Từ đầu năm đến nay, thị trường cổ phiếu ngành phân bón vô cùng sôi động khi liên tục trải qua nhiều đợt sóng. Trong đó mạnh nhất phải là đợt sóng hồi cuối tháng 7 – đầu tháng 8, khi Trung Quốc cắt giảm xuất khẩu khiến cho giá cổ phiếu ngành phân bón Việt Nam tăng lên mức kỷ lục. Nhưng đến giữa giai đoạn cuối tháng 8 – nửa đầu tháng 9, giá cổ phiếu ngành này đã chững lại phần nào, lý do chính là khi đó đã hết vụ chăm bón và nhiệt từ đợt sóng này đã giảm đi phần nào.
Tuy nhiên từ giai đoạn đầu tháng 10 cho đến nay, cổ phiếu ngành phân bón dường như lại đón một đợt sóng mới khi đồng loạt tăng điểm mạnh trong nhiều phiên. Lý do chính có lẽ là bởi khi giá Ure, DAP và Kali trên thế giới đang có đà tăng, thúc đẩy giá phân bón trong nước cũng tăng theo.

Theo thống kê, giá phân Ure Phú Mỹ và Cà Mau khu vực miền Tây đã đạt mức giá 655.000 đồng/bao, tăng tới 45.000 đồng so với ngày 21/9. Trong khi đó, DAP Hồng Hà cũng tăng 30.000 đồng/bao lên 940.000 đồng/bao; Kali Miểng tăng 40.000 đồng/bao, NPK Cà Mau và Phú Mỹ tăng 50.000 đồng/bao, còn NPK Bình Điền tăng 5.000 đồng/bao.
So sánh với dữ liệu đầu năm, cả phân Ure, DAP, Kali đều tăng giá bán từ 60% – 80%, còn NPK tăng khoảng 19 – 32%. Còn ở thời điểm hiện tại, miền Nam đang sắp bước vào vụ Đông Xuân, nên sẽ là bước đệm để đẩy giá cổ phiếu phân bón tăng cao hơn nữa trong tương lai.

Nguyên dân dẫn đến giá phân bón cũng như giá cổ phiếu ngành phân bón tăng như vậy, có thể tóm lược ở 3 lý do chính:
-
Nguyên liệu đầu vào như khí tự nhiên, lưu huỳnh, than, ammoniac tăng cao do bị đứt gãy nguồn cung bởi Covid-19, khiến chi phí sản xuất phân bón tăng.
-
Năm 2020 là thời điểm giá phân bón giảm sâu, nên lượng cung trên thế giới có phần sụt giảm. Nhưng vào giai đoạn hồi phục, kinh tế mở cửa lại thì sẽ phải đối mặt với tình trạng cung không đáp ứng kịp nhu cầu.
-
Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách nhằm hạn chế xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung của nước họ. Trong khi đó, lượng phân bón nhập từ Trung chiếm tới 40 – 50% tổng lượng phân nhập khẩu. Điều này đã khiến cho giá phân bón tăng cao.
Những nguyên nhân này đã dẫn đến việc hàng loạt cổ phiếu phân bón tăng giá mạnh, bất chấp thị trường chứng khoán có xu hướng đi ngang, hoặc ngay cả những BCTC của một số doanh nghiệp phân bón không khả quan cho lắm.

Trung Quốc hạn chế xuất khẩu, là cơ hội cho ngành phân bón Việt Nam
– Trung Quốc ra lệnh hạn chế xuất khẩu phân bón ít nhất là đến 6/2022 (chính sách được ban hành 29/7). Điều này đồng nghĩa với việc thị trường bị thiếu hụt nguồn khoảng 14 triệu tấn chỉ riêng với Ure, trong khi giá Ure ở nội địa Trung cũng đã tăng khoảng 20% so với đầu quý 3. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng, than đá, nên dự kiến rằng nguồn cung phân bón từ Trung Quốc sẽ còn bị hạn chế lâu hơn nữa.
– Khủng hoảng thiếu năng lượng trên thế giới còn khiến nhiều nhà máy sản xuất phân bón phải đóng cửa, làm giá ure tăng vọt. Bằng chứng là đợt mở thầu của RFC Ấn Độ hồi đầu tháng 10, giá ure đạt 655 USD/tấn, cao hơn tháng 7 tận 150 USD, trong khi mức chào thầu cao nhất là 790 USD.
=> Giá phân bón sẽ luôn ở mức cao trong giai đoạn 2021, 2022. Những doanh nghiệp nội địa Việt Nam như Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Cà Mau (DCM), Phân bón Bình Điền (BFC), cùng một số DN ngành phân bón khác có thể coi đây là cơ hội để chiếm lĩnh được thị phần trong nước, thu được lợi nhuận lớn trong quý IV này.
Giá dầu tăng, có ảnh hưởng đến cổ phiếu ngành phân bón?
Tuy nhiên trước tình trạng giá dầu khí trên thế giới liên tục tăng cao, nhiều nhà đầu tư chắc hẳn sẽ băn khoăn khi dầu khí là nguyên liệu chính sản xuất phân bón. Vậy liệu cổ phiếu ngành phân bón có bị ảnh hưởng gì trước biến động giá dầu này hay không?
Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng theo dõi ảnh dưới, để biết cụ thể được nguyên liệu sản xuất ra phân bón hiện nay:

