Cuộc khủng hoảng thừa thịt lợn ở Việt Nam, khiến giá lợn đang giảm rất sâu vì sức tiêu thụ quá chậm. Trong khi đó, nguồn cung cấp thịt lợn nhập khẩu tăng cao trong nhiều năm qua. Điều này đang khiến nhiều bà con chăn nuôi không có ý định tái đàn rất dễ biến thị trường lâm vào cảnh “khủng hoảng ngược”.
Chênh lệch Cung – Cầu hiện hữu
Theo Phó tổng giám đốc CTCP chăn nuôi C.P Việt Nam ông Lê Xuân Huy ước tính, 3 tháng giãn cách vừa qua, số lượng heo quá lứa (trên 115kg/ con) tại doanh nghiệp chiếm 20% trên tổng số đàn heo tương đương 60 đến 70 nghìn con. Hiện tại, giá heo quá lứa hiện tại doanh nghiệp có thể bán được ở mức 28 nghìn đồng đến 32 nghìn đồng một kg.

Cục Chăn nuôi cho biết, số heo quá lứa xuất chuồng chưa được bán đi rơi vào khoảng 8 triệu con, tương ứng 30% tổng sản lượng. Nguyên nhân do dư thừa nguồn cung kéo dài khiến giá lợn hơn đi xuống.
Cũng theo báo cáo của các bộ, ngành tính từ đầu năm đến nay, giá lợn liên tục giảm, nhất vào hồi tháng 9, giá lợn hơi giảm mạnh xuống còn 42.000-50.000 đồng/kg, trước đó trong tháng 3 và 4 giá thịt lợn hơi khoảng 70.000-75.000đồng/kg.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ ra nguyên nhân dẫn tới giá thịt lợn giảm do:
- Nhu cầu sử dụng thịt lợn giảm mạnh trong thời điểm các địa phương giãn cách.
- Giảm công suất hoạt động các nhà máy, hay bị đóng cửa do ảnh hưởng dịch bệnh khiến lượng tiêu thụ lớn từ các bếp ăn công nghiệp giảm.
- Trường học đóng cửa, các bếp ăn tập thể ngưng hoạt động hoàn toàn.
- Các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, chợ đầu mối, chợ dân sinh không được phép hoạt động dẫn đến nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm mạnh khoảng 30% đến 50%.
Ông cũng cho biết: “Đến nay, dù các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường mới, nhưng lực lượng nhân công quay trở lại các thành phố lớn làm việc vẫn chưa nhiều. Trường học vẫn đóng cửa, các quán ăn chỉ mở cửa đón khách với số lượng hạn chế khiến mức tiêu dùng thực phẩm vẫn chưa cao.”
Lấy ví dụ thực tế như ở TP.HCM một ngày tiêu thụ 60 tấn thực phẩm, nhưng thành phố chỉ tự sản xuất được dưới 10%, tất cả nhập từ các tỉnh miền Tây, vì vậy, nó cũng khiến sản phẩm chăn nuôi ùn ứ, giảm giá.
Thừa thịt nhưng giá bán vẫn cao
Chu kỳ sản xuất, tăng trưởng và tái đàn vẫn diễn ra bình thường kéo theo việc ứ đọng, nguồn nhập thịt lợn ngoại tăng và các loại thực phẩm khác dồi dào cũng ảnh hưởng đến tiêu thụ thịt lợn trong nước.

