Xu hướng đánh sóng theo “phím hàng” trên mạng
Hiện tượng Gamestop rúng động thị trường chứng khoán Mỹ hồi đầu năm 2021 đã lắng xuống, nhưng nó cũng đánh dấu một hiện tượng mang tính toàn cầu đối với thị trường tài chính, làn sóng “phím hàng” qua mạng Internet.
Sự liên kết của các nhà đầu tư cá nhân đã giúp cổ phiếu của hãng bán lẻ trò chơi Gamestop – một doanh nghiệp thua lỗ trong thời gian dài và được dự báo không có lãi trước năm 2023 đã tăng giá cổ phiếu điên rồ, từ mức 18 USD/cổ phiếu hồi đầu năm lên mức đỉnh 347,51 USD/cổ phiếu vào ngày 26/1/2021.

Đến phiên giao dịch ngày 28/1/2021, cổ phiếu của hãng bán lẻ trò chơi điện tử này giảm 44%, rớt xuống còn 193,60 USD/cổ phiếu, nhưng nó vẫn đạt mức tăng 928% so với thời điểm đầu năm.
Với sự bùng nổ số lượng nhà đầu tư mới ở các thị trường, nhiều loại tài sản, không riêng gì cổ phiếu đang được giao dịch một cách ồ ạt bởi các cộng đồng mạng. Cộng đồng đó có thể là một diễn đàn hay một nhóm hội trên mạng, có thể là một trào lưu chế meme mới, hay chỉ đơn giản là các nhà đầu tư theo dõi một cá nhân nào đó.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng đã từng có những cổ phiếu được giao dịch đột biến chỉ đơn giản vì nhà đầu tư đặt kỳ vọng khi theo dõi tài khoản Facebook cá nhân của một vị lãnh đạo doanh nghiệp. Để rồi sau khi cổ phiếu lập đỉnh, những cổ phiếu này lao dốc không phanh, mất tới 60 – 70% giá trị.
Việc nhà đầu tư mua theo cổ phiếu mà những kênh Youtube, Facebook được nhiều người theo dõi khuyến nghị đã trở thành bình thường. Những biệt danh quen thuộc, dễ gọi, dễ nhớ và có phần vui vẻ khiến các quan điểm của những “nhà đầu tư huyền thoại”, “thầy”, “chuyên gia”… này được bàn tán và vô hình trung được lan truyền rộng rãi.
Trong thời đại công nghệ 4.0, mạng xã hội được sử dụng rộng rãi, các nguồn kể trên là nguồn tin tham khảo quan trọng của nhà đầu tư. Không thể phủ nhận sự sáng tạo, tâm huyết và những nỗ lực của nhiều người làm nội dung số, giúp chứng khoán dễ tiếp cận hơn với nhà đầu tư mới.
Tuy nhiên, sự bùng nổ của các “chuyên gia chứng khoán mạng” cũng có nhiều mặt tiêu cực. Nhiều nguồn tin được xây dựng với nội dung sai lệch hoặc nhằm hướng tới mục đích định hướng đám đông cho những mục đích không tốt tạo nên những xu hướng đầu tư rủi ro trên thị trường.
Kỳ vọng của nhà đầu tư mới
Dòng tiền lớn của nhà đầu tư mới đang chảy mạnh giúp VN-Index vừa qua đã chạm mức 1.500 điểm. Dòng tiền luôn rất mới lạ mà chỉ khi bản thân bạn đặt vào vị trí của nhà đầu tư F0 mới có thể hiểu được.
Khoảng thời điểm giữa năm, sau mùa đại hội cổ đông, một trong những trào lưu nổi bật trên thị trường là nhiều nhà đầu tư săn lùng các cổ phiếu được chia cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tại thời điểm ấy, một trong những lý do giúp những cổ phiếu này hút dòng tiền đến vậy là việc nhiều nhà đầu tư chưa biết đến giá cổ phiếu được điều chỉnh khi doanh nghiệp tiến hành chia cổ tức, chia thưởng cổ phiếu. Nhưng điều đó là sự thật, đã có rất nhiều nhà đầu tư nghĩ như vậy.
Như mình đã nhắc đến ở trên, làn sóng chơi cổ phiếu bằng việc theo dõi một cá nhân hoặc đội nhóm nào đó nở rộ. Nhiều nhà đầu tư đã quên đi yếu tố nội tại của doanh nghiệp, cứ thấy cổ phiếu tăng là được.
Khi nhiều cổ phiếu tăng quá nóng theo những room phím hàng, tương đồng với sự kiện Gamestop, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã phải lên tiếng sẵn sàng vào cuộc kiểm tra, thanh tra các trường hợp nghi vấn. Sau đó, hiện tượng này đã giảm và không diễn ra một cách tràn lan, nhưng hiện tại vẫn còn rất nhiều trên mạng xã hội.
Những “trận đánh lớn”, “siêu cổ phiếu”… vẫn thu hút được rất nhiều nhà đầu tư mới, dù nền tảng của các công ty phát hành cổ phiếu trong những lời hô hào đó vẫn là một dấu hỏi lớn.
