Các chuyên gia kinh tế đến từ Ngân hàng Goldman Sachs đã đặt ra bốn khả năng có thể xảy ra đối với nền kinh tế thế giới. Kịch bản xấu nhất trong số đó là một làn sóng lây nhiễm biến chủng Omicron mới xảy ra trong quý 1/2022, khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm còn 2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn 2,5 điểm phần trăm so với dự báo hiện tại. Lúc này, mức tăng trưởng của cả năm 2022 sẽ đạt khoảng 4,2%, thấp hơn 0,4% so với mức dự báo hiện tại. Một kịch bản khác được đưa ra có vẻ nhẹ nhàng hơn là biến chủng mới không đặt ra mối nguy lớn như lo ngại lúc đầu.
Ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào hôm 25/11 cho biết, một biến chủng mới Omicron đã được phát hiện ở miền Nam châu Phi, hàng loạt quốc gia đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, vào thời điểm chuẩn bị bước vào mùa nghỉ lễ cuối năm tại nhiều nền kinh tế hàng đầu. Hàng năm, đây sẽ là khoảng thời gian nhu cầu mua sắm cao, tạo động lực mạnh cho tăng trưởng kinh tế quý 4.
Thị trường tài chính phản ứng với tin xấu bằng những phiên giao dịch “đỏ lửa”. Ba phiên bán tháo ngày 26/11, 30/11 và 1/12 đã khiến chỉ số Dow Jones của chứng khoán Mỹ mất tổng cộng khoảng 2.000 điểm.
Các ngân hàng trung ương “đứng ngồi không yên” vì biến thể Omicron
Omicron xuất hiện đúng vào thời điểm nhiều ngân hàng Trung ương đang có kế hoạch rút lại các chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo thời đại dịch Covid-19. Sự dịch chuyển này diễn ra không phải vì phục hồi kinh tế đã diễn ra vững chắc, mà bởi giá cả trên toàn cầu liên tục leo thang trong nhiều tháng qua, lạm phát tăng cao, đồi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải tính đến thắt chặt sớm hơn dự kiến để chống lại sức ép lạm phát hiện nay.
Biến chủng mới xuất hiện khiến nhiều nhà đầu tư ở nhiều thị trường cho rằng, các ngân hàng trung ương sẽ lùi kế hoạch rút lại chính sách nới lỏng tiền tệ, vì nếu biến chủng mới khiến đà phục hồi bị đảo lộn, thì việc thắt chặt vào lúc này không khác gì “bồi thêm” một đòn nữa vào nền kinh tế.
Tuy nhiên, sức ép lạm phát ngày càng lớn hơn nếu Omicron dẫn tới việc các quốc gia phải áp dụng lệnh hạn chế mới ở các trung tâm sản xuất lớn như Trung Quốc, sẽ làm nghiêm trọng thêm việc gián đoạn chuỗi cung ứng và gia tăng tình trạng thiếu lao động.
Các chỉ số gần đây đều cho thấy độ nóng ngày càng tăng cao của lạm phát tại các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong khi tăng trường đang yếu đi.

Số liệu từ châu Âu ngày 30/11 cho thấy, lạm phát ở khu vực Eurozone trong tháng 11 cao nhất 24 năm. Trong quý 3, GDP của Eurozone tăng 2,2% so với quý 2, một mức tăng mạnh và cho thấy đà phục hồi mạnh sau khi nền kinh tế khu vực sụt giảm 6,3% trong năm ngoái. Tuy nhiên, từ khi biến chủng mới xuất hiện ở châu Âu đã khiến cho khu vực này lại đối mặt với nguy cơ suy giảm tăng trưởng do làn sóng lây nhiễm Covid-19 tăng cao, ập kỷ lục tại một số quốc gia như Đức.
Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số chi tiêu cá nhân (PCE) – hai thước đo lạm phát hàng đầu đều đạt mức cao nhất hơn 3 thập kỷ trong tháng 10 vừa qua. Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 của Mỹ chỉ đạt 2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,7-2,8% mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Ở Trung Quốc, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10 tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng mạnh nhất kể từ giữa thập niên 1990. Trong khi đó, việc theo đuổi chiến lược “Zero Covid” đang đặt ra nguy cơ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm sâu. Trong quý 3 vừa qua, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 4,9% giảm mạnh từ con số tăng 7,9% đạt được trong quý 2.
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron chỉ khiến Trung Quốc càng kiên định với cách chống dịch nghiêm ngặt hiện nay. Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của UBS Group, bà Wang Tao, cho rằng các biện pháp chống dịch như vậy có thể cản trở tiêu dùng và khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc độ nhanh hơn, trong bối cảnh nền kinh tế nước này vốn dĩ đã giảm vì cuộc khủng hoảng điện vừa qua và chiến dịch kiểm soát nợ trong ngành bất động sản.
Theo bà Wang, tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể giảm chỉ còn 4% trong năm tới, từ mức dự báo hiện tại là tăng 5,4%, nếu các lệnh hạn chế chống Covid-19 như hiện nay tiếp tục kéo dài sau Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng 2/2022.
Trong bối cảnh như vậy, các ngân hàng trung ương lớn đứng trước sự lựa chọn khó khăn: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải xem xét quyết định có nên đẩy nhanh việc cắt giảm chương trình mua tài sản. Hay tại Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đang cân nhắc việc tăng lãi suất, và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể phải bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell dường như đã đưa ra lựa chọn của mình trong hai buổi điều trần mới đây trước Uỷ ban Ngân hàng thuộc Thượng viện. Ông cho biết, Fed sẽ tập trung vào việc kiểm soát lạm phát thay vì lo lắng về ảnh hưởng của biến chủng mới với tăng trưởng kinh tế.

