Nếu bạn đang thắc mắc về việc giá cổ phiếu của một công ty là đắt hay rẻ so với giá trị thực tế của nó, thì chỉ số P/B sẽ là một căn cứ hiệu quả để bạn tìm kiếm một công ty đang bị đánh giá thấp. Vậy P/B là gì trong chứng khoán, chỉ số P/B bao nhiêu là tốt… Hãy cùng chúng mình đi tìm câu trả lời ở nội dung bài viết dưới đây nhé.
Nội dung
P/B là gì trong chứng khoán?
Chỉ số P/B là gì?
P/B là viết tắt của Price to Book Value Ratio (PBR), có nghĩa là tỷ lệ giá trên giá trị sổ sách. Nó thể hiện cho nhà đầu tư biết được rằng giá cổ phiếu trên thị trường đang cao gấp bao nhiêu lần so với giá trị ghi sổ của doanh nghiệp.
Dựa vào P/B, bạn có thể tìm được một công ty đang bị đánh giá thấp để mua cổ phiếu, cũng như tránh được những công ty đang được định giá cao quá mức. Tuy nhiên chỉ số P/B cũng còn nhiều hạn chế nên nó không hẳn là thước đo hiệu quả nhất để định giá (còn chi tiết tại sao thì mình sẽ nói kỹ hơn ở phần bên dưới).

Ví dụ: Chỉ số P/B của mã cổ phiếu BID (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam) hiện tại là: 39,60 : 20,24 = 1,96.
=> Để có thể sở hữu được cổ phiếu BID, nhà đầu tư sẽ phải trả gấp 1,96 giá trị ghi sổ.
Công thức tính chỉ số P/B
Sau khi nắm được chỉ số P/B là gì, thì hãy tìm hiểu thêm công thức tính P/B để hiểu rõ bản chất của nó hơn nhé. Để có thể tính được chỉ số P/B, bạn cần xác định được 2 yếu tố chính, đó là:
- Giá thị trường của cổ phiếu (Price – P): chính là giá của cổ phiếu ở trên sàn giao dịch chứng khoán.
- Giá trị sổ sách của một cổ phiếu (Book Value per Share – BVPS): bằng tổng vốn chủ sở hữu chia bình quân cho tổng lượng cổ phiếu đang phát hành.
Giá cổ phiếu (P) và giá trị sổ sách của một cổ phiếu (BVPS) đều có sẵn trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp, nên việc tính toán P/B rất dễ dàng, chỉ cần áp dụng công thức sau:
Ví dụ:
Công ty A có tổng tài sản là 100 triệu đô, nợ phải trả là 75 triệu đô, đang lưu hành 10 triệu cổ phiếu, và giá mỗi cổ phiếu là 5 đô la.
=> Giá trị sổ sách của công ty A = 100 triệu – 75 triệu = 25 triệu đô.
=> Giá trị sổ sách của một cổ phiếu của A (BVPS) = 25 triệu đô/10 triệu = 2,5 đô là/cổ phiếu.
=> Giá mỗi cổ phiếu đang lưu hành là 5 đô la => P/B = 5/2,5 = 2. Nói cách khác, cổ phiếu của công ty A đang được bán với giá cao gấp 2 lần giá trị sổ sách của nó.
Ngoài ra, P/B cũng có thể tính bằng công thức khác, đó là lấy vốn hóa thị trường (giá 1 cổ phiếu nhân với toàn bộ sổ lượng cổ phiếu đang lưu hành), rồi chia cho tổng vốn chủ sở hữu (tài sản ròng).
Chỉ số P/B có ý nghĩa gì?
Chỉ số P/B cao hay thấp đều có những ý nghĩa nhất định và phải đặt vào hoàn cảnh của từng doanh nghiệp thì mới có thể phân tích chính xác được.
– Chỉ số P/B cao:
Chỉ số P/B > 1, cho thấy rằng giá cổ phiếu đang giao dịch ở mức cao hơn giá trị sổ sách của công ty.
Ví dụ, nếu một công ty có P/B = 3, có nghĩa là cổ phiếu đang được giao dịch với giá gấp 3 lần giá trị sổ sách.
