Ả Rập Xê-út cũng đang kêu gọi các nhà sản xuất dầu mỏ khác liên kết lại, thể hiện một mặt trận thống nhất tại các cuộc đàm phán về khí hậu COP26 bắt đầu vào cuối tháng này. Họ nên phản đối việc kêu gọi giảm đầu tư vào dầu mỏ, và họ cho rằng làm như vậy có thể đẩy giá dầu lên cao hơn nữa, và càng gia tăng khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo.
Các quốc gia sản xuất dầu đã nổi lên như một nhóm đáng gờm trên thế giới. Và hiện nay họ đang cố gắng chống lại một thứ mà như họ mô tả là “thúc đẩy phi thực tế của các quốc gia giàu có, nhằm hạn chế đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch như một cách giảm phát thải khí nhà kính”
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết vào tháng 5, các Chính phủ nên ra chính sách ngừng ngay lập tức đầu tư vào phát triển dầu khí nếu thế giới muốn đạt được mức phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050.
Alok Sharma, Bộ trưởng Nội Các Anh đang chủ trì cuộc họp ở Glasgow, được gọi là COP26, đã nhiều lần cho biết rằng ông có kế hoạch sử dụng mục tiêu không phát thải ròng của IEA làm khuôn mẫu cho các cuộc đàm phán. Một phát ngôn viên của COP26 khác cũng cho biết “Ông Sharma đã nói rõ rằng tất cả các quốc gia cần phải tăng tốc độ giảm lượng khí thải và bảo vệ con người, thiên nhiên khỏi những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu”.

Thái tử Abdulaziz bin Salman, bộ trưởng năng lượng Ả Rập Xê Út và đặc phái viên Ả Rập Xê Út tại hội nghị thượng đỉnh Glasgow, Khalid Abuleif, đã yêu cầu các nhà sản xuất dầu bao gồm Nigeria, Kuwait và Oman hãy đồng lòng, cùng chống lại khuyến nghị đầu tư của IEA. Hoàng tử Abdulaziz đang thúc đẩy lập luận rằng mục tiêu không đầu tư cho phát triển dầu khí sẽ làm giảm nguồn cung trước khi nhu cầu dầu trên toàn cầu giảm lại, gây nguy cơ tăng giá dầu.
Họ cũng nói rằng, lệnh cấm đầu tư vào dầu mỏ là không công bằng đối với các nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu hoặc xuất khẩu dầu khí.
Ả Rập Xê-út là một trong số ít các quốc gia, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ, vẫn chưa đệ trình kế hoạch chính thức mới nhất của họ trong việc cắt giảm khí thải. Theo lịch, thì các kế hoạch từ các chính phủ thành viên sẽ phải được thực hiện trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra, và dự kiến sẽ là điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán kéo dài hai tuần.
Các nhà đàm phán muốn tái khẳng định cam kết được đưa ra tại một cuộc họp tương tự ở Paris năm 2015, kêu gọi các chính phủ hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức gần 1,5 độ C so với những ngày trước công nghiệp.
Ả Rập Xê-út với tư cách là nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, và sự miễn cưỡng của nước này trong việc cam kết cắt giảm khí thải cụ thể, đã khiến họ trở thành trọng tâm chính trong định vị ngoại giao và các cuộc đàm phán đã diễn ra. John Kerry, đặc phái viên khí hậu chính của chính quyền Biden, dự kiến sẽ đến Riyadh (thủ đô của Ả Rập Xê Út) vào cuối tuần này để gặp Thái tử Mohammed bin Salman.
Ả Rập Xê Út đã nói với các nhà điều hành ngành dầu mỏ toàn cầu và các nhà đầu tư quốc tế rằng họ cam kết đầu tư vào các mỏ dầu của mình để mở rộng sản xuất và không có kế hoạch hạn chế chi tiêu như vậy. Trong một hội nghị riêng dành cho các khách hàng và nhà phân tích của Bank of America vào tháng 6, Hoàng tử Abdulaziz, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, cho biết nước này sẽ bơm “mọi phân tử” hydrocacbon của mình.
Ả Rập Xê Út cũng đã phát động một chiến dịch để giúp nền kinh tế của mình cai nghiện dầu mỏ, nhưng nỗ lực này vô cùng vất và bởi phần lớn sự phụ thuộc kinh tế của vương quốc này chính là việc bơm và bán dầu thô. Còn gần đây, họ đã tăng gấp đôi cam kết đối với những mặt hàng xuất khẩu đó, đầu tư để sản xuất nhiều dầu thô hơn nữa.

Các nhà sản xuất khác cũng như Ả Rập Xê Út cho biết, việc đầu tư là rất quan trọng để cung cấp dầu cho một thế giới sẽ cần nhiều dầu trong nhiều thập kỷ tới. Đầu tháng này, người đứng đầu OPEC cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng ngày nay là một lời “cảnh tỉnh” cho các quốc gia tiêu thụ.
Ả Rập Xê Út đang cố gắng hướng cuộc tranh luận theo những cách khác. Các quan chức Ả Rập Xê Út đã yêu cầu các nhà khoa học tại ban thư ký của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu loại bỏ tham chiếu của họ về lượng phát thải “không ròng”, một thuật ngữ mà họ đã sử dụng trong một báo cáo tháng 8. Liên Hợp Quốc thường yêu cầu các nước thành viên bình luận về các báo cáo như vậy và yêu cầu của Ả Rập Xê Út được đưa ra thông qua quá trình phản hồi này.
Ả Rập Xê-út cũng đã yêu cầu thay thế thuật ngữ “khí thải carbon” bằng “khí thải nhà kính”, một thuật ngữ rộng hơn bao hàm tất cả các khí thải dẫn đến sự nóng lên toàn cầu chứ không chỉ phát thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
– Theo wsj.com –