Dịch bệnh Covid-19 trong hai năm qua đã tác động tiêu cực đến đời sống, kinh tế xã hội. Nhiều doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh và nguy cơ nợ xấu ngân hàng, lạm phát và bong bóng tài sản. Mặc dù vậy, hiện vẫn ghi nhận những điểm tích cực, tinh thần lạc quan từ phía những người dân, doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán, bất động sản vẫn giao dịch sôi nổi, nhà đầu tư vẫn đang lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế.
Giới đầu tư cũng đang kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế hơn 800 nghìn tỷ sẽ được triển khai trong giai đoạn sắp tới. Những thông tin hữu ích về quỹ hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được công bố sẽ tạo ra một cú hích lớn đối với thị trường bất động sản.

TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: “Đại dịch Covid-19 đang gây ra một cuộc khủng hoảng kép trên toàn cầu bắt đầu là khủng hoảng y tế và kéo theo đó chính là khủng hoảng kinh tế – xã hội nghiêm trọng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì đại dịch này cũng đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận cách thức phát triển. Các chính sách phản ứng có khác biệt nhưng nhìn chung chưa có trong tiền lệ”.
Ông cũng cho biết, các gói hỗ trợ của Nhà nước khá nhỏ so với mức trung bình của thế giới. Trong năm nay, việc thực thi có tốt hơn nhưng lại thiếu tính quyết liệt. Tỷ lệ tiếp cận được hỗ trợ của nhà nước từ phía người lao động, doanh nghiệp còn thấp. Đối với mỗi gói có một tỷ lệ khác nhau. Đồng thời, do quá bận rộn với việc chống dịch nên tiến trình cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế, ví dụ như cải cách doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn có phần chậm và bị trùng xuống.
“Trước khó khăn đó, chúng ta đang xây dựng chương trình thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế. Chương trình kích thích kinh tế phải có quy mô đủ liều, diện hỗ trợ đủ rộng (phòng chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động và an sinh xã hội, thu hút nguồn lực và phát triển kết cấu hạ tầng), tập trung hơn vào một số ngành chịu thiệt hại có khả năng phục hồi và tạo sức lan tỏa tốt”, ông Thành chia sẻ.
Chương trình hỗ trợ sẽ kéo dài 2 năm 2022-2023, trong phần thực thi bên cạnh sự quyết liệt, đồng bộ, còn 3 vấn đề đang xem xét để thông qua nhanh chóng chương trình.
- Thứ nhất là đánh giá tác động: Nếu thực hiện chương trình này, mỗi năm Việt Nam có thể tăng thêm 1-1.5 điểm % tăng trưởng mỗi năm 2021-2022, tạo cơ sở để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm trên dưới 6% hoặc cao hơn. Bên cạnh đó, tác động đến việc làm lao động là một yếu tố rất quan trọng trong việc đánh giá tính thực thi chương trình.
- Thứ hai là tác động rủi ro: Những tác động có thể có như lạm phát, thâm hụt ngân sách, nợ công… Làm sao có thể chấp nhận mức nợ công, thâm hụt và lạm phát cao hơn nếu không có chương trình kích thích kinh tế?
- Thứ ba là sự đồng hành của Quốc hội: Ông Thành chia sẻ bản thân ông hy vọng chương trình này khi đã bị lỡ nhịp rồi thì phải làm cách nào để đưa vào thực thi nhanh nhất. Bên cạnh đó cũng cần nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế. Trong đó, cải cách các lĩnh vực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt hội nhập, thu hút đầu tư nước ngoài.
Quy hoạch ảnh hưởng đến thị trường bất động sản như thế nào?
Ông Thành cũng chia sẻ thêm về vấn đề quy hoạch, các địa phương đều đang vào cuộc, tuy nhiên, số địa phương có thể hoàn thành thì không quá nhiều. Một điều quan trọng hơn nữa là nền kinh tế nói chung nên quan tâm vào lúc này bao gồm:
- Rất nhiều tỉnh thành muốn có đột phá để phát triển. Đột phá này liên quan đến vấn đề phát triển đô thị, xây dựng đô thị xanh, thông minh, gắn với các trung tâm sáng tạo.
- Quy hoạch gắn liền với cơ sở hạ tầng, quy hoạch giao thông gắn với chương trình đầu tư công, quy hoạch xanh.
Tóm lại, nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng cần quan tâm đến hiện tại, phục hồi nguồn vốn, cách tiếp cận với xu hướng phát triển trong một thời kỳ dài hạn.