=> Điều dễ nhận thấy nhất là nó được định giá quá cao so với giá trị thực tại, và “có vẻ” nếu mua sẽ là mua đắt. Nhưng bạn nên tư duy theo 2 trường hợp:
-
Chỉ số P/B cao cho thấy rằng các nhà đầu tư đang kỳ vọng nhiều vào tình hình kinh doanh của công ty, vì vậy họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn giá trị ghi sổ để mua cổ phiếu này.
-
Tích cực hơn, có thể cho thấy tài sản của công ty tuy ít nhưng vẫn tạo ra được nhiều lợi nhuận, công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững, hoặc giá trị tài sản vô hình của công ty rất lớn (thường ở những công ty công nghệ).
Ví dụ: Lấy ví dụ là công ty cổ phần sữa Vinamilk, một doanh nghiệp rất nổi tiếng trên thị trường chứng khoán, được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng là tình hình kinh doanh trong tương lai sẽ luôn phát triển, vì vậy họ sẵn sàng trả rất nhiều tiền để mua cổ phiếu Vinamilk.

Tuy nhiên khi xem xét một công ty có P/B cao, bạn đặc biệt phải quan tâm đến vấn đề nợ phải trả của công ty có cao quá mức hay không. Bởi vì nếu công ty vay nợ nhiều sẽ khiến giá trị cổ phiếu ghi sổ thấp, và tất nhiên điều này sẽ làm cho chỉ P/B cao.
Một công ty vay nợ quá nhiều cũng sẽ là một điều rủi ro khi đầu tư. Vì vậy nếu xem xét P/B thì hãy xem xét kết hợp với ROE. ROE rất quan trọng vì nó cho biết có bao nhiêu lợi nhuận được tạo ra từ vốn chủ sở hữu của công ty. Nếu ROE nhỏ, như vậy giá trị doanh nghiệp sẽ sớm suy giảm trong tương lai.
– Chỉ số P/B thấp:
Tỷ lệ P/B thấp, đặc biệt là < 1, là tín hiệu cho các nhà đầu tư biết rằng cổ phiếu này đang bị định giá thấp (điều này thường xuất hiện ở những mã cổ phiếu penny).
Tuy nhiên, cũng có thể có các trường hợp này xảy ra:
- Giá trị tài sản của công ty đang bị phóng đại quá mức, và công ty sẽ có khả năng phải đối mặt với điều chỉnh giảm của thị trường, dẫn đến lợi nhuận có thể giảm hoặc âm.
- P/B thấp cũng có nghĩa là công ty đang thu được lợi nhuận rất thấp trên tài sản của mình (ROE thấp).
- Công ty có mức kỳ vọng sinh lời từ nhà đầu tư thấp, hoặc công ty ở trong ngành kinh doanh bị cạnh tranh gay gắt, khó sinh lợi nhuận cao.
- Ngành nghề kinh doanh của công ty cần rất nhiều tài sản cố định như: xây dựng công trình, dây chuyền sản xuất thép….
Tuy nhiên, đối những ai quan tâm tới đầu tư giá trị, P/B <1 sẽ là căn cứ để tìm các cổ phiếu được định giá thấp mà thị trường đã bỏ qua. Điển hình như Warren Buffet, ông đã tìm kiếm cơ hội và thu rất nhiều lợi nhuận từ những cổ phiếu bị định giá sai.
Hạn chế của chỉ số P/B
Mặc dù tỷ lệ P/B có thể giúp bạn xác định được công ty nào đang được đánh giá cao, hoặc công ty nào đang bị đánh giá thấp, nhưng nó vẫn có nhiều hạn chế nhất định, đó là:
- P/B ở các ngành thâm dụng vốn thường rất thấp, ví dụ các công ty năng lượng, vận tải, các dây chuyền sản xuất…
- P/B ở các công ty có tài sản vô hình lớn như thương hiệu, bằng sáng chế, trí tuệ… thường rất cao, bởi tài sản cố định hữu hình của họ không nhiều. Ví dụ: Microsoft được xác định bởi tài sản trí tuệ chứ không phải tài sản vật chất, vì vậy giá cổ phiếu của họ không liên quan đến giá trị sổ sách của nó.
- P/B không cung cấp được cái nhìn sâu sắc về các công ty có mức nợ cao hoặc liên tục thua lỗ. Nợ cao có thể dẫn tới việc họ phải bán tài sản hữu hình để trả nợ, và sẽ tạo ra một giá trị P/B bị thổi phồng lên cao.
