhuận doanh nghiệp.
Ngoài hai nghiệp vụ chính là vay margin và môi giới, các công ty chứng khoán vẫn còn hai mảng kinh doanh khác bao gồm tự doanh cổ phiếu và ngân hàng đầu tư. Tuy nhiên, thị trường của hai mảng kinh doanh này không chia phần cho tất cả.
Giám đốc phân tích của một công ty chứng khoán vốn ngoại tại Việt Nam cho biết, với nghiệp vụ ngân hàng đầu tư tại Việt Nam, các công ty chứng khoán nước ngoài rất khó để cạnh tranh với những đơn vị trong nước có nhiều kinh nghiệm trong mảng này như VCSC, SSI. Cũng theo ông này, các công ty khác gần như sẽ không có nhiều cơ hội để chen chân vào mảng kinh doanh ngân hàng đầu tư.
Đối với mảng tự doanh, nhiều công ty chứng khoán nước ngoài đã chọn đứng ngoài cuộc vì nguyên tắc tránh xung đột lợi ích với khách hàng. Khả năng mua bán cổ phiếu tự doanh giữa những công ty chứng khoán cũng có sự khác biệt.
Ví dụ như trong quý III vừa qua, VCSC đã kiếm lời gần 300 tỷ đồng từ mảng tự doanh cổ phiếu. VNDirect, HSC thu lợi nhuận khoảng trên dưới 200 tỷ đồng từ nghiệp vụ này. Công ty SHS có thị phần nhỏ hơn cũng thu về được 168 tỷ đồng, FPTS 160 tỷ đồng, ACBS 120 tỷ đồng.

Ngược lại, dù thị trường nhìn chung đang có những diễn biến tích cực, nhiều công ty chứng khoán đã phải nuốt trái đắng với nghiệp vụ tự doanh trong quý 3. Đơn cử như VPS đã lỗ nặng hơn 150 tỷ đồng cho mảng tự doanh quý 3. Trong quý 2, hoạt động tự doanh của công ty cũng báo lỗ lên đến gần 120 tỷ đồng. Chứng khoán Bảo Minh và Bảo Việt cũng đi theo “vết xe đổ” lần lượt lỗ 66 tỷ đồng và 15 tỷ đồng trong quý 3 vừa qua.
Theo ông Phương nhận xét: “Tự doanh cũng giống như con dao hai lưỡi, không phải chắc chắn cứ làm là sẽ có lãi. Nếu như thị trường tốt, bộ phận tự doanh làm tốt thì có lợi nhuận, nhưng ngược lại, khi thị trường đi xuống hai người phụ trách tự doanh của công ty đó không đủ giỏi thì công ty cũng có thể phải trả giá”.
(Nguồn: Tham khảo tư liệu Chứng khoán KIS + VCSC)