Thịt lợn ùn ứ tại nguồn cung khiến giá lợn hơi giảm sâu thời gian dài, nhưng tại các chợ truyền thống và siêu thị hiện nay, giá thịt lợn vẫn ” giậm chân tại chỗ” không thay đổi.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính bất bình trước thực trạng giá thịt vẫn cao. Ông nếu quan điểm của mình như sau:
“Nguyên nhân việc giá thịt vẫn cao là do khâu trung gian, người chăn nuôi bán được giá thấp, người tiêu dùng mua giá cao, cả hai đều thiệt. Chỉ khâu trung gian là lợi nhuận nhất và rất cần kiểm soát khâu này. Có thể tính được lợi nhuận mỗi một kg thịt lợn ở siêu thị qua giá đầu vào, chi phí dịch vụ và bán hàng. Khi giá thịt lợn ở siêu thị giảm thì các chợ truyền thống cũng phải giảm theo. Giá thịt ở siêu thị đang là tham chiếu cho giá tại các chợ dân sinh.”
Ông cũng cho biết thêm, thịt lợn luôn có nhiều biến động và có tác động lớn đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, nó không phải mặt hàng bình ổn giá, kinh doanh có điều kiện và cũng không nên đặt nó vào danh mục mặt hàng bình ổn giá. Cơ quan chức năng có thể kiểm tra khâu trung gian theo Luật Giá.
Cùng theo quan điểm, chuyên gia Vũ Vinh Phú cũng phân tích, giá thịt lợn ở một số siêu thị tại Hà Nội có mức giá cao hơn 30% so với giá các chợ truyền thống. Với mức giá này siêu thị đang móc túi người tiêu dùng. Thịt lợn đến tay người tiêu dùng phải qua quá nhiều khâu trung gian khiến giá bị đội lên rất cao. Hơn nữa mức chiết khấu cao ở siêu thị cũng là nguyên nhân tác động đến giá thịt lợn.
Một số cơ sở sản xuất, chế biến phải dừng hoạt động do không đáp ứng được “3 tại chỗ” khi các địa phương thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Khâu vận chuyển hàng hóa cũng gặp khó khăn khi lấy hàng hoặc giao hàng giữa các địa phương khi có lệnh giãn cách. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến giá sản phẩm.
Khủng hoảng thừa thịt lợn ở Việt Nam cũng đã từng xảy ra nhiều năm trước. Giá thịt lợn tụt xuống thấp nhưng khi đó giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng cao gây khó khăn cho người chăn nuôi đặc biệt là những hộ nông dân nhỏ lẻ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là người chăn nuôi sẽ thua lỗ, ảnh hưởng tới nguồn cung trong các tháng cuối năm nay.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đưa ra dự báo:
” Giá lợn có thể sẽ tiếp tục rớt trong vài tuần tới khi nguồn hàng tồn đọng lớn chưa được tiêu thụ, thương lái ép giá. Ít nhất là phải mất 3 tháng mới có thể giải quyết lượng hàng tồn đọng này.
Tuy nhiên, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cũng lo ngại người dân sẽ không tái đàn nhiều. Do vậy, “cuộc khủng hoảng ngược” thiếu thịt lợn sẽ là nguy cơ vào những tháng cận kề tết nguyên đán.
Cần quy hoạch tổng thể lâu dài
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, giải pháp bây giờ là đẩy mạnh lượng hàng tiêu thụ để giải phóng nguồn cung trong nước nhanh, giảm tỷ lệ nhập khẩu để cải thiện sức tiêu thụ cho thịt nội.
Các ban ngành liên quan cần có kế hoạch cụ thể, công bố nhu cầu thị trường trong nước, đưa ra các dự báo về nhu cầu trong tương lai để người chăn nuôi yên tâm tái đàn.
Việc cắt giảm chi phí lưu thông, vận chuyển khâu trung gian, theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết:
“Các cơ quan, ban ngành địa phương phải cho lưu thông vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, cần có chính sách giảm việc phân tích mẫu test nhanh hay PCR hài hòa giữa các địa phương vì nhiều nơi có quy định chưa phù hợp khiến chi phí tăng lên. Mỗi thứ giảm một chút sẽ bớt khó khăn cho ngành chăn nuôi.”

Trước khủng hoảng thừa thịt lợn ở Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu:
-
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ về lĩnh vực tài chính.
-
Bộ Công Thương khẩn trương tổ chức các cuộc họp, làm việc với các địa phương để khôi phục hoạt động các chợ đầu mối, chợ truyền thống theo tinh thần Nghị quyết 128.
-
Bộ Giao thông vận tải rà soát, nắm rõ tình hình hệ thống lưu thông, vận tải, tránh tình trạng một số nơi gây khó khăn cho người dân trong tiếp cận thị trường (phương tiện chuyên chở khó đến với người dân). Phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, thống nhất trên toàn quốc.
-
Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan, làm công tác tuyên truyền làm việc cụ thể với các doanh nghiệp chế biến, các hộ tiêu thụ lớn, doanh nghiệp có năng lực dự trữ chế biến đẩy mạnh tiêu thụ. Khuyến khích sử dụng sản phẩm thịt trong nước để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi. Quản lý giá bán, các sản phẩm đầu vào của ngành, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Xây dựng kế hoạch tái đàn, chăn nuôi theo tín hiệu thị trường.
Phó thủ tướng chính phủ Lê Văn Thành cho rằng, mức chênh lệch giữa giá xuất chuồng và giá thành phẩm đến người mua là bất hợp lý. Việc tìm ra nguyên nhân và tập trung chỉ đạo, giải quyết vấn đề này là rất cần thiết bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Vận hành theo cơ chế thị trường nhưng trong bối cảnh hiện nay cần có giải pháp điều hành từ các cơ quan Nhà Nước.
Từ cuộc khủng hoảng thừa thịt lợn ở Việt Nam, các tỉnh thành cần có văn bản chỉ đạo thống nhất xuống cấp huyện, xã, ấp, thôn, bản. Đồng thời, tổ chức kết nối các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi mở rộng thị trường, đưa sản phẩm cung ứng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối sẵn có.