– Phân Ure: sử dụng nguyên liệu chính là khí và than, nhưng chủ yếu là khí vì để đảm bảo môi trường. Các DN sản xuất phân Ure sử dụng khí chủ yếu tập trung ở miền Nam gồm: DCM và DPM.
Mặc dù giá dầu thế giới tăng cao, kéo theo giá khí tăng theo. Nhưng với trường hợp của DCM và DPM thì ngoại lệ, bởi vì: DPM và DCM đã ký hợp đồng mua khí với PVN theo cơ chế tính: 90% giá dầu F0 + 10% giá dầu Brent, chứ không tính theo giá khí tự nhiên. Mà giá dầu F0 không tăng đáng kể, nên ảnh hưởng rất ít đến giá thành của DCM và DPM.
Mặt khác nguồn khí của Việt Nam đang thừa cung vì không xuất khẩu được nên giá khí không bị ảnh hưởng nhiều bởi giá thế giới.
Chưa kể, lượng tồn kho của DPM và DCM đều rất lớn, bởi nhu cầu phân bón quý 3 không cao. Nhưng sang quý 4 thì đảm bảo sẽ tăng mạnh do cần phân bón cho vụ Đông Xuân (chiếm 49% nhu cầu cả năm).
=> Dù giá dầu thế giới tăng cao, thì DN nào có thế mạnh sản xuất phân Ure cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Riêng trường hợp của DPM và DCM thậm chí còn lãi khủng, nên dự đoán rằng cổ phiếu DPM và DCM sẽ tăng khỏe, có khi còn tạo được sóng cao trong thời gian tới.
– Phân lân: Nguyên liệu sản xuất chính là lưu huỳnh và quặng Apatit (và có mỏ ở phía Tây Bắc). Nhưng Công ty Apatit Lào Cai đã tuyên bố không thể cung cấp Apatit để sản xuất Lân và DAP. Điều này đã khiến DAP Lào Cai đã tuyên bố phải ngừng sản xuất còn DAP Đình Vũ nói rằng họ chỉ cầm cự được hết tháng 9. Hành động này đã làm giá DAP của hai nhà máy của họ tại Sài Gòn đã tăng từ mức 14.300.000 đồng/tấn lên mức 15.500.000 đồng/tấn.
=> LAS (công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao), nhà sản xuất phân lân hàng đầu Việt Nam, là công ty con của Vinachem (DAP). Giá cổ phiếu có thể được hưởng lợi khi giá phân Lân, DAP tăng cao, nhưng chỉ có thể tăng trong ngắn hạn mà thôi, khi mà nguồn cung vẫn đang đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
– Phân Kali: Nguyên liệu sản xuất là quặng bồ tạt – Magie, mà ở Việt Nam không có mỏ này nên phần lớn là phải đi nhập khẩu. Cụ thể, khi Belarus – quốc gia xuất khẩu Kali lớn trên thế giới bị Anh và Mỹ cấm vận, đã khiến giá Kali tăng mạnh, hàng hạt nhỏ ở mức 550 USD/tấn CFR, còn hàng hạt lớn ở mức 620 USD/tấn CFR, làm cho giá phân Kali và giá phân NPK tăng cao.
=> BFC (Công ty cổ phần phân bón Bình Điền) là doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần hàng đầu của phân lân và phân NPK. Tương tự, trong ngắn hạn trước mắt sẽ được hưởng lợi do hàng tồn từ quý trước. Nhưng về trung và dài hạn, sẽ bị ảnh hưởng nhiều do thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất phân bón.
Nhà Nước có tác động gì đến giá phân bón không?
Kịch bản giá nguyên liệu đầu vào vẫn tiếp tục tăng cao, khiến giá bán phân bón bị đẩy lên cao, thì có một điều chắc chắn là Nhà Nước cũng không thể can thiệp được.
Giá thép tăng, thì giảm xây dựng. Nhưng giá phân bón tăng thì không thể giảm tưới, giảm trồng trọt. Mà đặc thù của ngành nông nghiệp là nếu giá phân bón tăng cao, thì sẽ lại đội vào giá bán nông sản. Nhà Nước cũng vì thế mà thu được thuế 2 lần – lợi nhuận kép.
Bổ sung thêm một chi tiết, đó là chính sách thuế GTGT sửa đổi với mặt hàng phân bón (dự kiến 5%) đã được tổng hợp trong dự thảo luật thuế. Khi dự thảo này được thông thì các DN sản xuất phân bón sẽ được hoàn lại thuế đầu vào, làm giảm giá vốn bán hàng, cải thiện được biên lợi nhuận. Lúc này, doanh nghiệp sản suất Ure được hưởng lợi nhiều nhất.
Tổng kết:
-
Sắp tới vào vụ Đông Xuân ở miền Nam, cổ phiếu phân bón rất có thể có một đợt sóng mới trong ngắn hạn.
-
Lời cao nhất vẫn là DPM và DCM. Dự kiến 2 mã cổ phiếu này vào cuối năm sẽ tăng lên ở mức: DPM 40.000 – 42.000 đồng, còn DCM 33.000 – 35.000 đồng.
-
Những doanh nghiệp có thế mạnh về phân Ure sẽ có tiềm năng phát triển ổn định trong tương lai, giá sẽ tăng đều dài dài, có thể cân nhắc để đầu tư dài hạn.
-
Các mã cổ phiếu ngành phân bón khác có thể được cộng hưởng từ sóng phân bón đợt này, nhưng không bền. Sau đó sẽ bị ảnh hưởng lớn từ chi phí đầu vào, tác động mạnh đến tính cạnh tranh và biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
** Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân không phải lời khuyên đầu tư. **