Theo TS. Sử Ngọc Khương – chuyên gia bất động sản: “Liên quan đến câu chuyện quy hoạch ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, quy hoạch giao thông sẽ đóng vai trò quan trọng. Và đây là cái tạo tính liên kết vùng, quy hoạch đô thị sẽ được hưởng lợi theo cơ sở hạ tầng trong khi quy hoạch giao thông liên quan đến vấn đề phát triển của nền kinh tế, liên quan đến mục tiêu chính trị. Đây là câu chuyện mà chúng ta cần đặt lên hàng đầu”.
Triển vọng cho thị trường bất động sản năm 2022
Đối với triển vọng và tác động của các chính sách đối với thị trường bất động sản trong giai đoạn 2021-2022, TS. Cấn Văn Lực chuyên gia tài chính ngân hàng chia sẻ: “Giá bất động sản gần như không giảm, giá nhà ở tăng 5 đến 9% tùy thuộc vào địa bàn chủ yếu do thiếu nguồn cung trong khi cầu không giảm. Đặc biệt là giá thuê bất động sản khu công nghiệp vẫn tăng từ 3 đến 18%, tuy cào địa phương. Ngoài ra, tác động dịch vụ đối với phân khúc bất động sản khác nhau (bất động sản khu công nghiệp, nhà ở, logistic… vẫn khả quan trong khi bất động sản nghỉ dưỡng bán lẻ, văn phòng cho thuê vẫn đang còn gặp khó khăn)”.

Ông Lực cũng nếu ra 7 yếu tố chính sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản trong năm 2022.
- Kinh tế có thể phục hồi nhanh nếu Việt Nam thực hiện tốt các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội 2022-2023, trong đó dự kiến có gói tín dụng nhà ở, nhà xã hội…
- Đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược đầu tư công được thúc đẩy tác động tích cực đến thị trường bất động sản.
- Chiến lược phát triển nhà ở năm 2021-2030 đang hoàn thiện.
- Vấn đề pháp lý đã và đang được tháo gỡ, 8 luật sớm được thông qua, 1 luật sửa đổi, luật đất đai dự kiến sửa đổi trong năm 2022, sửa đổi nghị định về khu công nghiệp.
- Thị hiếu khách hàng sẽ thay đổi trong và sau đại dịch.
- Đô thị hóa sẽ được thúc đẩy, đạt 45% vào năm 2025.
- Tín dụng đầu tư trái phiếu bất động sản được kiểm soát những vẫn còn dư địa phát triển, nhất là bất động sản nhà ở, khu công nghiệp và doanh nghiệp đang ngày càng đa dạng hóa nguồn vốn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang gặp những khó khăn nhất định như dòng tiền, thanh khoản, lao động.
Theo gợi ý của ông Lực, doanh nghiệp bất động sản nên tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ của chính phủ và tiết giảm mức chi phí, lao động, tăng năng suất theo mô hình 5Rs (linh hoạt, thích ứng, phục hồi càng nhanh càng tốt, tái cấu trúc, đổi mới, sáng tạo, tăng sức đề kháng). Với quỹ đất, sản phẩm phù hợp nhất trong và sau Covid-19 là rất quan trọng, chuyển đổi số, đa dạng hóa nguồn vốn, quản trị chuyên nghiệp hơn (lao động, tài chính, quản lý rủi ro…).