Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) mới đây đã công bố báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán năm 2022.
Theo đó, tăng trưởng GDP năm 2022 được VCBS dự báo đạt 6,8%-7,2%, rủi ro tăng trưởng phục hồi khá mong manh trước làn sóng dịch bệnh. Lạm phát có thể chịu áp lực nhất định, tuy nhiên vẫn nằm trong khả năng kiểm soát, dự báo lạm phát có thể tăng lên 4% đến 4,5% cho cả năm 2022. VND có thể sẽ giảm giá tương đối so với đồng USD, mức biên động không quá 2% bắt nguồn từ các diễn biến trên thị trường quốc tế. Mặt bằng lãi suất huy động có thể sẽ đi ngang trong biên độ hẹp. Áp lực tăng, nếu có được dự báo là không lớn.
Mặt bằng giá cổ phiếu đẩy lên cao, VN-Index có thể cán mốc 1.580 đến 1.600 vào năm 2022
Đối với thị trường chứng khoán, VCBS đưa ra các dự báo dựa trên kịch bản trong năm 2022 nền kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng kinh tế như giai đoạn trước dịch, nhưng đi cùng với mức lạm phát cao. Lãi suất có thể tăng nhẹ nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp nhờ thanh khoản dồi dào của hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh ấy, thị trường chứng khoán vẫn sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn, nhất là với các nhà đầu tư cá nhân. Dòng vốn từ các nhà đầu tư trong nước vẫn có sự tăng trưởng nhất định trong năm 2022, tuy nhiên sẽ có phần nào đó giảm hào hứng hơn so với năm 2021, bởi mặt bằng giá cổ phiếu ở giai đoạn cuối năm 2021 nhìn chung đã được đẩy lên mức cao hơn khá nhiều so với đầu năm 2021, và cùng với đó là sự phục hồi chung của nền kinh tế cũng đã mở ra thêm những lựa chọn đầu tư khác cho nguồn vốn nhàn rỗi.

Theo đó, VCBS dự báo mức cao nhất trong năm 2022 của chỉ số VN-Index có thể lên đến 1.580 – 1.600 điểm, tương đương với mức tăng khoảng 6-8% so với mức đỉnh của năm 2021.
Hệ thống giao dịch mới của HSX đã được chính thức đưa vào vận hành kể từ tháng 7/2021 đã dần dỡ bỏ được việc tắc nghẽn về thanh khoản khớp lệnh trên sàn HSX. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là thanh khoản trên thị trường cũng sẽ khó có thể ghi nhận một mức tăng mạnh mẽ như trong giai đoạn nửa cuối năm 2021.
Dù vậy, VCBS cũng đưa ra dự báo rằng, xu hướng tăng trưởng về thanh khoản sẽ vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2022. Cụ thể, khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2022 được dự báo sẽ tăng nhẹ so với năm 2021 và đạt bình quân hơn 1 tỷ cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn, tương ứng với mức tăng khoảng 8-10%. Giá trị giao dịch trung bình trong năm 2022 sẽ tăng trưởng 17-20% so với năm 2021, tương ứng với giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt khoảng 28.000-30.000 tỷ đồng một phiên trên cả ba sàn.
Nhà đầu tư phải “Đãi cát tìm vàng” trong năm 2022
VCBS nhấn mạnh đến chiến lược đãi cát tìm vàng khi nói đến việc gợi ý đầu tư cho năm 2022. Theo đó, dịch bệnh Covid-19 đã khiến nền kinh tế Việt Nam rơi vào một giai đoạn đầy biến động, xét cả về nội tại nền kinh tế Việt Nam cũng như bối cảnh nền kinh tế trên thế giới.
Chính phủ nước ta đã và đang triển khai nhiều biện pháp để vừa phục hồi nền sản xuất trong bối cảnh bình thường mới, vừa thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng đang định hướng lại nền kinh tế hướng đến mục tiêu tăng trưởng thân thiện hơn với môi trường cũng như phục vụ số đông người dân tốt hơn.
Trong bối cảnh ấy, VCBS kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đối diện với mức độ biến động cao trong năm 2022 với nhiều con sóng tăng ngắn đan xen với các cú sốc giảm giá, dù xu hướng chung vẫn là đang đi lên.
VCBS cho rằng, sự phân hóa giữa các cổ phiếu – bắt đầu trong quý 4/2021- sẽ tiếp tục gia tăng. Vì vậy, những cơ hội đầu tư trong năm 2022 sẽ cần có nhiều sự chọn lọc hơn và đi sâu hơn vào từng công ty niêm yết dựa trên kết quả kinh doanh cũng như những triển vọng tăng trưởng trong bối cảnh “Bình thường mới” của từng doanh nghiệp cụ thể.
Gợi ý đầu tư mà VCBS đưa ra trong năm 2022
Các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung của ngành, đặc biệt là các ngân hàng có quy mô nhỏ. Những doanh nghiệp bất động sản có lợi thế về quỹ đất và nguồn lực tài chính, đồng thời có mục tiêu tăng trưởng rõ ràng trong năm 2022.


Một số doanh nghiệp bán lẻ phục vụ nhu cầu mua sắm sẽ phục hồi trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội và thích nghi với “bình thường mới”.
Nhóm doanh nghiệp nằm trong chuỗi giá trị của các ngành gắn liền với hoạt động khai thác tài nguyên trong nước như: Xi măng, dầu khí, khai thác, chế biến kim loại…
Ngoài ra, cũng sẽ có một vài cổ phiếu vốn hóa lớn có thể đóng vai trò dẫn dắt xu hướng của chỉ số chung trong một số giai đoạn nhất định với những sóng tăng ngắn.
