Sự khan hiếm hàng hóa trên toàn cầu khiến nhiều chuyên gia đưa ra dự báo về một chu kỳ hàng hóa sau đợt dịch bệnh trên toàn thế giới. Đặc biệt lĩnh vực thép, Trung Quốc cam kết việc giảm chất thải trong sản xuất dẫn đến cắt giảm sản lượng sản xuất thép đã giúp nhiều doanh nghiệp Việt được hưởng lợi ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng kéo theo giá cổ phiếu tăng mạnh.
Trong một dự thảo trực tuyến mới đây được CTCK SSI và Người Đồng Hành cùng thực hiện, ông Đào Minh Châu Trưởng phòng trung tâm phân tích chứng khoán SSI Research cho biết nhu cầu thép tăng mạnh tại nhiều quốc gia đã đẩy giá thép trên thế giới tăng mạnh trong thời gian qua nhất là thị trường châu Á giá thép đã tăng 50 đến 100%.
Ông Châu cho biết, khi dịch bệnh được kiểm soát, một số nước đã tung ra gói kích thích nền kinh tế trong đó gồm hàng trăm tỷ USD dành cho đầu tư công và đẩy nhu cầu thép xây dựng tăng mạnh. Chính sách kích cầu cũng khiến nhu cầu dân cư mua sắm BĐS nhà ở kéo theo doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các dự án bất động sản. Ngành công nghiệp ô tô chiếm 15% nhu cầu ngành thép đang phát triển đặc biệt là các quốc gia phát triển ít sử dụng phương tiện công cộng và có nhu cầu sử dụng ô tô cá nhân nhiều.
Tuy nhiên, nguồn cung bị gián đoạn khi một số quốc gia sản xuất theo lớn trên thế giới có thời gian phải đóng cửa dài hạn vì dịch bệnh. Hiện tại, dù sản lượng thép đã có sự hồi phục nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu về thép khi chuỗi cung ứng vẫn bị đứt gãy cùng gián đoạn lưu thông.

Thị trường trong nước, thép vẫn duy trì ở mức xu hướng tăng từ tháng 3/2020 đến nay. Các doanh nghiệp thép ghi nhận doanh thu lợi nhuận tăng trưởng nhiều lần như Hòa Phát với mức lãi quý 3 vượt 10 nghìn tỷ đồng. Tận dụng bối cảnh thiếu nguồn cung, các doanh nghiệp trong nước sản xuất tôn mạ như Nam Kim, Hoa Sen đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Triển vọng về ngành thép trong thời gian tới được các chuyên giá SSI Research cho rằng cần đánh giá cả từ hai phía cung cầu trên thị trường. Xét về dài hạn, nguồn cũng chắc chắn sẽ phục hồi và tăng trở lại do thị trường lớn là TQ vẫn đang kiểm soát được lượng thép.Thực tế các quốc gia Đông Nam Á giá thép cao cũng đẩy các doanh nghiệp lên kế hoạch đầu tư nâng công suất nhằm đưa ra thị trường lượng thép lớn hưởng lợi khi giá cả tăng cao.
Về nhu cầu, Ông Châu cho biết ngành thép sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng chất bán dẫn đang tác động xấu đến một số ngành công nghiệp, gián tiếp làm giảm tiêu thụ thép sản xuất. Ngoài ra, khủng hoảng vỡ nợ của Evergrande khiến cho thị trường BĐS tại Trung Quốc lao dốc, ảnh hưởng đến lĩnh vực xây dựng cũng như nhu cầu về thép. Dự báo nhu cầu thép ở Trung Quốc đã giảm 10% và có thể sẽ tiếp tục giảm thêm.
Ông Châu đánh giá thị trường thép Việt Nam trong hai năm tới sẽ vẫn có xu hướng tăng trưởng tốt khi không có thêm các dự án sản xuất thép lớn nào. Riêng tháng 10 vừa qua, ngành thép nội địa vẫn tăng 4% đến 5% dù trên thế giới giá thép đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, cần lưu ý giá thép Việt Nam thông thường sẽ đồng pha với giá thép thế giới, do đó dự báo trong dài hạn giá thép có xu hướng đi xuống.
Ông Châu cũng đánh giá nguyên nhân cổ phiếu thép Hòa Phát (HPG) liên tục được điều chỉnh sau khi lãi kỷ lục được công bố, ông Châu cho rằng điều này có một phần nguyên nhân từ áp lực chốt lãi ở mức cao bên cạnh lo ngại giảm giá khi giá thép vẫn đang ở mức cao.
Đến hết quý 4/2021, kết quả kinh doanh của Hòa Phát sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, khả năng cao sẽ ghi nhận kỷ lục mới về lợi nhuận. Sang năm 2022 lợi nhuận dù vẫn tăng trưởng trong thời gian đầu nhưng lợi nhuận cả năm vẫn có thể giảm so với năm 2021.
(Nguồn: Theo khối phân tích SSI Research)