Trong Hội nghị của Bộ giao thông Vận tải mới đây, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ có giải pháp đổi mới trong thủ tục đầu tư, bố trí nhân lực để xây dựng kế hoạch, hoàn thành thủ tục khởi công dự án cao tốc trong năm 2022, từ đó là tiền đề để kịp hoàn thiện các dự án trong năm 2025.
Theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, 11 dự án cao tốc giai đoạn 1 đã được Quốc Hội thông qua từ năm 2017, tuy nhiên mất đến 4 năm ngành giao thông mới hoàn thành được thủ tục đầu tư công. Nếu vẫn tiếp tục như vậy, Phó thủ tướng cho rằng kết thúc nhiệm kỳ năm 2020 – 2025 thì chỉ khởi công được 12 dự án chứ không thể hoàn thành tất cả. Do vậy, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Giao Thông vận tải nhanh chóng đưa ra giải pháp cụ thể, tháo gỡ những vướng mắc và trình lên cho Chính phủ để kịp xử lý.
“Đây là nhiệm vụ quan trọng để thông suốt toàn tuyến cao tốc Bắc Nam vào năm 2025”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định. Đây được coi là thông tin đáng mừng đối với nhóm ngành vật liệu xây dựng đặc biệt nhóm thượng nguồn hưởng lợi từ câu chuyện đầu tư công.
Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng đầu tư công chính là đầu tàu kéo nhóm ngành vật liệu xây dựng trong giai đoạn tới.
Giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 15 đến 25% so với giải ngân thực tế năm 2021 nhờ nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới. Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng được dự báo giảm trong năm tới và tạo điều kiện đầu tư công diễn ra tích cực hơn. Trong bối cảnh giá leo thang trong năm 2021 đã khiến cho việc giải ngân đầu tư công thực tế vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 85% đến 95% kế hoạch cả năm.

Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã hoàn thành công tác chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và sẽ bắt đầu thi công các hạng mục chính vào năm 2022 sẽ khiến cho nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao, qua đó cải thiện tình hình doanh thu, lợi nhuận các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Ngành nhựa đường
VNDIRECT đánh giá cụ thể hơn các doanh nghiệp nhựa đường sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ, và giai đoạn 2022-2023 sẽ là thời điểm ghi nhận lợi nhuận của nhóm này nhờ việc rải nhựa đường thường diễn ra trong giai đoạn sau của các dự án xây dựng đường.

Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex – CTCP (PLC) doanh thu nhựa đường đã tăng mạnh trong giai đoạn 2014-2015, khi giải ngân vốn đầu tư công vào hạ tầng giao thông tăng mạnh. Đến giai đoạn 2016-2019, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng giảm nhiệt cũng là khi doanh thu mảng này của PLC giảm khoảng 50% so với giai đoạn trước.
Theo đó, với vị thế chiếm khoảng 30% thị phần nhựa đường trong nước trong giai đoạn 2015-2020, PLC được đánh giá cao có thể dành được các hợp đồng nhờ vào hệ thống nhà kho lớn, phân bổ rộng khắp và sở hữu mối quan hệ lâu năm với các doanh nghiệp nhà nước, thường xuyên hoàn thành tốt các hợp đồng.
Ngành đá xây dựng
Đối với ngành đá xây dựng, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá giao đến công trường có thể cao gấp đôi giá đá tại mỏ. Do đó, VNDirect tin rằng những doanh nghiệp niêm yết sở hữu những mỏ đá nằm gần các dự án cao tốc sẽ được ưu tiên huy động nhờ sở hữu lợi thế và chất lượng sản phẩm.
Ước tính các dự án hạ tầng lớn ở phía Nam gồm cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, Phan Thiết-Dầu Giây sẽ cần từ 30 đến 32 triệu m3 đá xây dựng trong giai đoạn 2020-2025, tương đương 150% đến 160% công suất khai thác được cấp phép của các doanh nghiệp niêm yết trong ngành. Theo đó, các doanh nghiệp đang sở hữu những mỏ đá chất lượng cao ở vị trí tốt sẽ là nguồn cung cấp chính nhất là cụm mỏ Tân Cang và Thiện Tân do 4 công ty gồm: CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu Xây dựng Biên Hòa (VLB), CTCP Hóa An (DHA), CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), CTCP Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Đồng Nai (DND) sở hữu.

Dự án trọng điểm này sẽ là động lực thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp đá xây dựng trong năm 2022-2023.
Ngành thép xây dựng
Ngành thép được VNDirect được đánh giá khá tích cực trong năm 2022. Đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và sự nóng lên của thị trường bất động sản nhà ở sẽ giúp sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam tăng 10 đến 15% so với chu kỳ trong năm tới. Tương tự, sản lượng tiêu thụ tôn mạ của Việt Nam cũng sẽ tăng nhẹ 5% vào năm 2022 từ mức cao là 39% trong năm nay.
Ngoài thị trường trong nước, triển vọng về mảng xuất khẩu thép khi nhu cầu thép thế giới sẽ tăng đáng kể từ đó kích thích các nhà sản xuất thép Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường lớn.
Về yếu tố giá, VNDirect cũng dự báo giá thép xây dựng của Việt Nam sẽ đạt 15.500 đồng/kg vào năm 2021 (38%) trước khi giảm xuống mức 14.300 đồng/kg -13.600 đồng/kg vào năm 2022-2023, giảm lần lượt 8% đến 5% so với cùng kỳ năm 2020.

Tập đoàn thép Hòa Phát (HPG) được VNDirect dự đoán mức tăng trưởng kép doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt là 12%/9% trong giai đoạn 2022-2025 nhờ vào nhu cầu xây dựng mạnh mẽ. Trung trung hạn, VNDirect nhận thất các động lực tăng giá bao gồm đóng góp tốt hơn của mỏ quặng mới kết quả kinh doanh cũng tốt hơn của mảng kinh doanh mới là sản xuất Container và điện máy gia dụng và kế hoạch mua cổ phiếu quỹ.
Tuy nhiên, không phải là không có rủi ro tại nhóm ngành vật liệu xây dựng, xuất phát từ đà tăng nóng của giá vật liệu xây dựng, nếu quá nóng sẽ buộc Chính phủ phải sử dụng các biện pháp thuế xuất – nhập khẩu để hạ nhiệt giá. Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào cao hơn kỳ vọng cũng sẽ khiến biên lợi nhuận gộp của ngành giảm sút.
(Nguồn: Theo khối phân tích VNDirect)