Tổng công ty phát điện EVN Genco 2 (UPCoM: GE2) là tân binh mới của ngành điện trên sàn. Công ty báo doanh thu thuần 4,832 tỷ đồng và lãi ròng 1,387 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9, GE2 có tổng tài sản 46,187 tỷ đồng, trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 13,916 tỷ đồng, tài sản dài hạn chiếm 32,272 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lũy kế là 1,822 tỷ đồng.
Nếu chỉ tính riêng nhóm doanh nghiệp điện đã niêm yết trên sàn trước đó thì tổng cộng doanh thu quý 3 là 31,650 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Nhưng lãi ròng lại tăng trưởng đạt 3,474 tỷ đồng tăng 59%. Có đến 18 doanh nghiệp báo tăng, 19 doanh nghiệp giảm lãi, 9 doanh nghiệp thua lỗ và 5 doanh nghiệp chuyển lỗ sang lãi.
Sự tăng trưởng lợi nhuận ngành không đến từ hoạt động kinh doanh điện mà phần lớn nhờ vào hoạt động tài chính. Khoản thu tài chính quý 3/2021 đạt 1,290 tỷ đồng. Cùng lúc đó, chi phí tài chính giảm 24% giúp hoạt động tài chính doanh nghiệp chỉ lỗ 5 tỷ đồng.

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam PV Power (HOSE: POW) quý 3 vừa qua ghi nhận doanh thu quý 3/2021 đạt 5,342 tỷ đồng giảm 13% so cùng kỳ. Giá vốn có tốc độ giảm mạnh với tỷ lệ 19%, chủ yếu do giảm sản lượng điện sản xuất tại Công ty mẹ và các công ty con. Lãi gộp theo đó tăng lên 843 tỷ đồng. POW báo lãi ròng đạt 483 tỷ đồng, tăng 359%, tức gấp 4.6 lần cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài POW, 4 doanh nghiệp ngành điện cũng báo lãi tăng bằng lần trong quý 3/2021 gồm những NBP, TMP, EIC và GSM.
Tổng công ty phát điện 3 EVN Genco3 (UPCoM: PGV) đóng góp cho lợi nhuận chung toàn ngành với 889 tỷ đồng lãi ròng, tăng 64% so cùng kỳ. PGV ghi nhận doanh thu giảm ở mức 8,762 tỷ đồng. Kết quả đi lên chủ yếu do Công ty có khoản lãi chênh lệch tỷ giá đến 541 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ chênh lệch tỷ giá 100 tỷ đồng.
CTCP Nhiệt điện Ninh Bình (HNX: NBP) đứng nhất về tăng trưởng kỳ này với lãi ròng tăng 642% (gấp 7.4 lần) cùng kỳ. Trong quý 3, công ty đã ký được hợp đồng sửa đổi bổ sung số 01 Hợp đồng mua bán điện giữa NBP và EVN ký ngày 11/08/2021 là 178,129.5 đồng/kw/tháng. Ngoài ra, công ty cũng hạch toán tạm thời tiền chênh lệch doanh thu cố định 6 tháng đầu năm 2021 theo giá cố định, số còn lại công ty sẽ hạch toán vào tháng 10/2021 khi xuất được hóa đơn bán điện.
CTCP Điện lực Khánh Hòa (HOSE: KHP)chuyển lỗ sang lãi 223 tỷ đồng trong quý 3/2021. Hiện công ty không còn áp dụng giảm giá điện như năm 2020. Ngoài ra, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung đã điều chỉnh giá điện cho KHP từ đầu năm 2021.
Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2)có kết quả kinh doanh quý 3/2021 với lãi ròng 273 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận tốt nhất của NT2 trong 3 năm gần đây. 9 tháng đầu năm, NT2 thu về 4,515 tỷ đồng doanh thu thuần và 413 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt giảm 5% và 2% so cùng kỳ. Công ty đã thực hiện 89% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.

Ngoài những thông tin tích cực, quý 3 ngành điện cũng đón nhận nhiều tin buồn khi ghi nhận đến 8 doanh nghiệp báo giảm lãi hơn so với cùng kỳ. Điển hình như:
CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM: HND) ghi nhận sản lượng điện cao hơn cùng kỳ. Nhưng do giá điện tăng cao, sản lượng điện hợp đồng Qc giảm dẫn đến doanh thu đi lùi 4% ở mức 2,195 tỷ đồng, giá vốn vẫn tăng 7% do sản lượng tăng. Lãi gộp của Công ty co lại đến 87%, HND giảm đến 96% lãi ròng so cùng kỳ, chỉ đem về 6 tỷ đồng.

CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (HOSE: VSH) gây thất vọng khi báo lỗ 42 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 30 tỷ đồng). Trước đó, VSH có 4 quý báo lãi liên tiếp, với trung bình trên 100 tỷ đồng mỗi quý.
VSH cho biết chi phí lãi vay phát sinh từ các khoản vay đầu tư xây dựng nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum đã được ghi nhận vào chi phí tài chính sau khi nhà máy vận hành thương mại, dẫn đến chi phí tài chính quý 3/2021 tăng 105 tỷ đồng (gấp 35 lần) so với cùng kỳ. Đây là nguyên nhân chính cho kết quả đi xuống của VSH.
CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (HOSE: TTA) doanh thu tăng 8% nhưng lãi ròng vẫn giảm 53% so cùng kỳ. Nguyên nhân do giá vốn sản xuất tăng mạnh 165% vì có thêm chi phí khấu hao của 2 nhà máy mới là Điện mặt trời Hồ Núi Một 1 và Thủy điện PáHu.
CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC)thua lỗ trong quý 3/2021 khi kinh doanh dưới giá vốn khiến Công ty lỗ gộp 44 tỷ đồng. Khoản thu tài chính 29 tỷ đồng không đủ giúp doanh nghiệp thua lỗ trên 35 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 90 tỷ đồng).