Trong quý 4, khi thị trường chứng khoán chứng kiến ngưỡng lịch sử mới, thì lại xuất hiện một làn sóng lạ tiếp theo, đó là sóng các cổ phiếu dưới mệnh giá. Lý do xuất hiện làn sóng này là khi thị trường vượt đỉnh, mặt bằng giá cổ phiếu được đẩy lên cao, các cổ phiếu ở dưới mệnh giá lại càng rẻ. Sự thật khi tiếp xúc với một lượng lớn khách hàng mới, suy nghĩ đó cũng rất phổ biến.
Hiệu ứng tâm lý “neo vào thị giá” không phải là lạ, nhiều nhà đầu tư mới thường bỏ qua các cổ phiếu có thị giá cao. Đối với cổ phiếu có thị giá thấp, nhiều nhà đầu tư cá nhân thích giao dịch hơn vì cảm giác giao dịch được với số lượng lớn hơn. Và khi so sánh các công ty trong cùng ngành, khi họ không biết nhiều hoặc bỏ qua các chỉ số tài chính quan trọng, thì cảm giác công ty có giá thấp hơn là rẻ và hấp dẫn hơn.
Quan trọng là nhà đầu tư kiếm được gì trước khi tuột sóng?
Để nhìn lại cơn bão cổ phiếu dưới mệnh giá lớn đến mức độ như thế nào, hãy thử thống kê các cổ phiếu dưới mệnh giá khi bắt đầu quý IV/2021 có thanh khoản giao dịch tốt, trung bình lớn hơn 500.000 cổ phiếu/phiên. Có khoảng 60 – 70 cổ phiếu như vậy.

Cùng làm một phép lọc đơn giản tương tự, ở thời điểm hiện tại, chỉ còn khoảng 35 đến 40 cổ phiếu, trong khi khối lượng tăng mạnh. Điều đó có nghĩa là đã có gần một nửa trong số ấy đã tìm được đường vượt mệnh giá.
Cụ thể hơn, từ đầu quý IV đến nay, trong số các cổ phiếu dưới mệnh giá nêu trên, gần như không có cổ phiếu nào có mức sinh lợi âm. Phổ biến các cổ phiếu này đã tăng từ 50 – 100%, nhiều cổ phiếu còn tính tăng bằng lần.
Khi thị trường hưng phấn như hiện tại, đương nhiên các cổ phiếu dưới mệnh giá đều có những vấn đề của riêng mình. Nhiều cái tên từng được nhiều nhà đầu tư biết đến, nhưng trải qua giai đoạn khó khăn khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì tình hình tài chính và hiệu quả kinh doanh đã lâm vào cảnh thua lỗ. Theo thống kê, phần đông trong số này có kết quả kinh doanh thua lỗ và gần như không có cổ phiếu nào ROE quá 10%.
Trong cơn bão tăng giá ấy, một góc nhìn khác khá thú vị khi được trao đổi với một vài cổ đông lớn và đương nhiên hiểu rất rõ về doanh nghiệp của mình. Chính bản thân họ cũng không thể lý giải được đà tăng của cổ phiếu vì thừa nhận doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt. Bất kỳ động thái bán ra nào cũng hầu như bị các nhà đầu tư nhỏ lẻ cướp hàng.
Dòng tiền luôn đúng và khi tiền khỏe thì giá phải theo, đó là nguyên tắc mà khó có thể bàn cãi. Đầu cơ là một phần khi thị trường đang hưng phấn và không thể tránh khỏi.
Nhà đầu tư đang lùng sục các cổ phiếu dưới mệnh giá để kỳ vọng vượt mệnh, lành sóng đó đang chảy. Kết cục của trò chơi này như bao lâu nay ai cũng hiểu, sóng lớn tràn vào bờ thì mọi thứ sẽ trở về như ban đầu. Nhưng từ giờ đến lúc đó, nhà đầu tư vẫn nhiệt tình tham gia.
Mối quan tâm lúc này là khi nào trò chơi kết thúc và cho đến lúc đó, kiếm được bao nhiêu tiền mà thôi.
Câu chuyện nằm sàn liên tục của các cổ phiếu SJF hay TNI trong tuần qua lại bổ sung thêm ví dụ về những rủi ro mà nhà đầu tư cá nhân đua theo cổ phiếu đầu cơ. SJF – cổ phiếu trong diện bị cảnh báo vì lợi nhuận sau thuế năm 2020 là số âm, và kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm thua lỗ, đã tăng giá hàng chục lần trong vòng 4 tháng qua.
Cổ phiếu TNI sau giai đoạn tăng trần liên tiếp đã có 3 phiên nằm sàn. Các nhà đầu tư thoát ra trước đó đã có mức sinh lời lớn, nhưng những ai trót mua vào ở vùng giá đỉnh thì cay đắng nhìn cổ phiếu rơi và không thể cắt lỗ vì trắng bên mua.
Tương tự cổ phiếu SJF từ vùng giá 3.000 đồng/cổ phiếu, SJF đã đạt mức 24.100 đồng/cổ phiếu vào cuối tuần trước nữa. Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng trần liên tục, tới thứ Sáu tuần qua, cổ phiếu này đã có 5 phiên giảm kịch sàn liên tiếp với dư bán sàn khối lượng lớn.