Ngày 1/12, ông Powell nói rằng Fed cần chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với khả năng lạm phát có thể không giảm trong nửa sau của năm 2022 như các dự báo hiện nay nhận định. Trong buổi điều trần ngày 30/11 trước đó, ông nói Fed sẽ bàn về việc đẩy nhanh tiến độ cắt giảm chương trình mua tài sản trong cuộc họp vào tháng 12 và ông đã ngừng sử dụng từ “tạm thời” để nói về lạm phát ở Mỹ.
Nguy cơ suy thoái kèm lạm phát của nền kinh tế toàn cầu
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sẽ phụ thuộc vào việc các nhà khoa học sẽ phát hiện được điều gì về biến chủng Omicron, bao gồm việc biến chủng này có dễ lây không và có khả năng kháng vaccine hay không.
Điều tồi tệ nhất lúc này là biến chủng Omicron đang buộc các quốc gia tái áp đặt lệnh phong tỏa khiến gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và phá hỏng sự phục hồi kinh tế còn mong manh. Trong trường hợp đó, thế giới có thể sẽ rơi vào suy thoái kèm lạm phát – tình trạng kết hợp giữa lạm phát tăng mạnh và tăng trưởng giảm tốc.
“Thế giới hiện chưa rơi vào cảnh suy thoái kèm lạm phát”, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Natitxis SA, bà Alicia Garcia Herrero, nhận định trên Bloomberg. “Nhưng nếu thêm một năm đóng cửa biên giới và gián đoạn chuỗi cung ứng, chúng ta có thể bị đẩy vào tình trạng đó”.
Trong khi đó, sau 2 năm ứng phó đại dịch, các lựa chọn chính sách còn lại của các ngân hàng trung ương là điều không nhiều. Đến nay mới chỉ có một vài ngân hàng trung ương đã thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ và lãi suất cơ bản tại các nền kinh tế phát triển vẫn ở ngưỡng gần 0, điều này đồng nghĩa với dư địa hạn hẹp để giải cứu nền kinh tế thêm một lần nữa. Chưa kể các chính phủ đang phải gồng gánh một lượng nợ lớn dẫn đến dư địa hành động bằng chính sách tài khóa cũng không có gì rộng rãi.

Một số chuyên gia với cái nhìn lạc quan cho rằng, ảnh hưởng của biến chủng Omicron đối với kinh tế toàn cầu ngay cả trong trường hợp xấu nhất cũng sẽ không nghiêm trọng như suy thoái 2020. Cơ sở của nhận định này là chính phủ nhiều quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc, hiện đều cho thấy không muốn phong tỏa trở lại. Tỷ lệ tiêm chủng tiếp tục tăng lên của thế giới, giúp các quốc gia có thể linh hoạt hơn trong công tác chống dịch, từ đó gây thiệt hại ít hơn đến tăng trưởng.
“Các doanh nghiệp và hộ gia đình đã thích nghi được với hạn chế và phong toả, nên tác động sẽ không nghiêm trọng như trước đây”, ông Rob Subbaraman, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu của Nomura Holdings Inc. nhận xét.
(Nguồn: Theo Bloomberg)