Nhiều công ty có vốn hóa lớn nhưng giá cổ phiếu lại giảm mạnh
Sau khi đợt bùng phát dịch covid lần thứ 4 tại Việt Nam đang có dấu hiệu lắng xuống thì không ít nhà đầu tư đang rất lo lắng cho tiền đầu tư của mình. Lý do là vì nhiều nhà đầu tư đã mạnh tay chi tiền để đầu tư vào cổ phiếu của các công ty có vốn hóa lớn như CTG, VCB, VHM, VIB…nhưng giá không những không tăng mà lại còn giảm nhiều.
Thường thì cổ phiếu của các công ty lớn sẽ được nhiều nhà đầu tư tin tưởng vì sự bền vững cũng như rủi ro thấp. Nguyên nhân là các công ty có vốn hóa lớn thường đã hoạt động lâu năm, có nền tảng vững chắc và kinh nghiệm đối phó với rủi ro.
Điển hình như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam Vietcombank (VCB) trong hơn 3 tháng giá đã giảm từ 116.400đ (1/7/2021) xuống chỉ còn 97,500đ (ngày 11/10/2021) với mức giảm 18.900đ.
CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk (VNM) từ đầu năm tới nay giá cổ phiếu đã sụt giảm từ đỉnh 113.000đ (tháng 1/2021) xuống chỉ còn trên dưới 90.000đ/cổ phiếu trong vòng 5, 6 tháng gần đây.
Cổ phiếu CTG của ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Vietinbank lập đỉnh khi cổ phiếu đạt 42.000đ vào tháng 6/2021 và đến tháng 10/2021 giá chỉ còn 30.000đ.
Cổ phiếu Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam VIB cũng đã lập đỉnh vào tháng 6 khi lên tới 74.000đ/cổ phiếu sau đó thì giảm mạnh chỉ còn trên dưới 36.000đ/cổ phiếu vào tháng 10.
Lý do của việc vốn hóa lớn nhưng cổ phiếu vẫn giảm sau dịch là gì?
Theo người sáng lập của Cộng đồng đầu tư Hello Stock – ông Nguyễn Kim Chi thì việc giảm giá cổ phiếu của các công ty có vốn hóa lớn gần đây là do ảnh hưởng của dịch bệnh bùng phát mạnh trong quý 3 vừa qua. Dịch bệnh khiến cho kinh tế đình trệ, các công ty lớn cũng như các ngân hàng đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhiều nhà đầu tư bị cắt giảm việc làm, kinh doanh ngừng hoạt động cũng khiến họ phải cắt giảm chi tiêu cho đầu tư cổ phiếu giá trị cao nên dòng tiền vì thế cũng không còn được như trước. Với những cổ phiếu đã đạt đỉnh ngay trước đợt dịch bùng phát thì khó có thể quay trở lại như cũ được.
Nhà đầu tư cần làm gì khi đã trót đu đỉnh cổ phiếu vốn hóa lớn?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Kim Chi cho rằng sẽ có một số phương án để giải quyết số cổ phiếu rót vào các doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhưng giá giảm mạnh như sau:
-
Với người mua lướt sóng: Cần phải xác định những ngưỡng cắt lỗ dựa trên tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đó. Nếu kinh doanh không tốt thời gian lâu thì phải cắt lỗ ngay và chấp nhận chịu lỗ. Còn nếu doanh nghiệp không gặp phải vấn đề gì nghiêm trọng thì phải phân tích kỹ thuật để cắt lỗ cho hợp lý.
-
Với nhà đầu tư quan tâm tới cốt lõi doanh nghiệp thì cần theo dõi thêm nhiều chu kỳ kinh doanh chứ không nên chỉ nhìn ngắn hạn.
-
Với những nhà đầu tư trót “đu đỉnh” mà không biết xuống thế nào thì phải xem lại xem giá cổ phiếu đã chạm đáy chưa. Nếu công ty đó vẫn có tương lai hồi phục thì cố gắng tiếp tục nắm giữ còn không thì nên đổi sang đầu tư một công ty khác.
Còn theo Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp, hiện nay cổ phiếu ngân hàng và các doanh nghiệp đang dần tốt hơn. Nếu các nhà đầu tư vẫn nóng vội bán ra vì sợ lỗ thì khi giá cổ phiếu tăng lên sẽ làm nhà đầu tư thấy tiếc vì đã bán cổ phiếu ở mức giá thấp nhất và khó có thể mua lại ở mức giá thấp như vậy.
Với những nhà đầu tư không biết cách phân tích kỹ thuật hay chỉ mua theo tin đồn, mua theo số đông thì khả năng thua lỗ là rất lớn.
Còn với những nhà đầu tư mua theo hướng cơ bản, dùng để tích lũy lâu dài thì phải xác định đây chỉ là xu hướng giảm giá ngắn hạn chứ không phải lâu dài. Vì các công ty có vốn hóa lớn luôn là các doanh nghiệp hàng đầu cả nước, đã có nhiều năm trên thương trường và khó mà gục ngã được.
Khi đã mua cổ phiếu, nếu nhà đầu tư đã quyết định cắt lỗ ở mức 7% thì phải tiếp tục duy trì dù cho giá có biến động thế nào hay đó là công ty vốn hóa lớn. Như vậy thì số vốn bị lỗ cũng không quá cao như những nhà đầu tư đu đỉnh rồi để đến lúc cổ phiếu chạm đáy.
Việc các nhà đầu tư cần làm bây giờ chính là phải học hỏi và nghiên cứu thêm để xác định được doanh nghiệp có bị vấn đề gì nghiêm trọng trong nội tại không. Nếu doanh nghiệp vẫn vận hành được bình thường thì không phải lo lắng.