Sau suốt hơn 1 tháng tăng trần liên tục mà không đi kèm kết quả kinh doanh, cổ phiếu “họ Louis” bắt đầu đảo chiều giảm xuống mức sàn khiến nhà đầu tư hoang mang. Giữa cơn bão giảm sàn, một cổ đông lớn đã đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu, còn những cổ đông nhỏ đang không ngừng kêu gọi nhau ngừng bán để đỡ giá cổ phiếu.
Công thức: Doanh nghiệp “nhà Louis” mua cổ phần là giá sẽ tăng trần nhiều phiên
Cổ phiếu “họ Louis” đã trở thành mối quan tâm rất lớn của thị trường kể từ tháng 8 tới thời điểm hiện tại, khi mà hàng loại cổ phiếu của nhóm này đều tăng phi mã, chạm kịch trần ở ngày đầu tiên phiên giao dịch, khiến các nhà đầu tư ai nấy cũng phải tò mò về nhóm doanh nghiệp này.
Đầu tiên là bắt nguồn từ chuỗi tăng giá của hai cổ phiếu TGG của CTCP Louis Capital và BII của CTCP Louis Land. Điểm chung của 2 doanh nghiệp này, đó là đã từng niêm yết trước đó, và giá cổ phiếu toàn ở vùng đáy (1000 – 2000 đồng/cổ phiếu) trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên thật bất ngờ, ngỡ rằng đây là nhóm cổ phiếu giá “trà đá, cộng hành”, thì TGG và BII đã tăng giá tới hàng chục lần, đẩy vốn hóa lên cả nghìn tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là không ai giải thích được tại sao nhóm cổ phiếu này lại tăng giá mạnh đến vậy, trong khi chẳng liên quan gì đến cấu trúc tài chính hoặc kết quả kinh doanh.
Có lẽ, công thức khiến cho giá cổ phiếu nhóm này tăng mạnh chính bởi doanh nghiệp họ Louis thực hiện M&A, mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn. Vì vậy, mỗi khi có thông tin Louis Land hay Louis Capital hay Louis Land muốn mua cổ phần, là cổ phiếu của nhóm này lại tăng phi mã.
Theo thống kê, những cổ phiếu tăng nóng nhất gồm có APG, DDV, SMT, VKC. Còn gần đây có thêm TDH cũng có chuỗi tăng trần kéo dài 10 phiên liên tiếp, sau khi Louis Land công bố thông tin trở thành cổ đông lớn.

Và chính hiện tượng hàng loạt cổ phiếu tăng trần liên tiếp trong nhiều phiên, đã khiến cho cụm từ “Louis” trở nên hot hơn bao giờ hết, thành tiêu điểm bàn luận ở hầu các diễn đàn, mạng xã hội…
Thực tế thì cứ mỗi khi cổ phiếu nào có dấu hiệu tăng trần trong nhiều phiên, là các nhà đầu tư sẽ lao đầu vào tìm kiếm các mối quan hệ của doanh nghiệp, rồi đồn thổi nhau rằng nhóm Louis sẽ mua cổ phần. Sau đó, nhiều nhà đầu tư khác còn vẽ ra mộng cảnh “ăn lợi nhuận tính bằng lần”, sẽ lại tiếp tục lao đi tìm kiếm những doanh nghiệp có thể là mục tiêu của “họ Louis”.
Sau tất cả, chỉ có thể nói rằng, các nhà đầu tư đã chìm sâu vào một cơn cuồng phong cổ phiếu “họ Louis” mà khó có thể thoát ra, và rồi dẫn đến kết cục khó tránh.
Nhà đầu tư vỡ mộng, động viên nhau trong cơn bão giá liên tục giảm sàn
Không có niềm vui nào mãi mãi, khi đến giữa tháng 9, cổ phiếu “họ Louis” bất ngờ đảo chiều giảm sàn hàng loạt, hầu hết các mã cổ phiếu đều giảm tới 20 – 40% tính từ vùng đỉnh. DDV giảm từ vùng đỉnh 42.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 31.500 đồng/cổ phiếu. Còn BII cũng giảm từ 33.800 đồng/cổ phiếu xuống còn 21.900 đồng/cổ phiếu, tụt giá hơn 35%.
Cũng ghi nhận trong phiên giao dịch 24/9, “họ Louis” có loạt cổ phiếu giảm sàn và dư bán gia sàn như TGG, BII, SMT, APG, VKC và TDH.

Trước cơn bão giảm giá sàn, những cổ đông sở hữu cổ phiếu “họ Louis” là được đón thêm thông tin rằng Louis Holings – cổ đông lớn của Louis Capital, sẽ đăng ký mua thêm vào 2 triệu cổ phiếu TGG trong khoảng thời gian từ ngày 29/9 – 27/10, ước tính giá trị rơi vào khoảng 120 tỷ đồng.
Hành động của Louis Holings là hành động của cổ đông lớn, còn với những nhà đầu tư nhỏ lẽ đang sở hữu những cổ phiếu này, việc họ có thể làm là gửi những lời động viên nhau trong giai đoạn khó khăn này, kêu gọi nhau đừng bán giá sàn hay đừng bắt đáy ở giá sàn nữa.

Câu chuyện về cổ phiếu “họ Louis” có lẽ khó ai đoán được kết cục chính xác, nhưng quyết định bán ra hoặc tiếp tục nắm giữ trong thời điểm này phụ thuộc vào quan điểm của các nhà đầu tư. Liệu họ có thể phục hồi niềm tin với những thông tin đăng ký mua vào, hay là bị áp lực bán ra đang áp đảo…., điều này chắc phải cần thời gian nữa mới có thể có câu trở lời cụ thể.
Còn xét trong ngắn hạn, việc cổ phiếu tăng trần liên tục hoặc giảm sàn liên tục sẽ là một tín hiệu đáng cảnh báo đối với bất cứ nhà đầu tư nào. Hãy hết sức cẩn trọng, bởi hiếm có doanh nghiệp nào có thể thay đổi các yếu tố cơ bản như tình hình tài chính, kinh doanh, lợi nhuận nhanh đến vậy để có thể đẩy giá cổ phiếu tăng kịch trần nhiều phiên tiếp.