- Công ty có thể điều chỉnh BV (Book value) bằng nhiều cách: ví dụ như tăng hoặc giảm dự trữ tiền mặt, mua lại hoặc phát hành thêm cổ phiếu, trả cổ tức… thì cũng dẫn tới B thay đổi, và làm thay đổi P/B.
Tỷ lệ P/B bao nhiêu là tốt?
Để có thể đánh giá chỉ số P/B bao nhiêu là tốt, sẽ phụ thuộc vào từng ngành đặc thù và tình hình chung trên thị trường.
Chỉ số P/B nếu đứng riêng lẻ thì không có nhiều giá trị để đánh giá. Nếu muốn biết cổ phiếu của công ty này có đang bị định giá thấp hay không, hãy so sánh với P/B của đối thủ cạnh tranh, cũng như so sánh nó với mức trung bình của ngành.
Chỉ số P/B bao nhiêu là tốt có lẽ khó ai có thể trả lời chính xác được. Nhưng phần lớn các mã cổ phiếu bluechip, cổ phiếu của các công ty có xu hướng tăng trưởng nhanh, bền thì P/B thường rất cao, điển hình như VNM, VIC….
Nếu bạn muốn tìm được một mã cổ phiếu có P/B thấp và thực sự bị đánh giá thấp so với năng lực, thì hãy dựa vào một số gợi ý để lọc và tránh xa những cổ phiếu xấu như sau:
- Công ty bình thường, tăng trưởng năm được, năm thua lỗ, thiếu ổn định, nhưng P/B càng cao thì càng phải tránh.
- Công ty có thể có P/B thấp do nhiều tài sản, nhưng thực tế tài sản có đáng giá không? Bởi vì công ty nào sở hữu nhiều khoản phải thu, hàng tồn kho thì chỉ số P/B thường rất ảo.
=> Xét toàn cục, P/B càng cao càng rủi ro và ngược lại. P/B cao thường là những công ty tăng trưởng tốt, còn P/B thấp sẽ là công ty giá trị. Nhưng nếu không tìm hiểu kỹ, khi bạn mua cổ phiếu của công ty có P/B thấp nhưng không biết xoay chuyển tình thế kinh doanh, hoặc mua cổ phiếu P/B cao nhưng triển vọng phát triển thêm lại mờ mịt, thì có lẽ bạn sẽ gặp rủi ro.
Thông thường, P/B dao động khoảng 0.7 – 1.5 là bình thường. Tuy nhiên, có nhiều nhà đầu tư cũng thường xem xét cổ phiếu có P/B < 3 là chuẩn của họ. Còn nếu quyết định mua cổ phiếu có P/B cao, thì hãy chắc chắn đó là những công ty chất lượng, có tăng trưởng.
Mối quan hệ giữa P/B và ROE
Giáo sư Tài chính tại Trường Kinh doanh Stern (Đại học New York) – Damodaran, ông đã có nhiều nghiên cứu và chỉ ra rằng, yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số P/B nhất chính là tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (tức ROE), bởi cả 2 đều liên quan đến vốn chủ sở hữu.
ROE càng cao thì P/B càng lớn
Một cổ phiếu chỉ số P/B cao thường có ROE tương ứng, là bởi vì khi các nhà đầu tư xem xét ROE, họ thấy cổ phiếu này có thể thu được lợi nhuận tốt, vì vậy họ có xu hướng trả giá cao để mua nó.

Nếu P/B cao còn ROE thấp, thì lúc này mới chính xác là cổ phiếu đang được định giá quá cao. Ngoài ra, P/B thấp với ROE cao cho thấy chứng khoán đang bị định giá thấp.
=> Cách đánh giá khôn ngoan nhất khi xem xét P/B và ROE, là hãy xem phân tích số liệu này của công ty qua nhiều năm, như vậy bạn mới có được cái nhìn tổng quan nhất.
Có thể bạn quan tâm: ROE là gì và công thức tính ROE chi tiết
Trên đây là những giải đáp của chúng mình cho câu hỏi chỉ số P/B là gì, ý nghĩa của P/B, P/B bao nhiêu là tốt… Mong rằng qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ được tỷ lệ P/B này và biết cách vận dụng chúng vào việc phân tích, đánh giá cổ phiếu để có những quyết định đầu tư sáng suốt, thu lợi cao. Chúc bạn thành công.