Đồng USD sẽ tăng mạnh?
Đồng USD đã tăng mạnh hơn trong bối cảnh Fed bắt đầu bó hẹp lại gói nới lỏng định lượng QE bắt đầu từ tháng 11. Mặc dù Fed mới chỉ đưa ra lộ trình về việc thu hẹp này và cho biết đây vẫn chưa là thời điểm tăng lãi suất nhưng giới phân tích cho rằng Fed sẽ phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến thậm chí ngay trong năm 2022 do mức tăng quá nóng của lạm phát hiện nay.
Covid-19 quay trở lại Châu Âu và kỳ vọng lãi suất tăng nhanh hơn ở những khu vực khác, đặc biệt là tại Mỹ, đã khiến đồng EUR đã rơi xuống mức thấp nhất trong 16 tháng trở lại đây khiến các nhà đầu tư tìm đến đồng đô la như một nơi trú ẩn tốt hơn.
Tại Việt Nam, ngày 21/11 Ngân hàng nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với USD ở mức 22.662,00 đồng. Tỷ giá USD tham khảo tại Sở giao dịch NHNN mua vào và bán ra lần lượt là 22.525,00 và 22.755,00 đồng.
Theo CNBC, đồng USD tăng chạm mức cao nhất tron 16 tháng sau khi báo cáo lạm phát Mỹ tăng cao nhất trong từ năm 1990. Trong khi chứng khoán tăng do kỳ vọng giá tiêu dùng cao hơn sẽ giúp các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh hơn.
Chỉ số chứng khoán Blue chip của Anh cũng đạt mức cao nhất trong 20 tháng, trong khi các công ty khai thác tiếp xúc với Trung Quốc được niêm yết tại London Anh đã phục hồi trở lại vì bất động sản Evergrande thoát khỏi vụ vỡ nợ trong phút chót.
Cổ phiếu châu Âu cũng tăng đáng kể sau khi Goldman Sachs cho biết thu nhập trong khu vực có khả năng phục hồi trước những khó khăn của chuỗi cung ứng. Don Townswick, Giám đốc chiến lược cổ phần tại nhà quản lý tài sản tổ chức Conning cho biết: “Bản thân lạm phát không phải lúc nào cũng là xấu đối với thị trường chứng khoán, việc thắt chặt xảy ra khi nền kinh tế đang hoạt động thực sự tốt. Vì vậy, đây chỉ đơn thuần là triển vọng về một số mức lãi suất cao hơn không phải là vấn đề”.
Thị trường tiền điện tử trong những ngày dài ảm đạm khi đồng Bitcoin rơi xuống mốc dưới 59.000 USD/BTC và hiện đang giao dịch quanh mốc 58.500 USD. Đây là mức giảm thấp nhất kể từ cuối tháng 10 kéo theo sụp đổ giá của hàng loạt những đồng Altcoin khác, trong đó khoản lỗ lớn nhất đến từ đồng Solana mất hơn 10% chỉ trong thời gian rất ngắn.
Chỉ số USD đo lường tiền tệ so với 6 đồng tiền khác bao gồm Euro và Yên đã tăng thêm với mức hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 3, sau khi dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ trong tháng 10 tăng cao hơn so với dự kiến.

Trong khi đó, đồng USD đẩy đồng EUR xuống mức dưới 1,13 USD và đồng Yên Nhật đã chạm mức thấp nhất trong 4 năm ở 114,02 yên/USD trong ngày 21/11.
Joe Manimbo, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Western Union cho biết: “USD hiện chắc chắn đang được hưởng lợi từ các dấu hiệu của nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh và từ các dòng tiền trú ẩn an toàn do những lo lắng mới về dịch bệnh”.
Các nhà đầu tư ngày càng kỳ vọng USD sẽ còn tiếp tục tăng mạnh hơn trong những năm tiếp theo khi dữ liệu kinh tế Mỹ bao gồm cả doanh số bán lẻ sẽ thông báo vào đầu tuần này. Phần lớn đều gây bất ngờ với xu hướng tăng trong khi lạm phát đang tăng mạnh hơn.
Các nhà phân tích Tập đoàn Tài Chính Thụy Sĩ UBS trong một báo cáo về triển vọng tiền tệ cho biết: “Một yếu tố quan trọng cũng hỗ trợ USD tăng là kỳ vọng tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố người được đề cử làm Chủ tịch Fed trước ngày Lễ Tạ Ơn với hai ứng viên sáng giá là nhà lãnh đạo đương nhiệm ông Jerome Powell và Thống đốc Lael Brainard”.
Tác động đến Việt Nam
Trong Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc khối kinh doanh tiền tệ, thị trường vốn và chứng khoán ngân hàng HSBC nhận định sang năm 2022, tỷ giá USD/VND sẽ có thể đảo chiều trở lại mức 23 nghìn đồng trong bối cảnh các tài khoản vãn lai đang chuyển sang thâm hụt, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI chảy vào đang chậm lại. Đồng VND có thể đứng trước áp lực đối diện với một USD mạnh hơn trên thị trường quốc tệ và đồng Nhân dân tệ suy yếu hơn.
Trong năm 2021, VND đã vượt qua nhiều yếu tố bất lợi như dịch bệnh kéo dài khiến đà tăng trưởng chậm lại, cán cân thâm hụt và sự khác biệt chính sách tiền tệ với Fed. Tuy nhiên, những vấn đề này có thể trở nên nổi cộm hơn năm sau.

Ông Khoa cho rằng: “Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần đặc biệt chú trọng trong vấn đề đề phòng rủi ro trong đó có rủi ro về dòng tiền, lãi suất và tỷ giá thông qua các sản phẩm phòng vệ rủi ro. Điều này nhằm nắm thế chủ động trong việc dự phòng và ổn định thanh khoản, đảm bảo mọi hoạt động của doanh nghiệp được thông suốt”.
Việt Nam đang ở trong thời điểm khá khó khăn vì đại dịch và các mục tiêu tăng trưởng có vẻ rất khó thực hiện, trong khi nguy cơ lạm phát cuối năm 2021 đầu năm 2022 là hiện hữu. Đặc biệt, đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước gần đây cũng đã có tác động nhất định đến các chỉ số giá tiêu dùng hai tháng cuối năm.