Hãng hàng không Philippines Airlines hôm nay cho biết sẽ nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ, mở đường cho quá trình tái cấu trúc để công ty có thể sống sót trong cuộc khủng hoảng COVID-19.
Hãng này cho biết đơn xin bảo hộ phá sản dựa theo Chương 11 của luật phá sản đã được nộp lên tòa án cấp quận ở New York, sau khi đã thống nhất ý kiến với các chủ nợ, bên cho thuê, nhà cung cấp và các cổ đông lớn.
Theo Wall Street Journal, hãng hàng không quốc gia của Philippines đã đạt được thỏa thuận với các chủ nợ và nhận được sự hậu thuẫn của gia tộc Tan – cổ đông lớn nhất và cũng đang kiểm soát hãng.

Kế hoạch vay thêm 505 triệu USD từ vốn chủ sở hữu và nợ dài hạn từ tỷ phủ Lucio Tan, chủ tịch và cũng là cổ đông lớn nhất của công ty, cùng với 150 triệu USD từ các nhà đầu tư mới. Hãng cho biết đã đạt được thỏa thuận hỗ trợ từ 90% các ngân hàng.
Việc tái cấu trúc sẽ giúp Philippines Airlines giảm được 2 tỷ USD số tiền phải trả và cho phép hãng giảm 25% đội tàu bay. Kế hoạch này cần được toà án chấp thuận.
Theo Chapter 11, 1 công ty sẽ được phép tiếp tục hoạt động trong thời gian tái cấu trúc. Như vậy Philippines Airlines trở thành hãng hàng không nước ngoài thứ 4 nộp đơn phá sản ở Mỹ kể từ khi đại dịch bắt đầu. 3 hãng trước đó bao gồm Latam Airlines (Chile), Grupo Aeromexico (Mexico) và Avianca của Colombia.
Trên khắp thế giới, các nước áp đặt lệnh hạn chế di chuyển và hành khách tiềm năng cũng ở yên trong nhà vì không muốn bị nhiễm bệnh. Trước nhiều khó khăn, các hãng hàng không buộc phải cắt giảm sâu lương thưởng cho nhân viên, giảm số tàu bay và cả các chuyến bay để tiết kiệm tiền mặt.

Đồng thời tìm kiếm gói cứu trợ từ chính phủ và cả “phao cứu sinh” từ các nguồn tư nhân. Hoạt động du lịch nội địa ở một số nước như Trung Quốc và Mỹ đã hồi phục trở lại nhờ tiêm chủng. Tuy nhiên, nhu cầu du lịch quốc tế vẫn ở mức rất thấp so với trước dịch.
Philippines Airlines nộp đơn bảo hộ phá sản ở Mỹ thay vì ở quê nhà Philippines là bởi hãng có nhiều chủ nợ quốc tế và cảm thấy dễ chịu hơn với quy trình xử lý của Chapter 11, một nguồn tin thân cận cho biết.
Ra đời từ năm 1941, thực ra PAL Holdings – công ty mẹ của Philippines Airlines đã gặp nhiều khó khăn từ trước khi đại dịch ập đến. PAL Holdings đã thua lỗ suốt từ quý I/2017 đến nay và trong năm 2020 ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 1,4 tỷ USD.