Các ngành triển vọng trong năm 2022
Ngành ngân hàng:
VCBS cho rằng, nhu cầu tín dụng duy trì tích cực, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 13-14% năm 2022. Nhóm ngành ngân hàng có hệ số CAR cao và có mô hình hoạt động năng động sẽ tiếp tục được cấp mức room tín dụng cao hơn so với trung bình ngành.
Nợ xấu và nợ tái cơ cấu phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh trong nước. Trong kịch bản cơ sở, VCBS được dự báo tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tăng lên khi nợ tái cơ cấu tới thời hạn trả, tỷ lệ nợ tái cơ cấu sẽ giảm nhanh kể từ quý 4 này.
Lợi nhuận trước thuế vẫn tăng trưởng tích cực trong năm 2022, tuy nhiên, sẽ có mức độ phân hóa rõ nét với tiềm năng thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân tiếp tục hạ được chi phí vốn. Các ngân hàng có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên 20% bao gồm: MBB, TPB, BID, TCB, MSB.
Giá cổ phiếu ngân hàng năm 2022 kỳ vọng có sự phân hóa mạnh mẽ theo tốc độ tăng trưởng và câu chuyện riêng. Cổ phiếu ngân hàng VCBS khuyến nghị mua gồm OCB, TCB, MBB, BID, MSB.
Ngành điện:
Điện than gặp khó khăn khi các tổ chức quốc tế đang không còn hỗ trợ vay vốn nhưng vẫn duy trì được quy hoạch ở mức tỷ lệ cao. Các dự án mới đều phải dùng nguồn than nhập khẩu và phát thải rất cao. Tuy nhiên, sẽ được điều chỉnh lại trong thời gian tới theo hướng chỉ phát triển các dự án có sẵn hoặc các dự án có công nghệ tân tiến nhất.
Quy hoạch điện 8 đề cao vai trò của năng lượng tái tạo (gió, điện mặt trời) với 40% công suất nguồn năm 2030 và 43% năm 2045 khi các nguồn khác còn ít tiềm năng khai thác. Từ giờ tới 2030 hầu như không phát triển thêm điện mặt trời, chủ yếu phát triển điện gió.
Về dài hạn, VCBS cho rằng, ngành điện sẽ có sự phân hóa về ngắn hạn, các công ty tận dụng được chu kỳ La Nina, El Nino, các công ty vận hành kịp thời các dự án điện gió trong năm 2021. Về dài hạn, các công ty phát triển dự án, thầu xây lắp cho các dự án điện LNG, năng lượng tái tạo và đặc biệt là điện gió ngoài khơi.
Dựa theo cơ sở đánh giá ấy, VCBS lựa chọn cổ phiếu HND và QTP trong năm 2022 với kỳ vọng đưa tăng cường huy động công suất các nhà máy nhiệt điện phía Bắc do thiếu hụt điện năng lượng trong năm 2022.
Ngành dầu khí:
Theo dự phóng EIA, các nhà sản xuất dầu thô thế giới sẽ chấm dứt việc duy trì nguồn cung thấp hơn nhu cầu dầu thô kể từ 2022. EIA và OPEC cũng đã dự phóng tốc độ tăng trưởng tiêu thụ dầu mỏ sẽ chậm lại trong 2022 khi mà 2021 nhu cầu hồi phục đã rất mạnh.
Chính sách tiền tệ đã thay đổi và rủi ro lạm phát tăng mạnh, sẽ tạo áp lực lên các nhà sản xuất tăng cường sản lượng nhằm hạ thấp giá dầu trên thế giới. Do đó, VCBS dự phóng giá dầu trong năm 2022 sẽ trung bình ở mức 60 – 65 USD/ thùng.
Về dài hạn, nhu cầu tiêu thụ dầu thô cho lĩnh vực vận tải sẽ vẫn chiếm hơn 65% tổng nhu cầu trên toàn thế giới. Trong khi mà xu hướng xe điện đang ngày một tăng trưởng mạnh với tốc độ luôn ở mức 2 con số mỗi năm. Sự thành công của ngành vận tải sạch sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu.
Ngoài ra, sự bùng nổ của ngành năng lượng tái tạo tại các quốc gia đang phát triển cũng đang là tiền đề để xu hướng xe điện phát triển tại các nước trong khu vực này. Do đó, VCBS dự phóng giá dầu trong dài hạn vẫn trong xu hướng giảm.
Ngành bất động sản
VCBS đánh giá nhu cầu nhà ở và thị trường bất động sản sẽ duy trì triển vọng tích cực và còn nhiều dư địa tăng trưởng trong các năm tới. Đặc biệt, thị trường bất động sản tại các tỉnh thành được dự báo sẽ ghi nhận sự bùng nổ trong các năm tới do quá trình phát triển công nghiệp và thu hút nguồn vốn FDI thúc đẩy phát triển kinh tế và cơ hội việc làm tại các địa phương. Các doanh nghiệp bất động sản có uy tín, sở hữu nguồn lực lớn tại các địa bàn nhờ am hiểu thị trường, nhiều khả năng tích lũy quỹ đất tại các vị trí thuận lợi với giá vốn rẻ. Các doanh nghiệp BĐS đã đi trước về chiến lược phát triển tại các tỉnh thành và tích lũy được nguồn quỹ đất lớn tại địa phương.
(Nguồn: Khối phân tích VCBS)